Vợ “ngoài giá thú”
(PNTĐ) - Nhìn bề ngoài, ai cũng bảo tôi sướng, lấy được chồng giàu, chẳng bao giờ lo thiếu tiền tiêu. Nhưng, nói ra thì thật buồn, tôi thấy mình chỉ như người ngoài trong mắt chồng vì anh chưa từng tin tưởng tôi. Vợ chồng sống cùng nhau cả chục năm trời nhưng tôi không được biết trong nhà có bao nhiêu tiền, tài sản chung của vợ chồng gồm những gì.
Trước khi cưới, tôi từng có công việc và thu nhập độc lập. Tiền hàng tháng tôi kiếm ra không nhiều, nhưng cũng đủ trang trải sinh hoạt phí của bản thân thay vì phải lệ thuộc vào người khác. Ngày anh đến nhà đặt vấn đề xin tính chuyện trăm năm với tôi, ngồi trước mặt mẹ tôi, anh hứa sẽ lo cho tôi cuộc sống sung túc, ở nhà lầu, đi xe hơi, tiền tiêu rủng rỉnh.
Anh không cần tôi phải vất vả mưu sinh mà chỉ cần tôi làm tốt vai trò của người vợ biết chăm lo cho gia đình, sinh con và nuôi con khỏe mạnh. Mẹ tôi nghe xong thì cảm động rưng rưng. Anh về rồi, bà cứ tấm tắc khen anh mãi. Khi tôi tỏ ý không muốn nghỉ việc để “ở nhà chồng nuôi”, mẹ còn mắng tôi có số hưởng mà không biết hưởng.
Bà bảo, có biết bao người mong lấy được chồng giàu mà chẳng được. Rồi nếu tôi phải lo chạy ăn từng bữa, chắc chỉ được ba bẩy hai mốt ngày là tôi đứt hơi.
Cuối cùng, sau cưới, trước sự thiết tha của chồng, rồi nhà chồng, nhà đẻ cũng giục giã, thậm chí gây áp lực, tôi đành nghỉ việc để toàn tâm toàn ý thực hiện thiên chức làm vợ.
Cứ đầu mỗi tháng, tôi lại lên kế hoạch, đề xuất những khoản tiền cần chi tiêu… của hai vợ chồng. Lúc đầu, anh nói tôi mới làm chủ gia đình còn bỡ ngỡ nên anh cần “duyệt” kế hoạch chi tiêu, nếu hợp lý thì sẽ đưa tiền cho tôi. Sau đó, anh lại nói còn bận công việc, nên sẽ nhờ mẹ anh… xem giúp.
Thế là, mặc dù là chi tiêu cho hai vợ chồng nhưng hàng tháng, tôi vẫn phải đưa mẹ chồng tôi xem dự trù sinh hoạt phí. Tôi cứ tưởng mẹ chồng cũng chỉ tham gia vài tháng đầu nhưng đến nay, đã 10 năm rồi, bà vẫn làm như vậy. Có tháng, tôi giả vờ “quên” để xem bà phản ứng ra sao thì bà chủ động đến nhà nhắc tôi.
Là vợ, tôi rất hiểu kiếm được một đồng, chồng đã phải vất vả, đổ mồ hôi, sôi nước mắt ra sao nên không bao giờ tôi tiêu xài lãng phí. Nhưng, việc hàng tháng cứ phải đưa cho mẹ chồng thông qua chi tiêu khiến tôi cảm thấy tủi thân. Lẽ nào, suốt 10 năm trời, tôi vẫn không đủ sự trưởng thành để có thể tự quyết định sinh hoạt của gia đình mình? Lẽ nào, chồng tôi và mẹ chồng tôi không thể đặt niềm tin vào tôi?

Một lần, tôi đã chia sẻ với chồng nỗi niềm ấy thì anh gạt đi, còn bảo tôi cả nghĩ. Anh nói, làm con mà có bố mẹ giúp đỡ, chỉ bảo cho là may mắn lắm. Hơn thế, mẹ chồng tôi bao năm qua cũng ở nhà làm nội trợ nên bà rất hiểu giá cả thị trường, việc tiêu pha trong gia đình. Nếu được vợ chồng tôi nhờ kiểm soát hộ chi tiêu, thì bà cũng sẽ rất vui và thấy được tôn trọng.
“Em yên tâm, mẹ yêu quý thì cái gì cũng có. Ở trong nhà, ngay cả khi mình tự làm được thì việc hỏi thêm ý kiến của mẹ đâu có mất gì. Em khéo léo, nhẫn nhịn một chút cho gia đình được hòa thuận”. Rồi chồng tôi cũng nói, mẹ tôi không phải người “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành” nên tôi có thể tiêu tiền thoải mái chứ bà có cấm cản gì đâu. Bà chỉ yêu cầu tôi phải công khai các khoản tiền để cả nhà cùng nắm được.
Song, chồng tôi nói là vậy chứ tôi lúc nào cũng thấy mình giống như người “ăn nhờ, ở đậu” ngay trong ngôi nhà có chồng và mẹ chồng. Hàng tháng, ngoài những khoản tiền chợ, điện, nước, học phí cho con, xăng xe đi lại, tôi đôi lúc cũng có nhu cầu chi tiêu cho bản thân như đi cắt tóc, gội đầu, mua sắm cái áo, cái quần mới.
Mẹ chồng tôi không quá hà khắc, nhưng, lắm lúc, nhìn vào bảng dự trù chi tiêu, bà lại chẹp miệng bảo tôi: “Sao tháng trước mẹ vừa thấy con mua áo rồi, con đã mặc hết chưa mà tháng này lại mua tiếp.
Con liều liệu mua sắm hợp lý, đừng có ném tiền qua cửa sổ”. Tôi nghèn nghẹn thưa với mẹ là tháng trước, tôi có mua một áo khoác mùa đông, còn tháng này trời đã sang hè, tôi định mua thêm vài tấm áo cộc mặc cho mát. Mẹ chồng tôi không nói thêm nữa mà đồng ý, nhưng lúc đó, tôi chỉ muốn bật khóc thật to vì thấy mình sao mà hèn kém đến thế, tiền chẳng thể tự kiếm ra.

