Bản lĩnh và tầm vóc Thủ đô sau 35 năm đổi mới

Trịnh Thị Lan Trưởng phòng Báo chí - Xuất bản Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội
Chia sẻ

(PNTĐ) -Sự nghiệp đổi mới đất nước do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đã trải qua hơn 35 năm. Hơn ba thập kỷ qua, đặc biệt, sau hơn 10 năm mở rộng địa giới hành chính và triển khai Luật Thủ đô, Nghị quyết số 11-NQ/TƯ ngày 6/01/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2011-2020, Hà Nội tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ cả về quy mô, diện mạo với những thành tựu to lớn, toàn diện, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả nước.

Bản lĩnh và tầm vóc Thủ đô sau 35 năm đổi mới - ảnh 1
Thủ đô Hà Nội ngày càng phát triển với nhiều công trình, hạ tầng mới Ảnh: M.P

Xứng đáng vai trò là trung tâm lớn về kinh tế
Hà Nội đã vận dụng sáng tạo, thực hiện đồng bộ chủ trương đổi mới, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của kinh tế Thủ đô. 

Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Thủ đô tiếp tục được hoàn thiện và phát triển. Hệ thống các thị trường, nhất là thị trường tài chính, thương mại, bất động sản, chứng khoán dần phát triển theo hướng hiện đại, đồng bộ và hội nhập. Thị trường hàng hóa đảm bảo thông suốt, giá cả theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước; các loại hình bán lẻ văn minh, hiện đại phát triển mạnh... Các hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy thị trường lao động được đẩy mạnh, duy trì các phiên giao dịch việc làm trên toàn bộ hệ thống điểm sàn giao dịch; tỷ lệ thất nghiệp thành thị giảm còn dưới 4% (năm 2020 là 3,22%; năm 2021 là 3,97%). Thị trường khoa học và công nghệ được đẩy mạnh với nhiều hình thức, nhất là xã hội hóa, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh; các sản phẩm khoa học, công nghệ đã trở thành hàng hóa, nhu cầu mua bán công nghệ ngày càng tăng.

Kinh tế Thủ đô phát triển ấn tượng, duy trì phát triển và đạt mức tăng trưởng khá. Tăng trưởng bình quân hằng năm đều gấp 1,5 lần tăng trưởng bình quân chung của cả nước. Tổng sản phẩm quốc nội tăng bình quân 4,48% (1986-1990), 12,52% (1991-1995), 10,72% (1996-2000). GRDP giai đoạn 2001 - 2010 tăng bình quân 10,85%/năm. Giai đoạn 2011- 2020 tăng bình quân 6,83%/năm (tăng 7,13% nếu loại trừ năm 2020 do ảnh hưởng đại dịch Covid-19), gấp 1,15 lần mức tăng chung của cả nước (5,95%). Bình quân thu nhập đầu người trước đổi mới chưa đầy 100 USD/người. GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 123,7 triệu đồng (5.325 USD), gấp 2,3 lần so với năm 2010. Năm 2021, tăng trưởng đạt 2,92%; GRDP/người đạt 128,2 triệu đồng (khoảng 5.500 USD). 

Mục tiêu đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội là thành phố "Văn hiến-Văn minh-Hiện đại"; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2025 cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước; GRDP giai đoạn 2026 - 2030 tăng 8,0 - 8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 12.000 - 13.000 USD.

Thủ đô Hà Nội mặc dù chỉ chiếm 1% về diện tích, 8,5% về dân số nhưng đã đóng góp trên 16,2% GDP, 19,1% thu NSNN và 8,1% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước; đóng góp 43% GRDP, 43,8% thu ngân sách của vùng Đồng bằng sông Hồng và ngày càng xứng đáng vai trò là trung tâm lớn về kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước. 

Thủ đô thêm khang trang, khởi sắc 
Quy hoạch và kiến trúc đô thị Hà Nội ngày càng được hoàn thiện, làm cho diện mạo Thủ đô thêm khang trang, khởi sắc. Hạ tầng kỹ thuật và xã hội từ đô thị đến nông thôn phát triển theo hướng đồng bộ cùng với công tác quy hoạch, quản lý đô thị, từng bước đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đặc biệt sau khi Thủ đô được điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính, dân số và quy mô diện tích tự nhiên tăng 3,63 lần. 

