Con gái đi lấy chồng

Chia sẻ

PNTĐ-"Nghe ba nói này. Con là con gái của ba, mãi mãi như vậy. Còn chồng, con vẫn có thể thay. Nếu con đã không nghe lời của người đi trước, thì tuỳ con...

 
Con gái đi lấy chồng - ảnh 1
Minh họa sưu tầm
 
"Con xin ba, con và anh ấy yêu nhau thật lòng". Vân vừa nói vừa nức nở quan sát thái độ của người cha.
 
"Ba nói rồi, không bao giờ ba chấp nhận thằng đó". Ông Dũng ngồi im như tượng đồng, mặt ông sắt lại.
 
"Anh ấy làm con vui và hạnh phúc. Lẽ ra ba phải mừng chứ. Hay ba không muốn con đi lấy chồng, ba muốn con ở nhà để hầu hạ ba?".
 
Ông Dũng không đáp. Thực ra, câu nói vừa rồi của con gái cũng là suy nghĩ thoáng qua của ông. Nhà chỉ có hai cha con, nếu con gái đi lấy chồng, ông cũng buồn. Hơn chục năm nay, gà trống nuôi con. Ông sống, phần lớn cũng là vì hạnh phúc của con mình. Cho nên, ông không trách câu hỏi có phần hơi hỗn hào của con gái.
 
"Con đừng bao giờ nghĩ thế". Ông Dũng cố gắng thật nhẹ nhàng với con gái. "Nhưng thằng đó không thể là chỗ dựa cho con được. Nó không xứng là đàn ông".
 
"Ba ơi, mỗi thời một khác. Ba không thể đem thế hệ của ba ra so sánh với thế hệ của con được. Con biết ba không thích những người quần là áo lượt, ba chỉ nghĩ họ là công tử, nhưng ba làm sao biết anh ấy cũng đã phấn đấu hết mình".
 
"Nghe ba nói này. Con là con gái của ba, mãi mãi như vậy. Còn chồng, con vẫn có thể thay. Nếu con đã không nghe lời của người đi trước, thì tuỳ con. Nếu ba cản, con lại rủ rê nó, hay nó rủ rê con đi đâu đó, rồi chẳng ra làm sao. Nhưng nếu sau này có chuyện gì, con phải nghe lời ba".
 
Nét mặt Vân rạng rỡ. Cô biết, kiểu gì cuối cùng cha cô cũng chấp thuận. Dù rất thương ba, nhưng trong thâm tâm, cô không phục cha mình lắm. Cha cô chỉ là một người thợ sửa đồ điện tử bình thường, không mấy có tiếng tăm. Bù lại, cha cô rất chăm chỉ. Không lúc nào thấy ông ngơi tay. Đi làm về, ông lao vào làm việc nhà. Ông chỉ yêu cầu Vân một việc, rằng cô phải học hành cẩn thận. Vân hiểu, và cô đã không phụ lòng cha.
 
Vân còn nhớ, trước khi cô thi đại học, cô có lên mạng viết một bài thơ tặng cha, cũng là để thể hiện quyết tâm của mình.
 
"Con chưa bao giờ thấy ba khóc
Nước mắt của ba là những giọt mồ hôi
Chảy dài trên lưng áo, trên cổ
Chảy suốt cuộc đời con..."
 
Đêm hôm đó, cha cô đã khóc. Lần thứ hai kể từ khi mẹ cô mất. Vân học bài xong, ra ngoài hít thở. Cô thấy cha cô ngồi im trên ghế, một dòng nước lăn trên gò má đen sạm vì nắng, vì khói thuốc, khói mỏ hàn. Trên tay là tờ giấy. Có ai đó đã in bài thơ cô viết trên mạng đưa cho ông. Trên mạng, cô lấy tên thật, và dòng đề từ cũng ghi tên ông.
Sau đám cưới một ngày, hai vợ chồng Vân về lại mặt. Ông gọi riêng Tường-chồng Vân vào nói chuyện.
 
