“Xóa mù” công nghệ, tỉnh táo trước thủ đoạn lừa đảo

Q.AN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Trước nhiều vụ việc các đối tượng mạo danh công an để gọi điện đe dọa, lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong thời gian gần đây, Công an thành phố Hà Nội đã khuyến cáo người dân cần cảnh giác trước thủ đoạn trên, đồng thời tăng cường “xoá mù” công nghệ để không rơi vào bẫy lừa đảo.

Mới đây, anh P (sinh năm 1998, quê ở tỉnh Hà Nam, tạm trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) nhận được điện thoại của một đối tượng tự xưng là công an và thông báo anh vi phạm giao thông. Đối tượng còn đe dọa anh có liên quan đến việc mua bán tài khoản ngân hàng để rửa tiền.  

Để xác định anh P không liên quan đến vụ việc trên, đối tượng này yêu cầu anh P phải chứng minh tài chính bằng cách chuyển 50 triệu đồng vào tài khoản do đối tượng cung cấp. Sau khi chuyển khoản, anh P phát hiện mình bị lừa và đến Công an phường Quan Hoa (Cầu Giấy) trình báo. 

Cùng thủ đoạn trên, ngày 30/3, một người nữ tự giới thiệu là nhân viên bưu điện đã gọi điện cho chị Q (sinh năm 1990, trú tại phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) và thông báo chị có một bưu phẩm của ngân hàng chi nhánh Đà Nẵng ghi khoản nợ là 40 triệu đồng. Người này yêu cầu chị phải thanh toán khoản nợ nếu không sẽ báo cơ quan công an. Sau đó, một nam giới khác gọi điện cho chị và tự xưng là Đội trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an thành phố Đà Nẵng nói chị Q bị lộ thông tin cá nhân và liên quan đến đường dây rửa tiền, buôn bán ma túy, đồng thời yêu cầu chị Q đến công an thành phố Đà Nẵng làm việc. Do chị Q nói không đến được Đà Nẵng nên đối tượng yêu cầu chị tải App "Thay đổi bảo mật" rồi đăng nhập tài khoản ngân hàng để xác minh. Sau khi làm theo hướng dẫn của người này, chị Q phát hiện tài khoản của mình bị mất 300 triệu đồng nên đã hốt hoảng đến cơ quan công an trình báo. 

“Xóa mù” công nghệ, tỉnh táo trước thủ đoạn lừa đảo - ảnh 1

Trước đó, trên địa bàn thị xã Sơn Tây (Hà Nội) cũng xảy ra vụ việc có một số người dân là cán bộ hưu trí trên 70 tuổi bị các đối tượng giả danh công an gọi điện thoại để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tổng thiệt hại lên đến 1,5 tỷ đồng. Điển hình khoảng 9h30 ngày 8/3, các đối tượng đã gọi điện đến số máy cố định nhà bà T.T.T (sinh năm 1947, là cán bộ hưu trí tại phường Lê Lợi, thị xã Sơn Tây) với thủ đoạn giả danh công an. Các đối tượng tự xưng đang điều tra vụ án ma túy, rửa tiền và yêu cầu bà T khai thông tin cá nhân và số tiền tiết kiệm. Khi biết bà T đang có 150 triệu đồng gửi tại ngân hàng, các đối tượng đã yêu cầu bà T rút và chuyển vào tài khoản của đối tượng để cơ quan công an “giữ hộ”, đợi sau khi điều tra xong, nếu chứng minh bà không tham gia vụ án ma túy thì sẽ hoàn trả bà số tiền trên (cả gốc lẫn lãi). Lo sợ bị mất tài sản, bà T đã mang sổ tiết kiệm ra ngân hàng để rút tiền chuyển cho các đối tượng. Tuy nhiên, khi đến cửa phòng giao dịch, bà T bỗng thấy nghi ngờ nên đã đến Công an phường Lê Lợi trình báo sự việc. Tại đây, bà T được các công an giải thích rõ về thủ đoạn lừa đảo của tội phạm, giúp bà giữ lại được 150 triệu đồng. 

Trước nhiều vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua điện thoại bằng hình thức giả danh công an gọi điện mời làm việc, Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo người dân cần cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về các thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Theo cơ quan công an, các đối tượng thường ẩn danh dưới số điện thoại giống hệt số điện thoại công khai của cơ quan Công an, Viện Kiểm sát để gọi điện thoại cho bị hại, thông báo họ đang bị kiện vì nợ tiền hoặc có liên quan đến một vụ án, chuyên án mà cơ quan công an đang điều tra, xác minh, đã có lệnh bắt của Viện Kiểm sát nhân dân... để yêu cầu bị hại kê khai tài sản, số tiền mặt hiện có và số tiền gửi trong các tài khoản ngân hàng. Sau đó, chúng dùng lời lẽ đe dọa sẽ bắt tạm giam nạn nhân để điều tra và yêu cầu họ chuyển tiền hoặc đọc mã OTP để chúng thực hiện việc chuyển tiền vào các tài khoản của chúng với vỏ bọc để xác minh, điều tra. 

Cơ quan công an cho biết, để làm việc với người dân, cơ quan công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua công an địa phương; tuyệt đối không yêu cầu công dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, nhân dân cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất.

Liên quan đến vấn đề này, Tiến sỹ, Trung tá Đào Trung Hiếu (chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an) cho biết, đây là loại tội phạm công nghệ cao, có tổ chức chặt chẽ với thủ đoạn vô cùng tinh vi. Các đối tượng thường làm cho bị hại hoang mang, hoảng loạn và buộc phải làm theo hướng dẫn của chúng. Tuy nhiên, không chỉ trông chờ vào việc xử lý của các cơ quan có thẩm quyền, người sử dụng mạng xã hội cũng cần tự bảo vệ mình bằng cách hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng. “Mạng xã hội đang ngày càng phổ biến, do đó, bên cạnh việc đấu tranh, phòng ngừa tội phạm của lực lượng chức năng, người dân cần tăng cường “xóa mù” công nghệ, cảnh giác để tránh rơi vào bẫy lừa đảo như: trang bị kiến thức về công nghệ, cập nhật văn bản của cơ quan chức năng, không nên đưa thông tin cá nhân quan trọng như số tài khoản, địa chỉ nhà, số điện thoại, email… lên mạng xã hội, vì điều này khác nào gọi “đạo tặc” đến nhà, bởi các đối tượng tội phạm cũng sử dụng facebook để tìm kiếm con mồi” – Trung tá Hiếu cho biết.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.