Ra mắt sách Kì công diệu nghệ – Một số kĩ thuật và công nghệ trên dải đất hình chữ S trước thế kỉ XX

MINH THƯ
Chia sẻ

(PNTĐ) - Wings Books - Thương hiệu sách trẻ của Nhà xuất bản Kim Đồng cho ra mắt ấn phẩm sách “Kì công diệu nghệ – Một số kĩ thuật và công nghệ trên dải đất hình chữ S trước thế kỉ XX”. Cuốn sách mang đến góc nhìn khái quát về những phát minh của người Việt xưa, với hi vọng khơi gợi tinh thần tự hào dân tộc của bạn đọc trẻ hôm nay.

Tìm hiểu sâu về chính sử nước nhà, bạn đọc có thể sẽ bất ngờ khi bắt gặp không ít những ghi chép về sự sáng tạo, đổi mới của bậc tiền nhân trong các lĩnh vực sản xuất, xây dựng, hàng hải hay quân sự… nhằm cải thiện đời sống, nâng cao năng suất lao động, bảo vệ và mở mang bờ cõi…

Từ rất sớm, những phát minh mới mẻ của nhân loại đã được ông cha ta biết tới, tìm cách học hỏi và làm chủ. Bên cạnh đó, có không ít những phát kiến do dân tộc ta tự sáng tạo ra khiến các nhà du hành, nhà nghiên cứu lịch sử thế giới cũng phải kinh ngạc.

Ra mắt sách Kì công diệu nghệ – Một số kĩ thuật và công nghệ trên dải đất hình chữ S trước thế kỉ XX  - ảnh 1

Ví dụ như thuyền đáy đan nan được coi là một phát minh độc đáo của người Việt. Trung Hoa và các nước Đông Nam Á khác đều không thấy kiểu thuyền này. Những nhà quan sát của hải quân Hoa Kì giữa thế kỉ XX đã ghi nhận sự tồn tại của những thuyền đáy đan nan như sau:

“Người ta không khỏi lấy làm lạ khi nhìn thấy những chiếc thuyền lớn dài 40 hoặc 50 feet (12 - 15m), lượng choán nước vài tấn, mà đáy được làm từ các nan tre mỏng ghép lại.”

Đáy thuyền được làm bằng tre đan nan, vừa ít tốn kém vừa nhẹ, lại có thể chống đỡ khỏi sự đeo bám của những con hà, có thể thay thế thường xuyên mà chi phí chỉ bằng một nửa so với thuyền đáy gỗ.

Hay như Việt Nam là đất nước Á Đông duy nhất “cập nhật” kĩ thuật xây thành dạng sao kiểu Italia, để tạo nên thành Bát Quái xây năm 1790 ở Gia Định. Thành có mặt bằng như bông hoa sen chứ không phải kiểu chữ nhật truyền thống, xóa bỏ những “góc chết” vốn có, vừa phòng thủ vừa tấn công mạnh mẽ.

Các nước khác, chẳng hạn như Trung Quốc, Nhật Bản… chỉ có một vài thành dạng sao xây ở cuối thế kỉ XIX sau khi đã canh tân theo phương Tây, hoặc do các thế lực thực dân phương Tây xây dựng để bảo vệ tô giới, nhượng địa.

Cuốn sách Kì công diệu nghệ giới thiệu 30 kĩ thuật và công nghệ nổi trội, cả du nhập lẫn tự sáng tạo, mà người Kinh, người Chăm… từng sinh sống trên mảnh đất hình chữ S đã ứng dụng vào đời sống trước thế kỉ XX.

Sách được chia 5 phần, gồm các kĩ thuật và phát kiến ở các lĩnh vực sản xuất, xây dựng, hàng hải, phục vụ đời sống và quân sự. Ở mỗi phần, ta không khỏi tự hào trước sự sáng tạo và tay nghề điêu luyện của cha ông thời xưa. Vào thế kỉ XVIII đã có một người Việt bôn ba sang tận Hà Lan để học làm đồng hồ cơ và kính viễn vọng trên chính quê hương mình. Hay người dân Giao Chỉ đã biết dùng thân cây chuối để luyện thành những sợi tơ đẹp, nhỏ như lụa. Xe cứu hỏa đã xuất hiện từ thời vua Minh Mạng với hiệu quả vượt trội.