"Các con lấy nhau, âu cũng là duyên số. Vân nó chọn con, chắc là con phải có điều gì khác biệt. Nhưng nếu con làm điều gì không phải với nó, đừng trách ba".
 
"Ba yên tâm". Tường quả quyết. "Con yêu Vân thật lòng".
 
Ba năm sau. Vân dắt con về nhà ông Dũng, cùng với hai va-li. Ông Dũng cười, đón con và cháu ngoại vào nhà. Ông dọn dẹp phòng cho hai mẹ con Vân. Không có lấy một câu mắng nhiếc.
 
Vân kể, Tường đi theo một cô gái làm nghề gội đầu cắt tóc. Xinh hơn cô, trẻ hơn cô, và chắc chắn những ngón nghề chiều chuộng đàn ông thì cô chưa thể bén gót. Ông Dũng gật đầu, điều này ba đã biết. Thằng Tường nó sung sướng từ nhỏ, không có nhiều kinh nghiệm sống. Nó không phải người xấu. Nhưng nó không hợp với con.
 
Vân khóc. Ông Dũng biết, con bé vẫn còn yêu chồng nhiều lắm.
 
Một đêm mưa, Tường bấm chuông inh ỏi. Gào lên trước cửa. Ướt sũng. Gào đi gào lại chỉ một câu. Mặt đỏ bừng nhưng không hề nói nhịu.
 
"Vân ơi. Anh muốn gặp con của chúng ta".
"Ba bảo anh ấy về đi. Con không muốn gặp con người phụ bạc ấy nữa".
"Con không coi nó là chồng, nhưng ba vẫn coi nó là con rể". Ông Dũng đi xuống, mở cửa.
 
Tường đổ gục giữa nhà. Ông Dũng lôi chàng rể vào nhà tắm, xối nước nóng, rồi thay quần áo, đặt lên giường, đắp chăn cẩn thận. Khi đã nghe tiếng ngáy đều, ông xuống phòng, sửa nốt chiếc ampli của khách phương xa.
Sửa xong, ông lên phòng Vân, khẽ gọi. Mắt Vân đỏ hoe. Ông Dũng làm hiệu cho Vân ra ngoài, tránh không để cháu bé thức giấc.
 
"Để ba nói chuyện với thằng Tường".
"Không cần đâu ba ạ". Vân lắc đầu, quay đi. "Ba cũng không ưa anh ấy cơ mà".
"Ưa hay không là chuyện khác, con ạ". Ông Dũng khẽ cười. "Vả lại, việc của thằng Tường, con quan tâm làm gì nữa".
 
Tường cúi gằm mặt xuống để tránh ánh mắt sắc như dao của ông Dũng. Hồi lâu mới ngẩng lên.
 
"Con xin lỗi ba. Nhưng quả thật, Vân không được như con nghĩ. Người yêu con bây giờ khá hơn rất nhiều".
 
Ông Dũng hít một hơi dài. Đó là dấu hiệu của sự kìm chế. Những năm trước, khi ông làm như thế này, anh em giang hồ đều biết mà tránh. Nó dám so sánh con gái ông với một cô gái không rõ thân phận, lai lịch, chỉ muốn bám vào trai thành phố để được vênh váo với đời.
 
"Được rồi, con lên với mẹ con nó đi. Nhưng nếu Vân nó đuổi thì đừng cố van nài".
 
Tường lủi thủi ra về. Ông Dũng ngồi im lặng. Hồi lâu, ông gọi Vân xuống.
 
"Hình như con đã có ai đó".
 
"Vâng, anh Tiến đó ba. Ngày trước ba chả khen anh ấy là gì. Anh ấy cũng ly dị nhưng chưa có em bé. Anh ấy sẵn sàng chấp nhận tất cả vì con".
 
"Con cứ thư thư một thời gian đã. Đừng tìm cách thay thế ngay lập tức một người đàn ông này bằng người đàn ông khác".
 
Mấy tháng sau, Vân thấy cha mình rất khác. Ông ăn mặc chỉn chu hơn, xức nước hoa mỗi khi ra khỏi nhà. Cô cũng mừng, bởi bao năm nay, ông cứ cặm cụi một mình.
 
