Bức chân dung
(PNTĐ) - Hắn nhìn chăm chú vào bức chân dung treo trang trọng trong phòng khách. Đó là hắn mà không phải là hắn. Là hắn hóa trang thành một nhân vật kiệt xuất trong lịch sử dân tộc. Là một vai diễn để đời của hắn giúp hắn có được địa vị như ngày hôm nay.
- Chúc mừng anh với vai diễn thành công. Để em chụp cho anh vài bức hình làm kỷ niệm nhé.
Khán giả ùa lên xin chụp chung với hắn. Lúc đó, tự nhiên hắn cũng cảm thấy mình trở nên uy nghi, đạo mạo, điềm đạm như chính nhân vật mình thể hiện vậy. Hắn không tạo dáng nhí nhố, không ôm eo mấy cô gái bên cạnh như mọi khi.
Lâm đến, đưa hắn mấy tấm hình hôm trước chụp, kèm theo một bức chân dung cỡ lớn, có lồng trong khung kính hẳn hoi. Vừa ngồi xuống, Lâm đã hớn hở:
- Anh xem! Giống không! Quá xuất sắc luôn. Em đảm bảo, nếu ai không nhìn kĩ sẽ không nhận ra đây là anh. Em chọn viết chùm ba bài về vở này, vai diễn này của anh và về chân dung anh để thử việc. Em cá với anh, sau đợt này con đường làm nghệ thuật, địa vị của anh sẽ lên như diều gặp gió cho mà xem.
- Chú chỉ được cái nói quá. Anh cảm ơn về tấm hình nhé. Hôm nào bài lên báo, hú anh với nha.
- Anh yên tâm. Em sẽ tặng anh luôn số báo đó.
Hai ngày sau Lâm đến với vẻ mặt hớn hở, cầm theo tờ báo. Cảnh hắn đứng trầm ngâm trên sân khấu, ánh mắt vòi vọi như dõi đến một phương trời xa xăm; bộ quần áo kaki màu trắng làm toát lên vẻ tôn nghiêm của nhân vật. Hắn nhìn mơ màng vào sóng nước mênh mang. Một con tàu buôn mang dòng chữ Pháp đang cập đang hú còi thúc giục. Hắn chậm bước lên tàu, ngoái nhìn quê hương lần cuối…
- Anh! Anh Trung! Anh nghĩ gì mà như người mất hồn thế?
Hắn giật mình khi Lâm vỗ vai gọi.
- Bài về chân dung anh cuối tuần này sẽ ra. Đợt này em phải cảm ơn anh đấy!
Hắn tròn mắt ngạc nhiên. Chính hắn phải cảm ơn Lâm mới đúng chứ.
- Loạt bài ra mắt của em được sếp phòng, sếp tổng đánh giá rất cao. Em chính thức được tuyển dụng và được phân công chạy mảng văn hóa nghệ thuật thế chân một chị mới chuyển đi.
Lâm cười lớn ha ha rồi bất ngờ ôm chầm lấy hắn:
- Nhờ anh đấy. Đúng là Thủy sinh Kim mà. Nhờ anh mà từ nay em có cơm ăn, có đất gieo chữ rồi.
Rồi Lâm và hắn ngồi cà kê tỉ tê đủ thứ chuyện trên đời. Từ chuyện vai diễn đến chuyện Đông Tây kim cổ, chuyện trên trời dưới đất, chuyện dự định tương lai,…
- Anh em thân thiết với nhau như vậy mà nó quay ra cắn mình lúc nào không hay.
