Vô tính không phải là bệnh

Chia sẻ

Họ là một cộng đồng trong cộng đồng người đồng thiểu số tính dục (LGBTIQA+) - những người có bản dạng giới, xu hướng tính dục khác với đa số mọi người. Họ thờ ơ với sex và thường lựa chọn cuộc sống độc thân.

Chị Nguyễn Thị Kim Dung, quản lý Chương trình hỗ trợ mạng lưới cộng đồng, Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến và phát triển cộng đồng sẽ giúp độc giả báo Phụ nữ Thủ đô hiểu về những đặc tính khác biệt của những người thuộc xu hướng tính dục này. 

Chị Nguyễn Thị Kim Dung trong buổi gặp gỡ cộng đồng LGBTChị Nguyễn Thị Kim Dung trong buổi gặp gỡ cộng đồng LGBT

PV: Thưa chị, là cán bộ nghiên cứu, làm việc và trực tiếp hỗ trợ cộng đồng LGBTIQA+, chị có thể giải thích về khái niệm người vô tính và xu hướng vô tính của họ?

Vô tính (Asexual) là một trong những xu hướng tính dục tương tự như dị tính (heterosexual), đồng tính (homosexual), song tính (bisexual) hay toàn tính (pansexual).

Có nhiều cách để định nghĩa về người vô tính, nhưng khái niệm được Mạng lưới người vô tính Việt Nam sử dụng phổ biến là:

Người vô tính bao gồm những người có hoặc không có những hành vi liên quan đến tình dục, có thể có hoặc không có ham muốn tình dục (sexual desire), có thể có hoặc không có hấp dẫn tình cảm, nhưng điểm chung là không có hoặc ít hấp dẫn tình dục (sexual attraction). Họ sẽ là người tự nhận dạng mình.

Vô tính được coi là phổ vì các cá nhân có thể tự xác định nhiều tọa độ khác nhau trên phổ vô tính. Có người cảm thấy không có hoặc có hấp dẫn tình dục trong một vài điều kiện nhất định. Theo cách định nghĩa dựa trên hấp dẫn tình dục thì có ba nhóm phổ biến là người vô tính, người bán tính và người á tính.

Người vô tính là người không có hấp dẫn tình dục với người khác. Trong nhiều tài liệu, người vô tính thường được quy ước là bao hàm cả người bán tính, á tính. Do đó, khái niệm người vô tính thường được hiểu là người không có/ ít sự thu hút, hấp dẫn tình dục với người khác.

Người bán tính (gray-asexual) là người hiếm khi có hấp dẫn tình dục hoặc đôi khi nảy sinh hấp dẫn tình dục với cường độ rất thấp, đây là điểm khác với người vô tính. Người bán tính cho rằng bản thân nằm giữa vô tính và hữu tính nhưng họ nghiêng về phổ vô tính nhiều hơn.

Người á tính (demisexual) là người có hấp dẫn tình dục khi có kết nối tình cảm lâu dài, gắn bó mật thiết với người mà họ yêu thương. Với họ, để xuất hiện hấp dẫn tình dục, thì trước đó họ đã có một khoảng thời gian khá dài để tìm hiểu đối phương, từ đó hình thành mối liên kết chặt chẽ nhất định và họ cảm thấy an toàn, gần gũi trong mối quan hệ đó. Người á tính vẫn cảm nhận mình thuộc cộng đồng vô tính.

PV: Với những nghiên cứu của mình, theo chị, tỷ lệ người vô tính trong cộng đồng như thế nào? Họ gặp những khó khăn, trở ngại gì trong cuộc sống?

Theo ước tính của một nghiên cứu trên những người trưởng thành thuộc nhóm thiểu số tính dục ở Hoa Kỳ, có 1,7% tự xác định là vô tính. Còn ở Việt Nam, chưa có một thống kê nào chỉ ra tỷ lệ người vô tính.

Người vô tính thường gặp phải nhiều khó khăn trong cuộc sống, liên quan đến các quan niệm truyền thống về việc kết hôn, sinh con. Họ là mục tiêu rõ ràng của những định kiến, kỳ thị và phân biệt đối xử. Họ thậm chí còn phải chịu những định kiến cực đoan hơn người đồng tính và song tính bởi vì họ bị cho rằng ít giống con người về đặc trưng và bản chất hơn so với những cộng đồng thiểu số tính dục khác.

Người vô tính có thể bị xem là triệu chứng của một dạng rối loạn hoặc rối loạn tâm thần. Có những người vô tính phải dùng thuốc kích dục hoặc tiêm testosterone, bởi vì chuyên gia sức khỏe tâm thần chỉ định đó là bệnh, điều đó khiến họ hiểu sai rằng mình đang mắc bệnh hoặc bị hội chứng ám ảnh do cô đơn.

Thậm chí, họ có khả năng cao là nạn nhân của các vụ hiếp dâm, cưỡng bức. Điều này xảy ra bởi kẻ hiếp dâm hoặc cưỡng bức cho thấy rằng tình dục quan trọng với mọi người và tin rằng việc ép buộc ai đó quan hệ tình dục sẽ thức tỉnh họ. Đáng lo ngại, những kẻ hiếp dâm này bao gồm cả người yêu của người vô tính. Ngoài ra, một số người tin rằng tình dục là một phần mà họ phải nhận được trong mối quan hệ lãng mạn, do đó họ bắt đối phương chấp nhận quan hệ tình dục.

