Phân làn cứng trên đường Nguyễn Trãi (Hà Nội):

“Ẩn số” giúp giảm ùn tắc và tai nạn ?

HÀ LINH
Chia sẻ

(PNTĐ) - Ngày 6/8, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội đã tổ chức thí điểm phân làn trên đường Nguyễn Trãi, kéo dài từ Ngã Tư Sở đến hầm chui Thanh Xuân bằng dải phân cách cứng. Việc này được cho là sẽ giảm xung đột giữa các loại phương tiện, hạn chế rủi ro tai nạn giao thông. Tuy nhiên, theo các chuyên gia giao thông, việc bố trí làn phương tiện như trên cần phù hợp với thực tế.

1 tháng thí điểm

Nguyễn Trãi là tuyến đường huyết mạch phía Tây Nam Thủ đô Hà Nội, kết nối với quốc lộ 6 đi Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên. Hiện tại, tuyến đường có 2 làn ôtô được bố trí sát dải phân cách cứng ở giữa, 2 làn xe hỗn hợp và một làn xe máy - xe đạp sát vỉa hè. Các làn xe được phân chia bằng vạch sơn, biển báo. Vào giờ cao điểm, tuyến đường thường xuyên ùn tắc, ôtô, xe máy đan xen rất khó di chuyển.

Theo các chuyên gia giao thông, hai nguyên nhân lớn dẫn đến thực trạng trên tuyến đường này đó là: Phương án tổ chức giao thông trên tuyến chưa tối ưu và ý thức kém của một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông. Ví dụ điển hình là việc thiếu làn đường riêng khiến xe buýt vừa “chìm nghỉm” trong ùn tắc, vừa là tác nhân ít nhiều ảnh hưởng đến giao thông trên trục Hà Đông - Ngã Tư Sở. Nhiều vị trí hình thành “điểm đen” ùn tắc thường xuyên do người điều khiển phương tiện cố tình lấn làn, gây hỗn loạn.

Trước thực trạng trên, UBND TP Hà Nội vừa cho phép Sở GTVT thí điểm sử dụng dải phân cách cứng để phân làn giao thông trên một đoạn tuyến đường Nguyễn Trãi trong thời gian 1 tháng (từ 6/8 đến 6/9/2022).

Cụ thể, cung đường thí điểm kéo dài từ Ngã Tư Sở đến hầm chui Khuất Duy Tiến được lắp đặt 4 đoạn dải phân cách cứng dài gần 750m với mũi tên phản quang, trụ chống va xô kết hợp hàng rào cơ động có thể thu vào, kéo ra. Theo phương án đó, 2 làn sát vỉa hè mỗi hướng đi sẽ dành cho xe máy, xe thô sơ, xe buýt lưu thông; tách biệt hẳn với 3-4 làn đường bên ngoài dành cho ô tô.

Theo Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (Sở GTVT Hà Nội) Nguyễn Hoàng Hải, trục Nguyễn Trãi có đặc thù là làn đường rộng, nhưng đường ngang rất nhiều, lưu lượng giao thông lớn nên việc tổ chức giao thông rất phức tạp. Trong bối cảnh lưu lượng giao thông ngày càng tăng, đặc biệt là nhiều ôtô con, thì việc tổ chức lại giao thông trên trục này là cần thiết. Ông Hải cho rằng, điều này sẽ giảm ùn tắc, tăng tốc độ lưu thông trên tuyến đường và đặc biệt là giảm tai nạn.

“Ẩn số” giúp giảm ùn tắc và tai nạn ? - ảnh 1
Từ 6/8, Hà Nội thí điểm chia làn đường dành riêng cho ô tô, xe máy trên đường Nguyễn Trãi  Ảnh: PV

Kỳ vọng giảm ùn tắc giao thông

Với việc điều chỉnh phân làn trên đường Nguyễn Trãi thời gian tới, chuyên gia giao thông TS Phan Lê Bình cho rằng, chắc chắn sẽ giảm xung đột giữa các loại phương tiện, giảm rủi ro tai nạn giao thông. Tuy nhiên, việc bố trí làn phương tiện cần phù hợp với thực tế.

