Y tế Việt Nam khẳng định vị thế trên bản đồ thế giới

THẢO HƯƠNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Với những nỗ lực vượt khó không ngừng nghỉ của ngành y nói chung và đội ngũ y bác sĩ nói riêng, thời gian qua, y tế Việt Nam đã liên tục bứt phá, đạt nhiều thành tựu, gây ấn tượng không chỉ trong nước mà cả với đồng nghiệp quốc tế. Đặc biệt, ở một số lĩnh vực như ghép tạng, Việt Nam được đánh giá là điểm sáng của khu vực châu Á.

Kỷ niệm 69 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955-27/2/2024) là dịp để chúng ta cùng tri ân đóng góp của những “anh hùng áo trắng” trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Nhiều kỳ tích được thiết lập

PGS.TS Nguyễn Quang Nghĩa - Giám đốc Trung tâm Ghép tạng Bệnh viện (BV) Hữu nghị Việt Ðức từng chia sẻ: Cứu được một bệnh nhân nhận tạng được xem là một kỳ tích, bởi lẽ chúng ta đã “hồi sinh” cho người đó. Và trên hành trình phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực ghép tạng suốt 30 năm qua, Việt Nam đã có nhiều kỳ tích đáng ghi nhận.

Gây xúc động gần đây nhất phải kể tới ca ghép 2 lá phổi cho bệnh nhân nữ 21 tuổi, diễn ra vào ngày 9/2/2024 (tức 30 Tết Nguyên đán). Ca ghép kéo dài 12 giờ; với sự tham gia trực tiếp của 80 nhân viên y tế (và nhiều nhân lực khác sẵn sàng điều động, làm việc trực tuyến); đồng thời có sự phối hợp, hỗ trợ từ nhiều đơn vị: Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, BV Phổi Trung ương, BV 108, BV E, BV Hữu nghị, BV Tim Hà Nội… 12 giờ sau mổ, người bệnh tự thở được bằng 2 lá phổi mới, các chỉ số hô hấp ổn định.

Y tế Việt Nam khẳng định vị thế trên bản đồ thế giới - ảnh 1
Các bác sĩ đang phẫu thuật nội soi tại BV Xanh Pôn.

Ca ghép được đánh giá là thành công ở mức cao nhất theo tiêu chuẩn của Trung tâm ghép phổi UCSF (1 trong 9 trung tâm ghép phổi lớn và có uy tín nhất tại Hoa Kỳ). Trên thế giới, ghép phổi hầu hết chỉ được thực hiện ở các nước phát triển do đây là kỹ thuật ghép tạng rất khó và chi phí lớn.

Nhưng tại BV Phổi Trung ương, ca ghép này được thực hiện thành công trên một người bệnh nghèo ở vùng núi Bắc Kạn. Đây là thành công và dấu ấn quan trọng, khẳng định trình độ, năng lực của các y, bác sĩ Việt Nam trên bản đồ y khoa thế giới.

Trước đó, nhiều ca ghép tạng phức tạp cũng được y bác sĩ của Việt Nam thực hiện thành công, như ca ghép đa tạng tim - thận cùng lúc cho nam bệnh nhân 37 tuổi (mắc bệnh cơ tim dẫn đến suy thận giai đoạn cuối), do tập thể thầy thuốc BV Hữu nghị Việt Đức triển khai ngày 15/2/2023. Đây là ca ghép tim - thận cho cùng một bệnh nhân đầu tiên tại Việt Nam. Hay như ca ghép tạng xuyên Việt ngày 26/2/2023 do BV Chợ Rẫy và BV Hữu nghị Việt-Đức phối hợp thực hiện.

Những ca bệnh nổi bật nói trên trong tổng số hơn 8.000 ca ghép tạng thành công trên cả nước là một tín hiệu cho thấy ngành hiến ghép mô, tạng nước ta đang phát triển theo hướng đi lên, đồng nghĩa đã có nhiều bệnh nhân được kéo dài sự sống, cải thiện sức khỏe.

Y tế Việt Nam khẳng định vị thế trên bản đồ thế giới - ảnh 2
Gia đình bệnh nhi người Úc đưa con gái tới cảm ơn các y bác sĩ BV Đa khoa Xanh Pôn sau khi hồi phục. Ảnh: Hoàng Bích

Làm chủ công nghệ và nhiều kỹ thuật chuyên sâu

Ngày 4/1/2024 có lẽ là thời điểm không thể quên với nhiều y bác sĩ của BV Nhi đồng 1 và BV Từ Dũ (TP Hồ Chí Minh), khi đã can thiệp thành công một trường hợp thai nhi 32 tuần tuổi, bị tim bất thường bẩm sinh, không có lỗ van động mạch phổi, thiểu sản thất phải, có nguy cơ tử vong trong bụng mẹ. Kết quả khả quan khi cả mẹ và bào thai đều có dấu hiệu khoẻ mạnh trở lại sau can thiệp.

BSCKII Trần Ngọc Hải - Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, chia sẻ: Đây là ca bệnh đặt các bác sĩ trong tình trạng “cân não” từ khi thai nhi 26 tuần tuổi. Trước đó, vào tháng 11/2023, thai phụ được BV Đà Nẵng chuyển đến BV Từ Dũ với chẩn đoán thai có bất thường nặng. Tại lần hội chẩn thứ 3 (ngày 3/1), khi tình trạng bệnh có thể đe doạ tính mạng của thai nhi, các chuyên gia về sơ sinh và tim mạch của BV Nhi đồng 1, cùng chuyên gia về sản của BV Từ Dũ thống nhất quyết định thực hiện can thiệp ngay trong bào thai, cứu sống thai nhi còn trong bụng mẹ.