Tôi khó ăn khó nói nhất là những lúc cần tiền để chi cho nhà ngoại. Đó là khi anh họ tôi cưới vợ, tôi liệt kê thêm vào khoản tiền cần chi tiêu của tháng, mẹ chồng tôi đọc xong liền bình phẩm, anh họ của con cưới gì mà lắm, rõ là tốn tiền. (Chẳng là anh cưới đời vợ thứ 3). Rồi khi mẹ đẻ tôi sửa nhà, tôi là con cũng muốn cùng chồng thể hiện trách nhiệm bằng việc biếu mẹ ít tiền.
Mẹ chồng tôi khi biết có thêm khoản tiền đó, bà không cấm cản nhưng lại nói bâng quơ: “Nhà ở quê thì sửa vừa vừa phai phải thôi, liệu cơm mà gắp mắm. Sửa to thì chỉ tốn tiền con cái mà sau này cũng làm gì có ai về ở”. Rồi cả khi tôi mua biếu mẹ đẻ ít thuốc bổ vì dạo này mẹ tôi hay ốm đau, mẹ chồng tôi lại nói ý rằng bao năm qua, bà hết lòng vì vợ chồng tôi mà cấm thấy tôi biếu bà thứ gì.
Lời của bà làm tôi thấy mình như con bất hiếu, lấy tiền của chồng cho nhà ngoại còn nhà chồng thì không quan tâm.
Chồng tôi vẫn nói, anh có đủ tiền cho tôi tiêu thoải mái. Nếu chỉ nhìn như vậy, có thể ai đó sẽ cho rằng tôi đúng là sướng. Nhưng, tôi không nghĩ vậy. Tiếng là vợ, tôi chẳng bao giờ biết chồng mình kiếm được bao nhiêu tiền mỗi tháng. Của cải của hai vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân gồm những gì. Ngôi nhà tôi ở, rõ ràng tôi biết là mua bằng tiền của chồng tôi, nhưng rồi nhà lại được đứng tên của mẹ chồng.
Tôi có hỏi thì anh phủ nhận, bảo nhà là tài sản của mẹ cho vợ chồng ở nhờ thôi. Trong phòng ngủ của hai vợ chồng tôi có một chiếc két sắt, nhưng trong đó đựng gì tôi không được biết vì nó lúc nào cũng khóa im ỉm.

Chỉ có hai người biết mã số của két là chồng tôi và mẹ chồng tôi. Thi thoảng, mẹ chồng lại đến nhà rồi cùng chồng tôi lên phòng, đóng kín cửa lại để tránh tôi vào. Tôi đoán là hai người đang “kiểm kê” tài sản trong két. Sở dĩ như vậy vì có một lần, khi mẹ chồng và chồng đi xuống tầng, tôi phát hiện có một cọc tiền to, toàn loại 500.000 đồng bị bỏ quên trên nóc két sắt.
Tôi liền hỏi chồng thì anh thoáng chút bối rối rồi vội gạt đi, giải thích đây là tiền của mẹ tôi gửi nhờ vào két của vợ chồng, tôi đừng tò mò. Rồi sau, sợ tôi nghi ngờ, anh còn nói thêm là dạo này công ty làm ăn khó khăn, tiền anh kiếm ra chẳng đáng bao nhiêu. Phần lớn kinh tế của vợ chồng tôi là do mẹ giúp đỡ.
Tất nhiên, anh nói sao thì tôi biết vậy. Tôi chỉ buồn khi là người cùng một nhà nhưng tôi luôn bị đẩy ra ngoài cuộc. Chồng tôi chỉ trao đổi chuyện tài sản với mẹ chồng tôi. Hàng tháng, nhiệm vụ của tôi chỉ là ngoan ngoãn tiêu tiền mà chồng và mẹ chồng duyệt đưa cho.
Trong cuộc hôn nhân này, tôi lúc nào cũng ở thế yếu. Tôi lại nhớ tới lời của mẹ nói: “Nó làm ra nhiều tiền thì kệ nó lập quỹ đen, con chỉ cần bản thân con và các con được ăn sung, mặc sướng. Nếu con làm căng lên, vợ chồng ly hôn thì con ra đường tay trắng, lúc đó liệu con có một mình mà tự sống được không?”.