Hắn dằn mạnh cốc nước xuống bàn khi nói vậy. Điên chứ sao không. Chính hắn là người giới thiệu nó với anh Long (sếp cũ của tòa soạn này) từ khi còn là một sinh viên mới ra trường, lơ nga lơ ngơ. Nó cám ơn rối rít, anh anh em em như hình với bóng. Giờ đủ lông đủ cánh nó chơi lại mình. Điên thật. Hắn nghĩ vậy, rồi hắn lại chửi thề. Hắn chửi Trần Lâm qua cầu rút ván… Hắn lại nhìn bức chân dung treo trang trọng giữa phòng khách. Là hắn mà không phải là hắn. Đã có thời, bức chân dung khiến hắn tu thân hơn, sống đoàng hoàng, không buông thả như cái máu nghệ sĩ vẫn sục sôi trong hắn (ấy là mẹ hắn lúc còn sống nói vậy).
Bà bảo bức chân dung thật đẹp, bà muốn hắn treo chỗ nào dễ nhìn thấy nhất để ngày ngày nhìn thấy đó mà sửa mình. Mà hắn sửa thật. Hắn thay đổi từng ngày, chững chạc, chỉn chu và tử tế. Cũng nhờ đó hắn từ một anh diễn viên lên trưởng đoàn nghệ thuật, rồi phó giám đốc, rồi giám đốc. Mẹ hắn lúc nào cũng tự hào về hắn và thầm cảm ơn bức chân dung.
Mẹ hắn đã không còn.
- Bức chân dung thật đẹp phải không anh? Nó chẳng hề thay đổi. Chỉ có anh, thay đổi từng ngày, theo độ tuổi và địa vị mà anh có được.
Hắn quay ngoắt ra cửa khi nghe tiếng nói. Hắn muốn lao ra túm lấy cổ áo Trần Lâm mà đấm cho nó một quả nhưng hắn kìm lại. Đúng là hắn có thay đổi, hắn không còn sốc nổi như xưa nữa. Lâm bước nhanh vào nhà.
- Em thấy anh mở cửa, cũng đánh tiếng mà anh không để ý.
Hắn thấy khó chịu trong người, hai mắt dần nóng lên, cơ mặt giật giật. Nhưng hắn dằn lòng, rót ly nước đẩy về phía Lâm.
- Chú đến có việc gì?
- Vẫn là chuyện đó thôi anh.
- Tôi chẳng có gì để nói.
- Em cũng hy vọng như vậy. Nhưng theo những gì em tìm hiểu được và qua dư luận thì em thấy dường như anh đã đi quá xa. Anh sẽ giải thích ra sao khi có lá thư tố cáo anh gửi đến tòa soạn của em. Họ cần lời giải thích từ anh. Nếu không họ sẽ đưa đơn lên cơ quan chức năng có thẩm quyền để điều tra, giải quyết. Anh nghĩ sao?
- Tôi chẳng nghĩ gì. Tôi làm tất cả là vì anh chị em nghệ sĩ, vì nghiệp Tổ.
- Vậy anh giải thích sao vụ hợp đồng diễn với các xã dịp đầu năm? Chuyện anh nhận nhân sự vào sai vị trí việc làm thì sao? Rồi những lùm xùm quanh chuyện giữa anh và cô diễn viên mới? Có tin đồn là anh đòi cô ấy phải chiều mình thì mới được phân vai diễn?
- Vớ vẩn! Chú nghe ở đâu? Ai nói? Chẳng lẽ chú không tin tôi?
Trung tức tối chồm người lên nửa bàn nhìn chằm chằm vào Lâm. Hai mắt hắn càng đỏ tợn, cơ mặt giật liên hồi. Hắn tin với “lối diễn” như vậy sẽ chứng minh được với Lâm là mình hoàn toàn “sạch”. Nhưng hắn cũng không ngờ được rằng Trần Lâm đã quá hiểu hắn, đã nhiều lần ngầm cảnh báo hắn về sự thay đổi, đã từng ước hắn mãi chỉ là một anh diễn viên lành nghề.
- Em ước gì mình có thể tin anh. Chỉ cần anh không làm gì sai, em sẽ viết bài nói tường tận cho mọi người được hiểu. Những người nghi ngờ anh cũng được thoải mái, khỏi phải có những đồn đoán khó nghe.