Ca phẫu thuật thông tim xuyên tử cung diễn ra trong vòng 40 phút. BS Hải ví von: “Việc này rất khó, giống như đi tìm hạt cát trong một quả chanh”. Bởi lẽ lúc này, kích thước trái tim thai nhi chỉ bằng quả chanh, các buồng trong đó chỉ khoảng 2-3cm2, lỗ van động mạch phổi chỉ 4mm. E-kip dùng một cây kim để đi xuyên từ thành bụng, vào thành tử cung, vào buồng ối, xuyên thành ngực của thai nhi vào thẳng buồng tim, đi tới thất phải, tìm đúng vị trí để thông van tim cho bào thai.

Y tế Việt Nam khẳng định vị thế trên bản đồ thế giới - ảnh 3
Bệnh nhi đầu tiên với dị tật không lỗ van động mạch phổi được can thiệp thông tim trong bào thai chào đời ngày 30/1/2024. Ngay sau sinh, em bé được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 để nong van động mạch phổi và theo dõi. Đến nay, bé đã khoẻ mạnh và xuất viện. Ảnh: Hải Yến

Trong niềm vui khi thai nhi thoát “cửa tử”, BS Đỗ Nguyên Tín - Phó trưởng khoa Tim mạch BV Nhi đồng 1 hồ hởi: Ca thông tim bào thai này là ca đầu tiên ở Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Trên thế giới, kỹ thuật thông tim bào thai mới phát triển trong 5 năm trở lại đây; chỉ một số nơi như Brazil, Ba Lan... thực hiện thành công. Ca phẫu thuật là hướng đi mới cho y khoa Việt Nam trong phẫu thuật van tim cho trẻ em.

Tháng 8/2023 cũng là dấu mốc quan trọng với chuyên ngành tim mạch trẻ em tại BV Nhi Trung ương, khi thực hiện thành công ca phẫu thuật tim nhi ít xâm lấn thứ 700 của Việt Nam. Bệnh nhi mới chỉ 10 tháng tuổi, nặng 5,5kg, mắc chứng Fallot - một bệnh lý tim bẩm sinh. Con số này đã gây ấn tượng mạnh với GS Yasuhiro Kotani (BV đại học Okayama, Nhật Bản) - người chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật tim nhi ít xâm lấn cho BV Nhi Trung ương.

Điều đặc biệt, không dừng lại ở tiếp nhận, để giảm thấp nhất tổn thương cho bệnh nhi, các bác sĩ cũng đã có những thay đổi về mặt kỹ thuật. Trước đây, đường mổ ở nách dài khoảng 6cm thì hiện nay các bác sĩ thu gọn, chỉ còn khoảng 4cm; đồng thời rút ngắn thời gian hồi sức, thời gian thở máy, giúp bệnh nhi giảm đau sau mổ tốt hơn.

Thời gian qua, y tế Việt Nam còn ghi nhận nhiều bứt phá với không ít thành công nổi bật. Cuối tháng 11/2023, ca phẫu thuật nội soi một lỗ điều trị nang ống mật chủ cho bé gái 4 tuổi người Australia được thực hiện thành công tại BV Xanh Pôn. Hay như thành tựu về kỹ thuật thay van trong van lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam do Viện Tim mạch Quốc gia làm chủ; bé trai chào đời ở tuần thai 25, nặng vỏn vẹn 600gr với bệnh lý hẹp ruột bẩm sinh được ekip bác sĩ của BV Phụ sản Trung ương và BV Hữu nghị Việt - Đức cứu sống... cũng khiến uy tín của bác sĩ và ngành y tế Việt Nam thêm một lần được khẳng định mạnh mẽ.

Trường hợp bệnh nhân 46 tuổi (quốc tịch Canada), bị bại liệt 2 chân 8 năm trước do chấn thương cột sống sau tai nạn giao thông, được bác sĩ khoa Y học cổ truyền (BV Quân y 175) chữa trị thành công bằng các liệu pháp châm cứu, bấm huyệt, trị liệu điện xung, từ trường toàn thân, tập vận động... trong năm qua cũng khiến cộng đồng y khoa thế giới nể phục. Sau 3 tháng tích cực điều trị, tập luyện, bệnh nhân đã tự đứng lên đi lại...

Những thành tựu trên một lần nữa khẳng định trình độ ngày càng cao của các y bác sĩ và sự phát triển vượt bậc của nền y học Việt Nam. Sự phát triển này không chỉ đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân trong nước, mà còn thu hút ngày càng nhiều người bệnh nước ngoài sang Việt Nam khám, chữa bệnh.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Khó như sống chung với... nhà chồng

Khó như sống chung với... nhà chồng

(PNTĐ) - Nghiên cứu của công ty luật Slater and Gordon (Mỹ) cho thấy, gần 1/3 người được khảo sát xác nhận rằng mâu thuẫn với gia đình chồng là lý do dẫn đến hôn nhân của họ tan vỡ. Trên thực tế,  đúng là việc hòa hợp giữa những người vốn trước kia thuộc về các nếp nhà khác nhau quả không dễ dàng...
Tràn dịch khớp gối

Tràn dịch khớp gối

(PNTĐ) - Khớp gối là khớp hoạt dịch, bao gồm thành phần bao hoạt dịch chứa dịch khớp. Dịch khớp cung cấp dinh dưỡng cho sụn khớp, thực hiện chức năng bôi trơn, giảm ma sát và hỗ trợ khớp khởi động.