Hàng xóm rỉ tai Vân, dạo này ông Dũng đi cùng một cô rất trẻ, ăn mặc rất sành điệu. Đầu tiên Vân không tin, nhưng nhiều người nói quá, không thể không tin cho được. Còn hơn cả sụp đổ thần tượng. Cô thức trắng ba đêm. Cô không hỏi cha cô, bởi cô biết, ông không bao giờ chấp nhận việc con cái lên án cha mẹ. Vả lại, đó là hạnh phúc riêng của ông. Cô chỉ thấy cay đắng, khi chưa đủ điều kiện để ra ở riêng, bởi cô không chấp nhận được việc có người lạ về ở trong ngôi nhà của mình, ngủ trên chiếc giường mà cha mẹ cô đã từng ngủ. Con cô lớn lên, liệu sẽ ra sao khi hoàn cảnh mẹ thì đơn thân, ông ngoại thì yêu một người chỉ bằng hoặc kém tuổi mẹ.
 
Đã nhiều hơn những đêm ông Dũng vắng nhà. Vân càng ngày càng thấy ghê sợ người cha của mình.
 
Một buổi tối. Ông Dũng gọi điện, bắt Vân phải đến khách sạn X đúng giờ Y. Vân hớt hơ hớt hải gửi con cho hàng xóm rồi bắt taxi đến nơi hẹn. Vào đến sảnh, cô giật mình khi thấy Tường. Anh cũng nhận được điện thoại của cha vợ.
 
Ông Dũng lại gọi điện, hỏi hai người đến chưa. Vân bảo, con đang đứng dưới sảnh với anh Tường. Ông bảo, vậy đợi ông nửa tiếng.
 
Tường nhìn Vân, rồi cúi đầu xuống. Tiếng róc rách trong dạ dầy Vân.
 
"Em chưa ăn tối à?"
"Chưa ạ, thế còn anh". Vân trả lời chuẩn từng từ như thể đó là chương trình dạy tiếng Việt cho người nước ngoài.     
"Anh cũng chưa. Dạo này bận quá, công việc bù đầu".
 
Vân nhìn Tường. Trông anh hốc hác quá. Người đã từng là chồng của cô có một ưu điểm là luôn tận tuỵ với công việc. Tất nhiên. Đôi khi đó cũng là khuyết điểm. Anh tận tuỵ đến mức thiếu những kinh nghiệm ngoài đời một cách trầm trọng.
 
"Còn nửa tiếng, mình đủ thời gian cho một bữa ăn nhẹ".
 
Hai người dẫn nhau vào nhà hàng của khách sạn. Tường ăn pizza, Vân ăn mỳ xào. Nhìn Tường ăn một cách say sưa món ăn chỉ dành cho người thiếu thời gian, một cảm giác bất nhẫn chạy dọc người Vân. Chắc là từ lâu nay, anh cũng chẳng có bữa ăn nào cho ra hồn.
 
Ăn hết nửa chiếc bánh, Tường ngẩng lên nhìn Vân.
 
"Em ăn thử đi, hôm nay pizza ngon lắm".
"Ngon bằng pizza mọi khi em làm cho anh ăn không?"
"Sao mà bằng được, nhưng có đâu mà so sánh". Nói xong, Tường im lặng vì biết lỡ lời.
"Không phải là không có, mà vì anh có muốn ăn đâu. Anh ăn hoa thơm cỏ lạ quen rồi".
 
Ông Dũng lại gọi hai người lên phòng. Ông đã đứng sẵn ngoài cửa.
 
Vào trong phòng. Tường sững người như trời trồng. Cô gái làm nghề gội đầu cắt tóc, nguyên nhân làm vợ chồng anh tan nát, đang say sưa ngủ. Tường định quay ra, thì bàn tay cứng như sắt của ông Dũng đã ghì anh xuống. Vân đứng sững như trời trồng.
 