"Phân làn phương tiện trong giai đoạn đầu sẽ cực kỳ khó khăn và việc dành mấy làn cho ôtô, mấy làn cho xe máy phụ thuộc vào lưu lượng của từng loại trên đường, nếu 2 làn không đủ cho xe máy tạo ra ùn ứ thì lập tức xe máy sẽ tràn sang làn đường dành cho ôtô.

Rất cần xem xét, nghiên cứu kỹ để cân đối số lượng làn phương tiện ôtô, xe máy, nên chăng dành phần rộng rãi hơn cho xe máy" - ông Phan Lê Bình phân tích.

Còn theo chuyên gia giao thông, Thạc sĩ Đỗ Cao Phan, người dân đang rất mong chờ phương án phân làn này sẽ mang lại hiệu quả cao, góp phần giảm ùn tắc giao thông trên một trong những trục hướng tâm căng thẳng nhất của Hà Nội. 

Tuy nhiên, để phương án tổ chức này đạt hiệu quả như kỳ vọng cũng cần lưu tâm đến một số vấn đề khác.

Ví dụ như việc cấm dừng đỗ xe sát mép vỉa hè trên đường Nguyễn Trãi cần được thực hiện nghiêm, không để ôtô dàn hàng chiếm phần đường của xe buýt, xe máy.

Bên cạnh đó, ý thức của người dân khi tham gia giao thông cũng là yếu tố có tính chất quyết định.

Hạ tầng được đầu tư tốt, phương án tổ chức tối ưu nhưng ý thức của người điều khiển phương tiện kém thì kết quả vẫn chỉ là chen chúc, lấn làn gây mất trật tự ATGT.

Do đó, quá trình thí điểm phương án phân làn cứng trên đường Nguyễn Trãi, lực lượng chức năng cần túc trực thường xuyên để hướng dẫn, nhắc nhở người dân, kiên quyết không để xảy ra vi phạm đi sai làn, ngược chiều, dừng đỗ tùy tiện.

Theo Thạc sĩ Vũ Anh Tuấn (trường Đại học GTVT), tổ chức lại giao thông trên đường Nguyễn Trãi là việc bắt buộc phải làm, bởi hiện nay, giao thông trên tuyến rất lộn xộn, vừa làm giảm năng lực thông hành, vừa gây ra xung đột, cản trở giao thông và mất an toàn rất cao, đặc biệt ở các nút giao.

"Tại các nút giao, chúng ta phải xem xét nhu cầu chuyển hướng của các phương tiện, gồm đi thẳng, rẽ phải, rẽ trái để điều chỉnh lại.

Thứ nhất là hình học của nút giao, thứ hai là phân phối số làn đường cho từng chuyển động, thứ ba là tổ chức hệ thống đèn tín hiệu một cách phù hợp với hạ tầng. Và cũng nên xem xét phối hợp tín hiệu giao thông giữa các nút lân cận với nhau"- Thạc sĩ Vũ Anh Tuấn cho biết.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tập trung gỡ khó cho Hoài Đức sớm hoàn thiện các tiêu chí lên quận

Tập trung gỡ khó cho Hoài Đức sớm hoàn thiện các tiêu chí lên quận

(PNTĐ) - Sáng 19/4, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền - Phó trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng, phát triển 5 huyện thành quận dẫn đầu đoàn công tác của UBND thành phố Hà Nội đã làm việc với huyện Hoài Đức về: Rà soát tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong công tác xây dựng và phát triển huyện Hoài Đức thành quận theo Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ thành phố; đánh giá tính khả thi phát triển huyện thành quận của Hoài Đức đến năm 2025.
Luận cương chính trị của Đảng Cộng sản Đông Dương

Luận cương chính trị của Đảng Cộng sản Đông Dương

(PNTĐ) - Sau thời gian học tập ở Liên Xô, đồng chí Trần Phú được Quốc tế Cộng sản cử về nước hoạt động và được bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương lâm thời, sau đó ít lâu vào Ban Thường vụ Trung ương, đồng chí đã chủ trì dự thảo Luận cương chính trị của Đảng.