“Tây Bắc mùa xuân” – Vẻ đẹp của núi rừng và tình người
(PNTĐ) - Bài thơ "Tây Bắc mùa xuân" của tác giả Phạm Văn Đồng khắc họa bức tranh thiên nhiên thơ mộng và cuộc sống tràn đầy sắc màu của đồng bào nơi đây. Qua những hình ảnh đặc trưng như đèo mù sương, tiếng khèn réo rắt, vòng xòe rộn ràng, bài thơ mang đến cảm xúc vừa lãng mạn, vừa sâu lắng về mùa xuân Tây Bắc.
Bằng ngôn từ giản dị mà giàu hình ảnh, "Tây Bắc mùa xuân" vẽ nên khung cảnh núi rừng hùng vĩ với mây lững lờ trôi, cung đường uốn lượn và bóng dáng thiếu nữ Hơ-Mông bên bờ suối. Tiếng khèn, tiếng đàn môi vang vọng giữa đại ngàn, níu chân những ai từng ghé qua.
TÂY BẮC MÙA XUÂN
- Phạm Văn Đồng -
Tây Bắc bồng bềnh
Mây chênh vênh lưng núi
Đèo mù sương
Uốn lượn những cung đường.
Em gái Hơ-Mông
Bóng in bên bờ suối
Đường rừng chiều
Réo rắt tiếng đàn môi.
Tây Bắc xa xôi
Tiếng khèn trên đỉnh núi
Hát lời ân tình
Níu bước khách thập phương.
Đường đi về rừng
Đường đi xuống núi
Thấp thoáng bóng người
Trên lưng ngựa lúc hoàng hôn.
Tây Bắc trong tôi
Là thân thương câu hát
“Inh lả ơi,xao noọng ời” (×)
Là rộn ràng điệu nhạc
Nghiêng vòng xòe thương nhau
Là rực rỡ sắc màu
Khăn piêu theo làn gió
Trao tình nồng thắm sâu.
Dù đi đâu ở đâu
Xuân nhớ về Tây Bắc
Núi ngút ngàn trùng xa
Trăm hoa hé môi cười
Làm chân ai bối rối
Múa sạp khăn buông lơi.
Men rượu nồng thơm má
Xao noọng ơi… noọng ơi.
(×) Dân ca Thái
(Tây Bắc, Xuân 2025)
Không chỉ tái hiện thiên nhiên Tây Bắc, bài thơ còn thấm đượm hơi thở văn hóa qua những câu hát dân ca Thái, điệu xòe nồng ấm và sắc màu rực rỡ của khăn piêu trong gió. Hương rượu cần, điệu múa sạp và mùa xuân Tây Bắc làm lòng người xao xuyến, như lời mời gọi tha thiết với những ai yêu vùng cao.
Dẫu đi xa, tác giả vẫn luôn nhớ về Tây Bắc – nơi mùa xuân rạng rỡ không chỉ bởi trăm hoa khoe sắc mà còn bởi tình người chân thành, nồng hậu.