AI: Động lực đổi mới và phát triển của doanh nghiệp
(PNTĐ) - Tại Việt Nam, ngày càng nhiều doanh nghiệp, từ các tập đoàn lớn đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đã bắt đầu hành trình ứng dụng AI chuyên sâu vào tất cả các mặt hoạt động kinh doanh.
Trí tuệ nhân tạo (AI) - một trong những công nghệ cốt lõi của cuộc cách mạng 4.0, mở ra những cơ hội mới cho ngành sản xuất. Đây là một công cụ quan trọng và đang có ảnh hưởng mạnh mẽ đối với ngành sản xuất, từ việc tối ưu hóa quy trình sản xuất cho đến quản lý lao động và quản lý tài nguyên, giúp doanh nghiệp cải thiện hiệu suất và tăng cường sự cạnh tranh.

Tại các nền kinh tế hàng đầu, AI được tích hợp sâu vào các hệ thống sản xuất thông minh. Hệ thống bảo trì dự đoán giúp giảm thiểu thời gian dừng máy; công nghệ thị giác máy tính giúp kiểm tra chất lượng sản phẩm nhanh chóng và chính xác hơn con người. Nhiều doanh nghiệp còn ứng dụng AI để phân tích dữ liệu lớn, tối ưu hóa chuỗi cung ứng và tự động điều chỉnh kế hoạch sản xuất theo nhu cầu thị trường.
Theo ông Hoàng Ninh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho hay, việc ứng dụng AI trong sản xuất tại Việt Nam ngày càng phổ biến, giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, tối ưu hóa quy trình và giảm thiểu lãng phí. Một số ngành, lĩnh vực trong công nghiệp và thương mại đã ứng dụng AI thành công.
Ví dụ, trong ngành dệt may, điển hình là Vinatex, AI được sử dụng để tối ưu hóa quy trình sản xuất, quản lý chuỗi cung ứng và dự báo nhu cầu sản xuất, kinh doanh cũng như nhu cầu thị trường. Nhờ đó, Vinatex đã giảm 30% thời gian sản xuất, tăng độ chính xác và giảm lãng phí.
Bên cạnh đó, Tổng Công ty Máy động lực và Máy công nghiệp thuộc Bộ Công Thương đã ứng dụng AI để nâng cao giám sát, bảo trì thiết bị. Ngoài ra, Công ty Rạng Đông và Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát cũng đã áp dụng AI vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo ông Hồ Minh Thắng - Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Triển khai AI - FPT Smart Cloud, mức độ ứng dụng AI của các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt sau những năm gần đây khi ChatGPT và các công nghệ mới liên tục thay đổi, đã tăng lên đáng kể với sự tham gia của nhiều ngành nghề hơn.
Khoảng 5 năm trước, FPT bắt đầu cung cấp dịch vụ AI cho doanh nghiệp Việt Nam, tập trung chủ yếu vào ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, chứng khoán, sau đó mới đến bán lẻ và sản xuất. Khi AI bùng nổ trong hai năm gần đây, các doanh nghiệp đa ngành bắt đầu tham gia nhiều hơn.
So sánh với nhiều nước trên thế giới, ông Hồ Minh Thắng cho hay, Mỹ và Trung Quốc thuộc nhóm dẫn đầu với những bước tiến mạnh mẽ. Nhóm tiếp theo là các nước phát triển hơn như châu Âu hoặc trong khu vực có Singapore. Việt Nam hiện nằm ở nhóm thứ ba. Tuy nhiên, mức độ quan tâm và sẵn sàng ứng dụng AI của doanh nghiệp Việt Nam khá cao.
Từ thực tế ứng dụng AI vào sản xuất, ông Nguyễn Đoàn Kết - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông cho hay, muốn ứng dụng AI vào sản xuất, trước hết phải có dữ liệu.
Theo ông Nguyễn Đoàn Kết, trong một cơ sở sản xuất kinh doanh, đặc biệt là doanh nghiệp truyền thống với tuổi đời 64 năm như Rạng Đông, hệ thống máy móc, thiết bị có nguồn gốc, xuất xứ và thế hệ khác nhau. Vì vậy, việc đầu tiên là tạo ra dữ liệu bằng cách làm cho các hệ thống máy móc có thể nói chuyện, giao tiếp, truyền dữ liệu được với nhau.
“Với một doanh nghiệp sản xuất, đây là bài toán phức tạp. Cách tốt nhất là kết hợp với các trung tâm tri thức bên ngoài như Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Điện tử, FPT... Trên cơ sở những tri thức tinh hoa đó, chúng tôi xây dựng mô hình thuật toán để mô phỏng lại hệ thống máy móc cũ, kết nối chúng với thiết bị mới, tạo thành một hệ thống hoàn chỉnh để vận hành”- ông Nguyễn Đoàn Kết cho hay.