Cuốn nhật ký thứ ba và những ký ức về chiến tranh của liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm
(PNTĐ) - “Cuốn nhật ký thứ ba” của nữ bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm được xuất bản, gợi ra chuỗi câu hỏi sâu xa hơn về những khoảng trống trong ký ức chiến tranh, về một thế hệ từng sẵn sàng hy sinh tất cả cho điều mình tin là đúng.
Một thế hệ đã viết bằng máu và nước mắt
“Cuốn nhật ký thứ ba” của nữ bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm được xuất bản, gợi ra chuỗi câu hỏi sâu xa hơn về những khoảng trống trong ký ức chiến tranh, về một thế hệ từng sẵn sàng hy sinh tất cả cho điều mình tin là đúng.
Câu chuyện của nữ bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm đến nay vẫn là biểu tượng không thể phai mờ. Năm 2005, khi hai cuốn nhật ký của nữ bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm thất lạc suốt 35 năm trên đất Mỹ trở về Việt Nam, chúng không chỉ mang theo lời kể cá nhân của một bác sĩ trẻ trên tuyến lửa miền Trung, mà còn gợi lại cả một thời đại, một thế hệ sống lý tưởng, sống mạnh mẽ và hy sinh không chút do dự.

Tuy nhiên, những gì chúng ta từng biết chưa phải là tất cả. Cuốn sách mới "Đặng Thùy Trâm và cuốn nhật ký thứ ba", do em gái của bà là bà Đặng Kim Trâm biên soạn, một lần nữa mở ra nhiều lớp lang mới: một Đặng Thùy Trâm không chỉ là bác sĩ, chiến sĩ, mà còn là một cô gái Hà Nội tinh tế, mộng mơ, trăn trở trong từng suy tư về lý tưởng, về tình yêu, về trách nhiệm với gia đình và đất nước.
Độc giả sẽ bất ngờ khi thấy những dòng viết mang vẻ rất “đời thường” trong cuốn sách mới. Trong đó, hình ảnh một nữ sinh Y khoa đầy lý tưởng sống hòa quyện với nỗi day dứt của một người con gái yêu đơn phương, chịu đựng chia ly, và cũng đầy hoài nghi về chính mình.
Cuốn sách mang một giá trị đặc biệt khi độc giả không chỉ gặp “bác sĩ Thùy Trâm”, mà là “người con gái Thùy Trâm” - người đã sống trọn vẹn, yêu trọn vẹn và viết trọn vẹn những gì trái tim mách bảo.
Cuốn sách cũng kể lại hành trình 35 năm của những trang nhật ký cũ, từ “được cứu” bởi một người lính phía bên kia chiến tuyến không đành lòng đốt chúng để rồi nhiều năm sau, chúng trở thành chiếc cầu nối kỳ lạ giữa hai phía từng đối đầu trên chiến trường. Những cuộc gặp sau này giữa gia đình nữ bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm với những người Mỹ từng liên quan đến số phận những cuốn sổ ấy là minh chứng mạnh mẽ nhất cho sức mạnh của ngôn từ và lòng nhân đạo.
Không chỉ là một cuốn sách
Cuốn sách là minh chứng rõ nét cho việc văn chương không cần tô vẽ, chỉ cần chân thành. Và trong sự chân thành ấy, những điều lớn lao nhất đã được truyền tải: tình yêu đất nước, lòng vị tha, nỗi đau mất mát, và cả khao khát sống, khát vọng yêu đến cùng.
Có một chi tiết nhỏ trong sách: “Khi chị vuốt nhẹ mái tóc của một cậu bé mù, không thể nói gì ngoài câu ‘Đừng khóc nữa em’…" – đã khiến độ giả thấy thắt lòng. Không phải vì bi kịch, mà vì sự bất lực của một bác sĩ trẻ trước nỗi đau quá lớn. Nhưng chính khoảnh khắc đó lại làm nên con người nữ bác sĩ Đặng Thùy Trâm: nhân hậu, đầy thấu cảm, và không bao giờ thôi đau đáu.

Vì vậy, đọc Đặng Thùy Trâm và cuốn nhật ký thứ ba, không chỉ là để biết thêm về một con người, mà là để tự hỏi về chính mình: ta đang sống thế nào với đất nước này, với ký ức của thế hệ trước, và với những giấc mơ riêng tư tưởng chừng nhỏ bé.