Vườn cây lá thuốc dành cho cộng đồng

Chia sẻ

Nhằm phát huy giá trị của các cây thuốc Nam trong việc phòng và trị bệnh ban đầu, nhiều vườn thuốc Nam cộng đồng đã được cán bộ Hội, người dân tại Hà Nội gieo trồng, chăm sóc trên những khoảnh đất trống giữa đô thị đông đúc.

Giữ gìn nét đẹp văn hoá nghề truyền thống

Ngay ở quận Ba Đình - trung tâm thành phố, làng Đại Yên xưa, nay là phường Ngọc Hà đã nổi tiếng với nghề thuốc Nam truyền thống. Dù xã hội ngày càng phát triển, làng xưa lên phố, nhiều mảnh vườn trồng thuốc Nam được thay bằng những ngôi nhà cao tầng nhưng những người dân làng xưa cố gắng duy trì nghề ông cha truyền lại, phát huy giá trị tốt đẹp của bài thuốc dân gian trong phòng và trị bệnh đơn giản trong cuộc sống hàng ngày. Với mong muốn đồng hành cùng người làm thuốc Nam giữ gìn, quảng bá nét đẹp văn hoá nghề truyền thống, những năm qua, Hội LHPN phường Ngọc Hà đã thực hiện hiệu quả mô hình “Vườn thuốc Nam” tại khuôn viên đình Ngọc Hà, đình Đại Yên; khuyến khích gia đình cán bộ, hội viên trồng cây thuốc trong vườn nhà, trên sân thượng, ban công… Chị Chu Thanh Loan - Chủ tịch Hội LHPN phường cho biết: Những người con của làng nghề thuốc Đại Yên đều mang trong mình vị thuốc, mùi lá thơm đặc trưng của các loại cây cỏ dược liệu. Nhiều bài thuốc quý hiện đang được lưu truyền, được các gia đình và các bạn trẻ tin dùng. Tuy nhiên, trước sự mai một của nghề do tốc độ đô thị hoá nhanh, Hội LHPN phường đã khảo sát, tham khảo ý kiến của các cụ, các bà cao niên trong nghề để lựa chọn địa điểm, giống cây thuốc quý để thực hiện mô hình “Vườn thuốc Nam”. Khu vườn đầu tiên được thực hiện trong khuôn viên đình Ngọc Hà, cán bộ, hội viên của phường tham gia làm đất, bổ luống, xếp gạch ở các luống và gieo trồng các loại cây gia vị đồng thời là vị thuốc quen thuộc và gần gũi với các gia đình như húng chanh, ngải cứu, xả, lá lốt… Vườn thuốc Nam này được giao cho Chi hội phụ nữ số 2 chăm sóc, tưới nước, làm cỏ. Các loại cây dược liệu trên vốn lành tính, dễ trồng, sinh trưởng, phát triển tốt nên sau một thời gian, vườn thuốc Nam ở đình Ngọc Hà đã được phủ màu xanh tươi mát, đầy sức sống; trở thành địa chỉ quen thuộc để bà con trong phố đến thu hái, làm thuốc.

Cô Vũ Thị Thấn chăm sóc vườn cây thuốc Nam của chi hộiCô Vũ Thị Thấn chăm sóc vườn cây thuốc Nam của chi hội

