Yêu thương và sẻ chia giúp sản phụ vượt qua trầm cảm

Chia sẻ

Trầm cảm sau sinh có thể chữa khỏi nếu nhận được sự quan tâm, chia sẻ từ phía gia đình, người thân, đặc biệt là sự hỗ trợ của chồng. Những yêu thương, quan tâm, hỗ trợ, chăm sóc phụ nữ trong quá trình mang thai, sinh nở sẽ giúp cho phụ nữ vượt qua giai đoạn khó khăn này.

“Tình thương”là Liều thuốc

Bà T (trú tại Hà Đông, Hà Nội) kể, khi sinh bé trai đầu lòng, chị M - con dâu bà cũng bị trầm cảm sau sinh nặng. Sau khi đón hai mẹ con từ bệnh viện về, bà chăm sóc con dâu và cháu nội khoảng 1 tháng, rồi thi thoảng nhận giúp việc theo giờ để có thêm thu nhập. Thế nhưng, chỉ sau một thời gian, bà thấy M có những biểu hiện rất lạ. M thường lầm lũi, không cười nói, con khóc cũng chẳng bế ẵm. Những phụ nữ sau sinh khác tìm cách gọi sữa về thì con dâu bà lại không chịu cho con ti.

Có lần, đi làm về, thấy đứa nhỏ nằm khóc mà gọi mãi không thấy con dâu đâu, bà vội vã gọi chồng và con trai đi tìm. Mọi người toả ra khắp nẻo đường, ra tận đường đê cách nhà gần 2km thì thấy M đang lững thững lội nước ra giữa sông. “Con trai tôi vội chạy ra bế vào. Hôm ấy là mùa đông, trời lạnh cắt da thịt. Con bé lạnh tím tái, ướt sượt, ngất lịm đi. Khi tỉnh dậy, nó cứ khóc xin lỗi, bảo vì không biết chăm sóc con, thấy mình bất lực và vô dụng nên chỉ muốn chết…” – bà T lau nước mắt kể.

Từ dạo con dâu đòi tự tử, bà T không đi làm nữa, ở nhà cùng chị M chăm sóc các cháu nhỏ. Đứa trẻ sinh non, nhưng sữa mẹ không có, bà đành phải lên mạng xin sữa mẹ cho cháu. Bà làm hết mọi việc, vừa chăm sóc cháu, vừa chăm sóc con dâu. Bà chỉ cho con dâu từ cách thay tã, tắm rửa, cho con ngủ, bế như thế nào để con không khóc, chơi với con sao cho con cười… Đêm đến, bà ngủ cùng con dâu để chăm sóc cháu. “Tôi không dám rời nửa bước. Ra bếp nấu cơm, đi chợ hay đi đâu đó cũng lại phải tất tả về ngay, mắt trước mắt sau trông chừng. Hằng ngày, tôi lại động viên, nghĩ ra chuyện để nói với cháu, không dám to tiếng” – bà nói.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Đằng đẵng hơn 1 năm, chị M bắt đầu ổn định tâm sinh lý. Những lần cháu vào viện, bà là người chăm sóc cháu ở bệnh viện. Bà thở dài: “May mắn là tôi tinh ý mà nhận ra con dâu trầm cảm để kịp thời can thiệp, giúp đỡ. Giờ cháu đã ổn định, đã đi làm. Mẹ chồng nàng dâu cũng nhờ thế mà quý mến, yêu thương và hiểu nhau hơn”.

Bà T là một trong những mẹ chồng đã hiểu về căn bệnh trầm cảm sau sinh và đã nhanh chóng có những can thiệp, trị liệu giúp cho nàng dâu vượt qua giai đoạn trầm cảm ấy. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu về căn bệnh nguy hiểm này.

Chuyên gia tư vấn tâm lý Đinh Đoàn kể, anh đã gặp những trường hợp người chồng, người thân của sản phụ đến xin tư vấn vì họ thấy người vợ, người thân của họ “làm sao ý”. Có anh chồng tưởng vợ bị điên vì cô ấy kiên quyết không cho con bú, khiến đứa con khóc lả. Khi được nhắc nhở thì người mẹ bảo “kệ nó, chết thôi, vì nó mà tôi khổ”. Có người vợ cứ ôm con khóc, ghì cháu bé quá chặt vì nghi có người định cướp con mình. Có người lại vẩn vơ tưởng tượng chồng mình có bồ nên liên tục gọi điện cho chồng bảo “anh đừng bỏ em và con”, dù người chồng rất quan tâm, chăm sóc, yêu thương vợ con…

Phòng là chính!

