“Ngày mai con lên đường” - Hành trình nối tiếp của những người lính
(PNTĐ) - Từ nỗi đau mất mát đến niềm kiêu hãnh, bài thơ "Ngày mai con lên đường" của nhà thơ Nguyễn Xuân như lời tri ân sâu sắc dành cho những người mẹ Việt Nam – những người đã nuốt nước mắt vào lòng để tiễn chồng, rồi lại tiễn con lên đường bảo vệ quê hương. Không chỉ khắc họa tình mẫu tử sâu nặng, bài thơ còn tôn vinh tinh thần yêu nước, khi người con tiếp nối lý tưởng của cha, lên đường làm nhiệm vụ với Tổ quốc.
Bài thơ "Ngày mai con lên đường" của Nguyễn Xuân là một bức tranh xúc động về tình mẫu tử, sự hy sinh và lòng yêu nước.
Bài thơ kể về một người mẹ liệt sĩ – người đã mất chồng khi con còn thơ dại, chịu đựng bao đau thương để nuôi con khôn lớn. Nay, khi con trai trưởng thành, bà lại một lần nữa tiễn biệt, lần này là đưa con lên đường nhập ngũ, tiếp bước cha trên con đường bảo vệ Tổ quốc.
Báo Phụ nữ Thủ đô xin giới thiệu tới bạn đọc nội dung của bài thơ "Ngày mai con lên đường" của nhà thơ Nguyễn Xuân:
NGÀY MAI CON LÊN ĐƯỜNG
Mến tặng chị T.T.T.M vợ liệt sỹ N.Đ.H nhân ngày tiễn con trai lên đường nhập ngũ.
Lúc con chập chững biết đi
Thì mẹ nhận tin sét đánh
Ba hy sinh rồi,
Trong một cuộc “hành quân”.
Hỡi ôi, trời xa - đất gần
Sao giữa thời bình
Mà máu đào vẫn đổ
Đau đớn thay biết thổ lộ cùng ai ?
*
Mẹ góa chồng tuổi mới hai hai
Con mồ côi ba
Khi miệng còn hơi sữa.
Tháng năm trôi đi,
Nước mắt mẹ ướt nhòa
Chảy quanh gò má
Đọng lại trên môi con
Tê tái tim gan dằng dặc héo mòn
Vò võ tháng năm nuôi con,
Côi cút thờ chồng (!)
Nuốt dông bão vào lồng ngực trẻ.
Mười bảy năm
Con của mẹ lớn khôn
Trở thành chàng “Phù Đổng”.
Gieo ước mơ
Qua vai mẹ héo gầy (!)
Nay nhìn bước con đi
Với dáng hình mạnh mẽ
Nghe tiếng con nói
Ngập tràn hơi ấm của ba!
Nhâm Thìn đi qua
Ất Tỵ đã về,
Cây cối đơm hoa, kết trái.
Con trai mẹ, theo bước chân ba
Lại lên đường nhập ngũ
Theo cha hát tiếp khúc quân hành.
*
Thiên nhiên chuyển mình
Đất nước sang trang
Con trai mẹ tràn trề sức trẻ
Mùa Xuân này tiễn con
Lên đường cầm súng
Bảo vệ Đất nước quê hương, lòng Mẹ ngút ngàn!
Có thể thấy, bằng giọng thơ vừa da diết, vừa kiêu hãnh, tác giả khéo léo đan xen nỗi đau mất mát với niềm tự hào, tạo nên một dòng cảm xúc dạt dào. Hình ảnh “nuốt dông bão vào lồng ngực trẻ” hay “gieo ước mơ qua vai mẹ héo gầy” thể hiện sự tần tảo, kiên cường của người mẹ, trong khi những câu thơ nhắc đến “khúc quân hành” hay “mùa xuân tiễn con đi” lại gợi lên khí thế hào hùng của thế hệ trẻ tiếp nối truyền thống cha anh.
Bài thơ không chỉ là một lời tiễn biệt mà còn là bản trường ca về tinh thần bất khuất, về sự tiếp nối giữa các thế hệ trong sứ mệnh bảo vệ quê hương. Nó vừa mang tính riêng tư – nỗi lòng của một người mẹ, vừa mang tính biểu tượng – hình ảnh chung của bao gia đình Việt Nam đã cống hiến cho Tổ quốc.