Sau thành công của vườn thuốc Nam đầu tiên, Hội LHPN phường tiếp tục triển khai làm vườn thứ 2 tại sân chơi cộng đồng trong khuôn viên đình Đại Yên (số 279 phố Đội Cấn). Thay vì trồng hoa, trồng cây xanh trang trí như các sân chơi khác, ở sân chơi này, cán bộ Hội đã công phu đặt mua những bồn cây to, mua tre chặt các cành đều nhau và bo quanh bồn. Sau đó, chị em đổ đất phù sa màu mỡ vào bồn, gieo trồng các luống cây dược liệu. Hàng ngày, các chị em ở Chi hội Phụ nữ số 9 thay nhau tưới nước, đảm bảo độ ẩm để cây sinh trưởng; cuối tuần, chị em vừa tổng vệ sinh ngõ phố vừa làm cỏ, xới đất, bổ sung dinh dưỡng cho cây; cắt tỉa cành. Tại sân chơi này, qua công việc chăm sóc cây thuốc hàng ngày, trong câu chuyện kể của các bà, các mẹ, các bạn trẻ trong phố được hiểu biết thêm về nghề truyền thống của mảnh đất Ngọc Hà tài hoa, về sự kỳ diệu của cây cỏ - cây thuốc. Chị Đinh Quỳnh Hoa ở ngõ 182 phố Đội Cấn thường cho 2 cậu con trai ra sân đình vận động, những ngày thời tiết chuyển mùa, mấy mẹ con chị thường hái nắm lá húng chanh, củ xả tươi tốt trong vườn để làm siro, phòng ho. “Từ ngày về làm dâu, làm mẹ, tôi đã được mẹ chồng và các bà, các bác truyền thụ nhiều bài thuốc quý để chữa một số bệnh chuyển mùa của trẻ con và người lớn. Ngày xưa các cụ làm gì có thuốc kháng sinh như bây giờ mà toàn dùng lá. Làm mẹ của các con là tôi thuộc làu đặc tính của các loại cây cỏ như bị ho, viêm họng dùng cây húng chanh, hẹ, quất; nóng trong người thì nấu cỏ mần trầu, lá tía tô lấy nước uống, bị rôm sảy mẩn ngửa dùng cây sài đất... Trong nhà tôi lúc nào cũng sẵn lọ siro húng chanh với quất, hẹ, các cháu chơm ho là tôi cho dùng, vài ngày là cắt cơn, an toàn lại lành tính”.

Vườn thuốc của chi hội

Khách ghé thăm gia đình cô Vũ Thị Thấn - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ tổ dân phố số 1 phường Đức Giang, quận Long Biên thường được mời cốc nước lá. Mùa nào thức ấy, trên bàn nhà cô Thấn luôn có ấm nước lá, khi thì lá tía tô, lúc thì ấm nước xạ đen, bông mã đề… “Những loại lá này được chị em trồng và chăm sóc tại vườn thuốc Nam của chi hội” - cô Thấn cho hay. Vườn thuốc của Chi hội được trồng gần đường tàu nằm ven tổ dân phố. Mảnh vườn này không lớn, chỉ tầm 20m, trước toàn đất đá để hoang, cỏ dại mọc nhiều, một số người dân đi qua tiện tay vứt rác, làm ảnh hưởng đến cảnh quan. Chị em trong Chi hội đã thu gom rác, cải tạo đất, bổ sung màu và trồng các loại cây dược liệu, cây gia vị có nhiều tác dụng tốt cho sức khoẻ, hỗ trợ phòng và điều trị bệnh đơn giản, thường gặp. “Trong kho tàng dược liệu được các cụ xưa truyền lại, có nhiều loại cây thuốc Nam quen thuộc, có thể dễ dàng tìm thấy xung quanh nhà và là nguyên liệu chế biến hàng ngày của chị em cho mâm cơm gia đình như cây ngải cứu, tía tô, chùm ngây, sả... Có một số cây khác thiên hẳn về dược liệu nhưng cũng rất dễ sử dụng, dễ trồng và dễ gây giống như xạ đen, bông mã đề, mặt khỉ, tài vi… Lĩnh hội kiến thức về cây thuốc nam qua báo chí, chị em quyết định làm vườn cây như thế cho Chi hội.

