Yêu chàng bủn xỉn

Chia sẻ

Tôi nghĩ đến cái cảnh nếu lấy phải một người chồng “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành” thì sẽ khó chịu đến nhường nào. Những suy nghĩ đó cứ kéo tôi ngày càng xa anh, tình cảm cũng phai nhạt dần.

Tôi và anh cùng quê, quen nhau từ ngày tôi đi học đại học nhưng mới yêu nhau được gần 1 năm nay. Chuyện tình cảm của chúng tôi được hai bên gia đình ủng hộ, vun đắp rất nhiều.

Mặc dù chưa chính thức nói chuyện người lớn nhưng hai gia đình đều coi hai đứa là con cháu trong nhà và chỉ chờ chúng tôi ngỏ ý là tổ chức đám cưới. Anh có công việc ổn định, thu nhập tốt nên sau vài năm đi làm, với sự trợ giúp của gia đình anh đã mua được nhà và xe. Bố mẹ tôi ban đầu ưng lắm, suốt ngày giục tôi chuyện cưới xin vì “tìm đâu ra được người nào ở gần lại có điều kiện hơn nó nữa”.

Tôi vốn là người hiện đại, độc lập nên không nặng nề về chuyện tiền bạc. Yêu nhau bằng ấy thời gian, dù anh có điều kiện nhưng chưa bao giờ tôi cầm tiền của anh dù chỉ một đồng. Khi hai đứa đi chơi thỉnh thoảng tôi vẫn chủ động trả tiền cho những bữa ăn hay cà phê.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Anh mua cho tôi một món quà nhân dịp sinh nhật, thì tôi cũng mua lại món quà có giá trị tương đương. Thậm chí, tôi còn là người sắm sửa đồ dùng cho anh nhiều hơn. Mỗi lần như thế anh đều càu nhàu tôi mua sắm không biết tiết kiệm, thế nhưng anh chẳng từ chối nhận thứ gì cả.

Càng ở bên nhau lâu, tôi càng nhận thấy được thực sự chúng tôi không hợp nhau, bởi sự tính toán, chi li của anh. Nhiều lúc tôi cứ huyễn hoặc bản thân rằng, đó chỉ là anh tiết kiệm để lo cho tương lai, nhưng không, càng ngày càng có nhiều chuyện khiến tôi khó chấp nhận nổi tính cách này của anh.

Anh đi ô tô, mặc quần là áo lượt, nhiều người nghĩ tôi sẽ hãnh diện lắm khi đi bên một người bạn trai bảnh bao, giàu có. Thế nhưng, nếu đi cùng anh một vài lần thì chắc chắn ai cũng phải ngán ngẩm.

Mang tiếng là người có tiền mà lần nào đi mua sắm với anh tôi cũng xấu hổ, nhiều khi chẳng biết giấu mặt đi đâu. Anh kì kèo mặc cả từng nghìn từ bó rau ngoài chợ đến mua đồ trong shop. Nếu được mua rẻ dù chỉ vài đồng anh cũng sung sướng lắm, còn nếu không, anh hậm hực nói người ta bán đắt, chèn ép người mua.

Còn nữa, người ta yêu nhau thì lấy lòng người nhà nhau, nhưng anh lại khác. Sinh nhật mẹ tôi, tôi đi chọn quà cùng anh mà chẳng thấy anh có thành ý tặng mẹ vợ tương lai một món gì dù chỉ là nhỏ nhất. Đến khi tôi chọn được chiếc áo kháo rất đẹp cho mẹ, anh chẳng thanh toán mà còn buông lời “em mua áo đắt thế, các mẹ chỉ mặc đồ bình thường là được rồi, mặc đồ xịn quá cũng phí”. Lúc đó tôi không có lời nào để nói với anh vì thực sự quá thất vọng.

Rồi có một lần, tôi đi công tác, có chuyển khoản nhờ anh mua hộ chiếc đồng hồ cho em trai, làm quà đỗ đại học. Tôi đã gửi đường link sản phẩm, tên shop, nhờ anh đến đó mua và gửi cho em tôi. Vậy mà cuối cùng anh lại mua đồng hồ mẫu khác, không hề hỏi lại ý kiến tôi. Đến khi về tôi mới biết, hỏi thì anh nói “anh đến nơi nhưng thấy mẫu đó đang giảm giá 40% nên mua luôn, mà quan trọng gì mẫu mới hay cũ đâu em, cứ rẻ là được”.