Những nội dung trong sách bước đầu được khảo cứu qua các văn bản và thư tịch cổ, được chú thích chi tiết trong sách để người đọc có cơ sở kiểm chứng lại. Bên cạnh đó, hàng trăm hình minh họa chi tiết về các kĩ thuật và phát kiến được họa sĩ Kaovjets Ngujens tái hiện lại chân thực và sinh động, giúp người đọc dễ dàng hình dung và tìm hiểu.

Với góc nhìn khái quát, hi vọng cuốn sách Kì công diệu nghệ có thể khơi gợi tinh thần tự hào dân tộc, trở thành nguồn cảm hứng tích cực, thổi bùng niềm đam mê khoa học và đổi mới công nghệ trong trái tim bạn đọc trẻ hôm nay.

Cuốn sách do nhóm tác giả Đông Nguyễn và Kaovjets Ngujens thực hiện. Đông Nguyễn chuyên nghiên cứu về lịch sử phong tục, trang phục và quân khí. Anh là đồng sáng lập nhiều nhóm và trang chuyên nghiên cứu về lịch sử, văn hóa cổ như Đại Việt Cổ Phong, Vietnam Centre, Vương Sư Kiên Duệ… Kaovjets Ngujens là họa sĩ người Latvia gốc Việt, chuyên minh họa lịch sử theo các thời kì, là tác giả và họa sĩ chính trong nhiều dự án sách và phim tài liệu lịch sử.

Dự án Kì công diệu nghệ kể từ khi lên ý tưởng đã nhận nhiều sự hỗ trợ, cố vấn, cung cấp tư liệu từ các nhà nghiên cứu Đỗ Thái Bình, Trần Trọng Dương, Phạm Lê Huy, Trần Quang Đức, Nguyễn Ngọc Duy, Từ Việt Thanh, Nguyễn Ngọc Tân, Dương Việt Dũng; và được hiệu đính, góp ý từ nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng.

Tin cùng chuyên mục

“Hãy nói rằng con cần mẹ”: Cuốn cẩm nang đồng hành cùng người thân bị trầm cảm

“Hãy nói rằng con cần mẹ”: Cuốn cẩm nang đồng hành cùng người thân bị trầm cảm

(PNTĐ) - Trong bối cảnh trầm cảm ngày càng trở thành vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, đặc biệt ở trẻ vị thành niên và thanh niên, cuốn sách mới “Hãy nói rằng con cần mẹ - Cẩm nang đồng hành với người thân bị trầm cảm” do Anbooks phát hành và NXB Phụ nữ Việt Nam ấn hành, ra đời như một lời thì thầm đầy thấu cảm, trao đi sự thấu hiểu, dẫn dắt và hy vọng đến những người đang đồng hành cùng người thân yêu vượt qua những ngày u tối.
Ra mắt sách và tổ chức sự kiện kỉ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Đoàn Giỏi

Ra mắt sách và tổ chức sự kiện kỉ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Đoàn Giỏi

(PNTĐ) - Nhân dịp kỉ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Đoàn Giỏi (17/5/1925-17/5/2025), Nhà xuất bản Kim Đồng giới thiệu đến độc giả cả nước bộ sách đặc biệt gồm 8 tác phẩm tiêu biểu của cây bút lớn gắn bó sâu sắc với thiên nhiên và con người Nam Bộ. Song song là các hoạt động kỉ niệm tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Mùa nắng hanh hao

Mùa nắng hanh hao

(PNTĐ) - Tôi tỉnh dậy sau một giấc ngủ trưa, thấy mùi nắng sộc vào mũi tôi qua khe cửa khép hờ rêu mốc. Tiếng gà mái cục con ngoài gốc roi nghe nôn nao đến lạ.