"Giờ hai đứa hiểu rồi chứ gì. Người yêu của con đấy Tường ạ, người mà lúc nào cũng bảo yêu con tha thiết đấy. Ba chỉ mất có nửa tháng rủ đi chơi, rồi đi ăn, mua cho cái điện thoại, thế là lại xoay ra yêu ba tha thiết ngay được".
Tường cúi gằm mặt xuống. Vân thở phào nhẹ nhõm. Cha cô vẫn là người cha mà cô hằng kính trọng.
 
"Ba đã giải quyết xong cái lý do khiến hai đứa chia tay nhau. Hoá ra nó đơn giản hơn ba nghĩ rất nhiều. Giờ hai đứa, nếu còn thương nhau thì quay về với nhau, sống cho đàng hoàng. Trong cuộc sống, chẳng phải lúc nào cũng xuôi chèo mát mái đâu, chỉ có thương nhau, mới bỏ qua cho nhau được. Mấy tháng cái Vân ở bên này, ba cũng hiểu được lý do hai đứa chán nhau".
 
Hai vợ chồng Vân nhìn nhau. Rồi cùng cúi xuống.
 
"Còn anh". Ông Dũng nhìn Tường. "Lúc đầu ba không ưa anh là có lý do. Vì lúc đó ba chưa coi anh như con.
 
Nhưng khi anh và con Vân sinh cho ba một đứa cháu, thì anh là con ba. Anh có sai trái thế nào, ba cũng coi anh là con".
 
Tường oà lên khóc. Nức nở. Vân cũng khóc. Nhưng không thành tiếng.
 
"Về đi con". Ông Dũng bảo Vân. "Cháu bé lâu không có hơi mẹ, không hay. Để ba xuống dặn bảo vệ, khi nào cô gái này tỉnh dậy thì đưa tiền cho cô ta đi xe về".      

Truyện ngắn của Nguyễn Toàn Thắng

Tin cùng chuyên mục

“Trắng Mây Tóc Mẹ“: Lời ru từ trái tim

“Trắng Mây Tóc Mẹ“: Lời ru từ trái tim

(PNTĐ) - Giữa nhịp sống hối hả, vội vã, đôi khi chúng ta quên đi những điều giản dị mà đẹp đẽ xung quanh. Tập thơ "Trắng Mây Tóc Mẹ" của nhà thơ Trương Anh Tú được "thổi hồn" bằng nét vẽ bay bổng của họa sĩ Quyên Thái, tựa như một cơn gió mát lành, khơi gợi lại những xúc cảm tinh khôi, trong trẻo, giúp ta chậm lại và cảm nhận sâu sắc hơn vẻ đẹp của cuộc sống.
Số 0: Tiểu sử một phát kiến nguy hiểm - Chìa khóa mở ra vũ trụ bí ẩn

Số 0: Tiểu sử một phát kiến nguy hiểm - Chìa khóa mở ra vũ trụ bí ẩn

(PNTĐ) - Con số 0, tưởng chừng đơn giản, lại là một phát kiến mang tính cách mạng trong lịch sử nhân loại. Từ những bước đếm cừu sơ khai đến những tiên đoán về vũ trụ, số 0 không chỉ là một ký hiệu toán học mà còn là chìa khóa mở ra những bí ẩn sâu thẳm của khoa học, triết học và tôn giáo.
Hành trình “Thắp sáng ước mơ tuổi thơ - Nấu cơm cho em” đến với học sinh nghèo tại Yên Bái

Hành trình “Thắp sáng ước mơ tuổi thơ - Nấu cơm cho em” đến với học sinh nghèo tại Yên Bái

(PNTĐ) - Với tinh thần sẻ chia vì cộng đồng và sự chung tay của các đơn vị tham gia, chương trình đã trao tặng hơn 1.000 cuốn sách để xây dựng tủ sách Kim Đồng tại thư viện ở điểm trường trung tâm cùng nhiều quà tặng thực phẩm, đồ dùng thiết yếu, đồ dùng phục vụ học tập và giảng dạy với tổng trị giá quà tặng lên đến 150 triệu đồng.