Từ khi chính thức nhận lời yêu anh, chúng tôi cũng về nhà nhau chơi và ở lại ăn cơm nhiều lần. Lần nào đến nhà anh tôi cũng quà cáp lịch sự, chu đáo. Nhưng khi anh đến nhà tôi, thì dường như anh lại chẳng để ý đến điều đó. Nếu tôi không chủ động mua thì anh cũng quên luôn, mà nếu có mua thì xách mấy quả dứa, mấy cân ổi. Anh nói “hoa quả dân dã này ăn mới ngon, mới đảm bảo an toàn”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Khi chỉ có hai đứa, tôi có thể bỏ qua, nhưng với gia đình tôi anh cũng keo kiệt thì không thể chấp nhận được. Với tôi, chuyện quà cáp không quan trọng về mặt tiền bạc nhưng đó lại thể hiện sự tôn trọng với gia đình mình. Sau vài lần như vậy, tôi cảm thấy thực sự ngại với mọi người trong gia đình.

Nhắc lại Tết vừa rồi, là năm đầu tiên anh đến nhà tôi chơi vào dịp này khiến nhà tôi ai cũng mừng rỡ. Trong khi bạn trai của em gái tôi quà cáp, lì xì bố mẹ và các em tôi đầy đủ thì anh lại khiến tôi “mất mặt”.

Mối quan hệ của chúng tôi giờ cũng đã thân thiết rồi, anh biếu bố mẹ tôi chút quà để thể hiện tấm lòng của anh với gia đình nhà người yêu cũng là điều tất nhiên. Vậy mà thực tế lại không như tôi mong đợi. Anh đi tay không đến nhà tôi. Tôi nghĩ rằng, chắc anh ngại không mang quà mà sẽ mừng tuổi cho mọi người, điều đó thiết thực và tình cảm hơn.

Nhưng không, trong khi khách mời đến họ vẫn mừng tuổi bố mẹ, mấy đứa em tôi thì anh tuyệt nhiên không có hành động gì cả. Ừ thì các em tôi lớn rồi không mừng tuổi cũng được nhưng thậm chí cả những đứa cháu họ nhỏ xíu đến mà anh vẫn ngó lơ. Đã thế anh còn ở lại ăn cơm, uống rượu với bố tôi, nói chuyện với giọng vẻ “mình là người có tiền”.

Thực sự tôi vô cùng thất vọng với cách xử sự của anh. Anh đã đi làm có tiền rồi, thì điều đó là phép lịch sự tối thiểu khi đến nhà ai đó chơi dịp Tết có trẻ con chứ đừng nói là đến nhà người yêu.

Tôi có tâm sự với mẹ về chuyện không hài lòng với tính cách của anh nhưng mẹ tôi lại động viên: “Trên đời không có ai hoàn hảo cả. Nó biết tu chí như thế là còn hơn những đứa làm không ra mà ăn chơi, đua đòi. Mà gia đình hai bên lại gần gũi nữa, chứ mẹ không muốn con lấy chồng xa”.

Mẹ khuyên là thế nhưng thực sự càng ngày tôi càng không thể chấp nhận được tính cách của anh. Tôi nghĩ đến cái cảnh nếu lấy phải một người chồng “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành” thì sẽ khó chịu đến nhường nào.

Những suy nghĩ đó cứ cuốn tôi ngày càng xa anh, mặc dù anh vẫn yêu thương và quan tâm đến tôi. Rồi đến một ngày sau bao dằn vặt, suy nghĩ tôi quyết định nói lời chia tay. Anh buồn lắm, gặng hỏi lý do nhưng tôi chỉ có thể nói rằng không hợp và tình cảm đã nhạt đi rồi.

Bản thân tôi cũng buồn vì thực ra anh là một người đàn ông tốt, chỉ có điều anh chi ly, tính toán quá làm tôi thất vọng. Mà khi không còn cảm xúc và thất vọng về nhau thì dừng lại…

HÀ LINH

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.