Không gian xanh tại khu tập thể Đ4 Phương MaiKhông gian xanh tại khu tập thể Đ4 Phương Mai

Đến nay, qua sự đóng góp của hội viên, vườn cây đã phong phú về số lượng và chủng loại. Chúng tôi lựa chọn cây mặt khỉ có dáng cao để trồng bên trong làm hàng rào, sau đó đến các loại cây ngải cứu, tía tô, xạ đen, bông mã đề, xả; ngoài cùng chúng tôi trồng các loại cây hoa trang trí. Khu vườn vì thế quanh năm xanh tốt, lá xanh và các loại hoa nhiều màu sắc”. Vườn cây được cán bộ, hội viên chăm chút; được “hít thở” đủ ánh sáng và cung cấp đủ dinh dưỡng, độ ẩm nên phát triển tốt. Bà con trong tổ cần loại nào có thể ra hái để dùng; có loại cây vào mùa thu hoạch rộ, bà con thu hái, phơi khô, phòng khi nhức đầu, cảm cúm, đau xương khớp… có thể lấy ra dùng. “Chi hội tổ chức các hoạt động hướng dẫn chị em xoa bóp, ngồi thiền tĩnh tâm kết hợp với sử dụng nước, thuốc từ dược liệu nên nhiều chị em được cải thiện sức khỏe, hạn chế được bệnh tuổi già. Như tôi, mấy năm nay, khi trở trời, đau đầu nhưng không phải sử dụng viên thuốc nào, chủ yếu là dùng ngải cứu”.

Các chị em ở Chi hội Phụ nữ số 9 phường Phương Mai, quận Đống Đa chủ yếu sinh sống tại khu tập thể lắp ghép được xây dựng cách đây hơn 30 năm. Tuy không có nhiều diện tích mặt bằng để trồng cây nhưng các hội viên ở đây đã rất sáng tạo để có chậu cây thuốc Nam hữu ích. Các cô, các chị tận dụng khoảng không có nhiều ánh sáng giữa các tầng để đặt các hộp xốp, chậu nhựa nhỏ, đổ đất, trồng cây húng chanh, cây trinh nữ hoàng cung, cây lá lốt, lá hẹ, nha đam; ở cầu thang bộ các cô trồng cây vạn liên thanh, cây mẫu tử… giúp thanh lọc không khí và mang lại cho không gian sống màu xanh tươi mát, làm dịu đi nắng nóng gay gắt của mùa hè, nhất là ở các tầng cao. Chị Thanh Hà - cán bộ hưu trí, hội viên Chi hội Phụ nữ số 9 cho biết: Các loại cây trồng ở đây đều đứng hàng đầu về tác dụng thanh lọc không khí, rất tốt cho sức khoẻ con người. Ngoài ra, nhiều loại cây còn có tác dụng phòng và chữa bệnh cho hiệu quả cao, không quá tốn kém, ít tác dụng phụ và tránh được hiện tượng nhờn thuốc, hữu ích để chữa các bệnh đơn giản, bệnh thời tiết chuyển mùa mà người cao tuổi và trẻ em hay mắc phải như cảm cúm, đau đầu, đau nhức xương khớp. Công dụng này được đúc kết qua nhiều thế kỷ và truyền lại cho chúng ta. Cây thuốc Nam cũng dễ kiếm, dễ trồng, trồng trên đất hay trồng ở chậu cây, hộp xốp đều được. Như cây húng chanh hay trinh nữ hoàng cung, chỉ cần tưới nước sạch, để chỗ nắng là cây phát triển tốt và nhân giống nhanh; chỉ cần ngắt cành, cắm xuống đất là bộ rễ phát triển, cây sống tốt. Hay cây lá lốt cũng dễ trồng như vậy, chị em có thể dùng lá lốt như loại cây gia vị trong chế biến thức ăn nhưng đây là vị thuốc, kết hợp với cỏ xước để chữa đau đầu, đau khớp… Nhờ vậy, mọi người đều có thể tự trồng cho mình một vài cây thuốc Nam một cách đơn giản và dễ dàng nhất.

HẠNH LÊ

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.