Trong mối quan hệ lãng mạn, người vô tính có đối phương là người hữu tính dễ nảy sinh nhiều điểm bất đồng. Những sự khác biệt này khiến người vô tính ngần ngại khi muốn bày tỏ tình cảm hoặc tiến tới và xây dựng một mối quan hệ lãng mạn.

Người vô tính có thể bị hấp dẫn về mặt tình cảm vs người khác nhưng không có ham muốn với tình dụcNgười vô tính có thể bị hấp dẫn về mặt tình cảm vs người khác nhưng không có ham muốn với tình dục

PV: Như vậy có thể thấy, hiện nay người vô tính rất dễ bị hiểu lầm? Vậy, theo chị thấy xã hội có phân biệt đối xử đối với người vô tính không?

Nhiều người vẫn đang hiểu nhầm vô tính là bệnh tâm lý hoặc không có khả năng tình dục. Đa số người vô tính nam dễ bị hiểu lầm là ẻo lả, “yếu sinh lý” hoặc đồng tính không công khai, còn vô tính nữ thì thường bị coi là lãnh cảm hoặc thích độc thân. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, vô tính là bẩm sinh và không thể thay đổi. Nó khác với việc thích sống độc thân hoặc hội chứng rối loạn tình dục. Các yếu tố như thiếu kiến thức và giáo dục hay do sang chấn tâm lý, bị lạm dụng tình dục khi còn nhỏ không phải là nguyên nhân dẫn tới xu hướng tình dục này.

Vô tính là bẩm sinh, trong khi đó, các vấn đề như liệt dương, bất lực, hay suy giảm ham muốn tình dục chỉ là nhất thời. Các rối loạn sinh lý được điều trị thì sẽ phục hồi khả năng tình dục như trước. Còn đối với người vô tính, dù có chữa trị cũng không thể thay đổi được xu hướng tình dục của họ.

Để tự bảo vệ mình và kết nối với những người cùng xu hướng tính dục, người vô tính đã tự thành lập ra các cộng đồng/nhóm để giao lưu, chia sẻ và đồng cảm với nhau. Trên thế giới, đã có nhiều cộng đồng người vô tính được hình thành, nổi tiếng và đông đảo nhất là Asexual Visibility and Education Network (AVEN), được thành lập vào năm 2001 với hai mục tiêu riêng biệt: gia tăng sự chấp nhận của mọi người và thảo luận với công chúng về vô tính, đồng thời tạo điều kiện cho sự phát triển của cộng đồng vô tính.

Ở Việt Nam, năm 2013, một nhóm hoạt động trong group riêng tư là Asexual in Vietnam (AIV) được lập ra kết nối người vô tính tại Hà Nội và TP HCM. Sau đó năm 2016 trang fanpage dựa trên nền tảng group kín này hoạt động công khai. Bên cạnh đó, họ cũng tham gia hoạt động ở các nhóm cộng đồng của LGBTIQ+ khác nhau và tham gia vào phong trào của LGBT nói chung. Trong 7 năm hoạt động đến năm 2020, AIV ngoài tổ chức các chương trình dành riêng cho cộng đồng người vô tính còn đồng tổ chức, hỗ trợ các sự kiện, dự án về LGBT và Giới.

PV: Theo chị, giải pháp gì giúp cho cộng đồng hiểu hơn về người vô tính?

Xu hướng tính dục của người vô tính rất khác với phần đông mọi người, thêm nữa mọi người thường rất ít hiểu biết hoặc hiểu biết chưa đủ về cộng đồng người vô tính. Do vậy để họ có cuộc sống tốt đẹp hơn, tôi cho rằng cần nâng cao hiểu biết của cộng đồng, gia đình về người vô tính để họ không phải chịu những kỳ thị, đánh giá. Tăng cường hiểu biết của các nhân viên trong ngành y tế về người vô tính cũng quan trọng để họ hiểu rằng vô tính không phải là bệnh lý và không cần phải điều trị cũng như có sự hỗ trợ khi người vô tính sử dụng với các dịch vụ y tế.

Đối với nhóm người vô tính, chúng ta cần tôn trọng họ, tôn trọng cảm xúc và sự lựa chọn của họ, bởi chỉ như thế mới tạo điều kiện cho họ tự tin trong cuộc sống. Chính sự kỳ thị hiện nay khiến cho cộng đồng người vô tính khó khăn trong việc tìm kiếm các dịch vụ về y tế. Ví dụ như, họ đi khám phụ khoa mà nói rằng là không có nhu cầu tình dục thì bác sỹ sẽ kê thuốc trong đó có thuốc kích thích hoặc thậm chí phải điều trị tâm lý…

Để nâng cao nhận thức của cộng đồng dân chúng thì vai trò của báo chí rất quan trọng, do vậy tôi cũng mong rằng các nhà báo, các cơ quan truyền thông cũng có hiểu biết đúng về người vô tính và từ đó là cầu nối để truyền tải những kiến thức, hiểu biết đúng này tới công chúng.

Xin cảm ơn chị!

HỒNG NHUNG (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.