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến trầm cảm sau sinh. Sau sinh, sự thay đổi nội tiết tố khiến cho việc giảm đột ngột estrogen và progestrogen góp phần gây ra cảm giác mệt mỏi và trầm cảm. Bên cạnh đó, những mâu thuẫn gia đình, vấn đề tài chính, thiếu sự giúp đỡ của người thân, người mẹ gặp khó khăn trong chăm sóc bé... làm gia tăng cảm giác căng thẳng, mệt mỏi, lo lắng, mất ngủ, từ đó cảm thấy mất hứng thú sống và mất kiểm soát cuộc sống bản thân. Song, nguyên nhân góp phần làm cho “bệnh” bùng phát hoặc trở nên trầm trọng chính là thái độ của mọi người xung quanh. Chồng chuyển từ chăm vợ sang chú ý tới con. Mẹ chồng trước có thể mua nhiều món bổ béo cho con dâu ăn, nay chỉ chăm chăm chú chú vào đứa cháu khiến người phụ nữ thấy hẫng hụt, tưởng như mình bị bỏ rơi. Việc phải vất vả thức khuya, mất ngủ, cho con bú, thay tã… cũng khiến người mẹ hụt hơi, mất sức. Nếu sinh con không như mong đợi của gia đình (con trai), có khi người mẹ còn bị ghẻ lạnh, bỏ mặc, lời ra lời vào, khiến người phụ nữ càng buồn chán. Vợ sinh con nằm nhà một mình, chồng đi làm sớm, về muộn, vợ chồng “kiêng khem”, nhìn vào gương thấy mặt mình hốc hác, đầu tóc rũ rượi, xuống sắc, vết mổ, vết khâu chưa lành, da bụng bèo nhèo, chảy sệ… cũng khiến phụ nữ thấy “chán ghét bản thân mình”. Từ đó, họ nảy sinh tâm lý “giận cá chém thớt”, cho rằng chỉ vì đứa con ra đời mà mình trở nên “như thế này”, có người ghét con, giận con, đã có những trường hợp giết con để “giải thoát”…

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Chuyên gia tâm tý Đinh Đoàn cho rằng, phòng ngừa bệnh trầm cảm sau sinh là quan trọng nhất. Gia đình, người thân, đặc biệt người chồng cần làm công tác tư tưởng cho người phụ nữ trước và ngay sau khi sinh con, sao cho cô ấy hiểu rằng cả nhà yêu thương cô ấy, mong đợi mẹ tròn con vuông, vì đây là kết quả của “tình chồng nghĩa vợ”, dù con nào cũng là con, được đón chào như nhau. Người thân trong gia đình hãy gần gũi, chia sẻ những vất vả với người mẹ vừa sinh con, dành thời gian cho cô ấy ngủ, nghỉ ngơi đầy đủ, tạo mọi điều kiện để cô ấy được ôm ấp con, cho con bú để hình thành tình mẫu tử, sự gắn bó mẹ con, không được tranh giành con, cách ly cô ấy khỏi đứa con.

Khi gia đình phát hiện thấy có những hành vi bất thường như buồn chán, nghĩ vẩn vơ, lo lắng, mất ngủ, sút cân, không ôm ấp, yêu thương và cho con bú… thì phải “để mắt” đến cô ấy. Không vội kết luận cô ấy bị bệnh, mà hãy đọc báo, xem mạng, hỏi tư vấn… để có thêm thông tin về căn bệnh, học được cách chăm sóc tinh thần cho người mẹ một cách tốt nhất. Khi nhận ra những dấu hiệu nguy hiểm cho chính người mẹ hay đứa con, hãy động viên cô ấy đi khám và điều trị, nếu đúng là có bệnh, nhưng cũng phải khéo léo, tránh trường hợp người phụ nữ tự ái, từ chối sự giúp đỡ của các nhà chuyên môn, khiến bệnh không khỏi mà con trở nên trầm trọng.

“Tình yêu thương, gắn bó, chia sẻ của người thân, đặc biệt của người chồng là “liều thuốc tiên” phòng và chữa bệnh trầm cảm sau sinh ở phụ nữ” – chuyên gia Đinh Đoàn cho biết.

Trong trường hợp đã phát bệnh, gia đình cần đưa sản phụ đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời. Bác sỹ Trần Thị Hồng Thu, Phó Giám đốc BV Tâm thần ban ngày Mai Hương cho rằng, giống như các trường hợp trầm cảm khác, bệnh nhân cần có sự phối hợp thuốc chống trầm cảm và tâm lý trị liệu. Điều trị tâm lý được ưu tiên bởi vì khi dùng thuốc người mẹ có thể phải ngưng cho con bú do thuốc xuất hiện trong sữa mẹ, tuy nhiên dùng thuốc vẫn là bắt buộc khi xét thấy lợi ích đem lại là cao hơn các yếu tố có hại. “Bên cạnh việc điều trị, thì các biện pháp khác như tập thể dục và ăn uống đầy đủ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa trầm cảm sau sinh nói riêng và cải thiện tinh thần nói chung” – BS Hồng Thu cho biết.

QUỲNH NHƯ

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.