Hắn bỗng ngửa người ra ghế, cười hô hố. Hắn nhìn người em nhà báo Trần Lâm, nhếch mép cười:
- Trần Lâm này. Ngày xưa chú có nghĩ một ngày nào đó sẽ đi bóc mẽ anh không?
- Em chưa từng nghĩ vì ngày đó hoàn toàn tin anh.
- Vậy thì giờ cũng vậy. Chú chỉ việc tin anh, là xong.
- Vậy còn dư luận?
- Lâu dần sẽ lắng xuống. Chú không thấy à, từ trước đến nay, có bao chuyện um xùm, có những chuyện làm dậy sóng dư luận cả nước, tưởng như không có hồi kết mà cuối cùng cũng lắng hết, quên hết. Chú cần chi phải tìm hiểu, bới móc làm gì cho mệt.
Rồi hắn đi vào trong nhà một lúc, quay ra cầm theo mấy lon bia, con mực khô.
- Anh em mình lâu rồi không có dịp ngồi với nhau. Tiện đây, ở lại lai rai với anh vài lon. (Hắn móc trong túi quần ra một sấp tiền năm mươi đô đẩy về phía Lâm cười cười). Hình như chú đang cần tiền sửa nhà đúng không? Đi mượn chỗ này chỗ kia mà trừ anh ra là không được nha! Anh giận! Đây là ba ngàn đô. Chú cầm lấy, gọi là anh góp một chút với thằng em. Không cần trả lại anh đâu.
- Anh Trung! - Lâm cau mày khó chịu.
- Cầm lấy! Nào, mở lon đi. Mực này một nắng, thơm thịt, ngọt nước lắm đấy.
Trần Lâm đứng phắt lên. Mắt nhìn thẳng vào Trung.
- Con người anh đã thay đổi quá nhiều. Đến cả anh em chí cốt của mình anh còn dùng tiền để mua chuộc, vậy thì còn gì anh không làm?
- Chú cứ bình tĩnh, ngồi xuống. Này, nhà chú dột, anh giúp có sao đâu. Mùa mưa sắp đến rồi, sửa lại cái nhà cho đàng hoàng, chứ mưa gió, tường cũ lâu ngày nó ngấm nước, đồ đạc, quần áo ẩm mốc có khổ không? Một mình chú sao cũng được, chú phải nghĩ đến vợ con chứ!
- Nhà em có thể dột chứ nhân cách nhất định không được dột.
Lâm dịu giọng:
- Anh Trung à, anh sao vậy? Anh đừng như vậy nữa được không? Anh cứ như xưa được không?
- Tôi thì làm sao? Tôi vẫn như xưa đấy thôi, đi không đổi tên, đứng không đổi họ. Chú không thấy à?
- Anh vẫn là anh mà anh không còn là anh nữa. Anh chỉ còn là anh ở cái vẻ bề ngoài thôi (nhìn lên bức chân dung). Em đang có việc bận, em về đây.
- Chú cầm tiền đã, thêm vào sửa cái nhà cho đẹp.
- Em cám ơn anh, nhưng em không cần đến.
Trần Lâm bước nhanh ra cửa bỏ lại cái nhìn ngỡ ngàng của Thành Trung. Khi Lâm nổ máy xe hắn mới vội hỏi:
- Thế còn bài báo?
- Em vẫn phải viết anh ạ. Em xin lỗi anh nhưng vì đạo đức nghề nghiệp, vì niềm tin của bạn đọc…
Trần Lâm bỏ lửng câu nói và phóng xe đi. Mặt Thành Trung tiu nghỉu, rồi trở nên tức giận. Hắn chụp lon bia trên bàn ném mạnh ra phía cửa. Lon bia bị văng mạnh, thủng, nước và bọt ga phun ra. Nó xoay xoay phun khắp nhà, phun cả vào khuôn mặt đang bừng bừng tức tối của hắn.