Bài tham dự cuộc thi viết "Các vấn đề gia đình thời nay" lần thứ XIII năm 2023

Yêu thương dưới nếp nhà của mẹ chồng

Nguyễn Lan Hương
Chia sẻ

(PNTĐ) - Sinh ra và lớn lên ở vùng đồng chiêm trũng thuộc huyện Ứng Hoà, tỉnh Hà Tây cũ, mẹ chồng tôi vốn là một nông dân chân lấm tay bùn. Đôi chân đã quen lội ruộng đến đen cả móng, mẹ thích đi chân đất hơn là đi dép. Quê mùa chất phác là vậy, nhưng chính mẹ lại là người cầm trịch trong một gia đình có tới bốn thế hệ mà người ta vẫn thường gọi là tứ đại đồng đường.

 thamAi cũng nghĩ sống trong một gia đình lớn như vậy rất khó, bởi khoảng cách thế hệ quá lớn rất dễ nảy sinh mâu thuẫn. Nhưng ở gia đình tôi mọi người sống với nhau rất hòa thuận. Mẹ chồng tôi nói: “Cứ giữ được cái nếp thì nhà sẽ ổn”.

Duy trì những bữa cơm gia đình

Có lẽ việc đầu tiên và tiên quyết mà mẹ chồng tôi làm để giữ lửa ấm là duy trì bữa cơm gia đình. Ngày nay những bữa cơm gia đình đã dần trở thành giây phút hiếm hoi, không dễ có bởi cuộc sống hiện đại tất bật. Bố mẹ thì coi trọng công việc, lịch học của các con thì dày đặc khiến những bữa cơm gia đình bị xem nhẹ, cứ thưa dần đi. Một số bà mẹ ngại tự nấu nướng khiến gian bếp gia đình trở nên nguội lạnh. Đây thật sự là điều đáng tiếc, tác động tiêu cực đến hạnh phúc của mỗi gia đình. 

Trong gia đình tôi thì ngược lại, gian bếp luôn ấm lên bởi bàn tay của mẹ. Mẹ bảo: “Bếp có đỏ lửa thì nhà mới ấm cúng”. Mẹ chồng tôi luôn cố gắng để có được một bữa ăn đông đủ cả nhà. Bữa ăn là lúc các thành viên trong gia đình tôi cảm nhận được sự kết nối, quan tâm lẫn nhau, giúp giải tỏa căng thẳng và áp lực trong cuộc sống. Trong bữa ăn chúng tôi chia sẻ với nhau về những dự định tương lai, về những khó khăn mình đang gặp phải, hay chỉ đơn thuần là một vấn đề mà xã hội đang quan tâm. Cũng có khi chỉ là những chuyện vô thưởng vô phạt hay những lời đùa vui tếu táo. Nghe những tiếng cười giòn tan bên mâm cơm giản dị, chắc hẳn cả nhà tôi ai cũng cảm thấy ấm áp và bình yên.

Thương yêu các thành viên trong gia đình

Tôi may mắn khi có được một gia đình luôn biết tôn trọng và yêu thương nhau. Từ nhỏ tôi vẫn luôn nhìn thấy mẹ đẻ tôi yêu thương bà nội vô điều kiện mặc dù có nhiều lúc bà đối xử không tốt với mẹ. Trước khi về nhà chồng, mẹ căn dặn tôi: “Hãy thương mẹ chồng của con như thương mẹ”. Và rồi khi đi làm dâu tôi cảm nhận được mẹ chồng tôi cũng đối xử với tôi như con gái của bà.

Yêu thương dưới nếp nhà của mẹ chồng - ảnh 1
Mẹ chồng luôn coi tôi như con gái của bà

Ở nhà tôi, nhìn cách mẹ chồng chăm ông nội, bố chồng của bà những ngày ông sắp mất, và bây giờ là chăm sóc bà nội, mẹ chồng của bà đã 105 tuổi, tôi rất phục bà. Mẹ chăm lo từng miếng ăn giấc ngủ của cụ. Tôi hiểu rằng bà luôn coi mình như con gái của cụ, và tôi rồi cũng như thế, trở thành con gái của mẹ chồng tôi. Tôi sẽ là người bên mẹ chồng khi mẹ già cả bệnh tật. Là con dâu, tôi cũng sẽ là người thay mẹ lo toan công việc gia đình khi mẹ nằm xuống, chăm sóc những thành viên còn lại trong gia đình. Rồi sau này khi con tôi lớn lên, chúng cũng sẽ làm theo nề nếp đó. 

Truyền thống gia đình chính là những giá trị cốt lõi nhất được trao truyền qua các thế hệ, không bằng văn bản hay lời nói mà chính từ những ứng xử hàng ngày của lớp người đi trước cho lớp người đi sau học hỏi mà duy trì và gìn giữ.

Dạy cho con cháu biết yêu thương gia đình

Nhà là tổ ấm tràn đầy tình yêu thương nuôi dưỡng và chở che cho mỗi chúng ta. Gia đình là điểm tựa tinh thần cho mỗi người, là nơi khơi nguồn mọi sáng tạo, là chỗ dựa vững chắc để chúng ta đi đến thành công. Với những ý nghĩa đó, chúng tôi biết ơn mẹ vì đã tạo cho chúng tôi gia đình này, tổ ấm này. Sống trong một gia đình lớn đôi khi chúng tôi không tránh được có lúc mâu thuẫn, nhưng mẹ đã luôn là tấm gương sáng để chúng tôi noi theo, để chúng tôi hiểu rằng chẳng có gì quí trọng hơn tình cảm gia đình. Mẹ luôn cố gắng hiểu và thông cảm cho chúng tôi. Tôi và chồng giận nhau mẹ sẽ là người kết nối, các cháu cãi nhau mẹ sẽ là người hòa giải. Mẹ giúp để chúng tôi thấu hiểu nhau hơn, yêu thương nhau hơn. Và chúng tôi luôn tự hào khi được sống trong một gia đình lớn - gia đình tứ đại đồng đường. 

Nếu có ai đó hỏi mẹ chồng tôi có bí quyết gì để bà có thể giữ hòa khí trong một gia đình có đến bốn thế hệ như vậy, chắc bà sẽ trả lời bà không có bí quyết gì cả. Mẹ là vậy giản dị và chân thành như bông lúa củ khoai, nhưng ẩn bên trong người phụ nữ bình thường ấy là cả một tình yêu vô yêu bờ bến và sự khéo léo để xây chắc nếp  nhà. 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.