Hà Nội có thêm nhiều cây cầu lớn cả về quy mô, chất lượng và hình thức. Nhiều công trình hạ tầng quan trọng được hoàn thành, nhất là hệ thống đường vành đai, trục hướng tâm, cầu đường bộ, gắn với nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng và hạ tầng xã hội được quan tâm đầu tư. 

Các khu đô thị mới được xây dựng đồng bộ, văn minh, tạo nên không gian đô thị hiện đại, thay đổi diện mạo của Thủ đô. Từng bước thực hiện cụ thể hóa chủ trương phát triển nhà ở, đến nay diện tích sàn nhà ở trung bình đạt 27,25m2/người. 

Diện mạo đô thị xanh, sạch, đẹp, văn minh với nhiều tuyến phố kiểu mẫu, nhiều vườn hoa, công viên, trồng cây xanh được trồng mới, đồng bộ với hạ ngầm hệ thống cáp điện, thông tin liên lạc 184/255 tuyến phố. Hệ thống chiếu sáng, trang trí đô thị, đảm bảo tỷ lệ chiếu sáng từ 95-98%. Thành phố đang tập trung đầu tư chuẩn bị các điều kiện để xây dựng các huyện Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng thành quận; tỷ lệ đô thị hóa đạt 49,2%.  

Hà Nội là địa phương đầu tiên trong nước hoàn thành tổng kiểm kê, đánh giá, phân loại di tích và bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể với 5.922 di tích và 1.793 di sản văn hóa phi vật thể. Hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở được quan tâm đầu tư. Hoạt động nghệ thuật biểu diễn chuyên nghiệp có nhiều khởi sắc gắn với kinh tế thị trường với nhiều sản phẩm có chất lượng cao đứng đầu tại các cuộc thi nghệ thuật toàn quốc. Phong trào văn hóa, nghệ thuật quần chúng tiếp tục phát triển. Khai thác có hiệu quả các không gian văn hóa sáng tạo cộng đồng (phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, phố bích họa Phùng Hưng), trở thành sản phẩm văn hóa - du lịch nổi bật của Thủ đô…

Cùng với thành quả đạt được về văn hóa, giáo dục đào tạo Thủ đô luôn dẫn đầu cả nước về quy mô giáo dục, mạng lưới trường lớp và chất lượng giáo dục mũi nhọn, về số học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Thể dục, thể thao được đẩy mạnh, Hà Nội giữ vững vị trí là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thể thao thành tích cao, giành nhiều huy chương quốc tế nhất cho thể thao Việt Nam; thể thao quần chúng tiếp tục phát triển. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân đạt được nhiều kết quả quan trọng; quốc phòng, an ninh, đối ngoại được củng cố, nâng cao uy tín, vị thế. Thủ đô Hà Nội luôn tích cực mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, quan hệ đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, tăng cường quảng bá văn hóa, giao lưu hữu nghị và góp phần thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư nước ngoài. Đến nay, Hà Nội đã có quan hệ hữu nghị, hợp tác với hơn 100 Thủ đô, thành phố, vùng địa phương trên thế giới. Hàng năm, lãnh đạo Thành phố đã tiếp xúc, làm việc với trên 200 đoàn khách, đối tác quốc tế cũng như duy trì hoạt động giao lưu, trao đổi đoàn các cấp. 

Trong quá trình đổi mới, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng hệ thống chính trị được đặc biệt chú trọng. Điều đó đã tạo sự chuyển biến căn bản trong đời sống xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, là cơ sở quan trọng để khẳng định, củng cố vai trò lãnh đạo của Đảng trong điều kiện tình hình chính trị thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường… 

Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ 
Thời gian tới Hà Nội có nhiều cơ hội để phát triển nhanh về mọi mặt, nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức, đòi hỏi các ngành, các cấp, địa phương, đơn vị phải nỗ lực, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ, phát huy cao độ truyền thống lịch sử, văn hóa, vị thế, tầm vóc của Thủ đô để thực hiện mục tiêu phát triển đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Phát triển Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" là nhiệm vụ chính trị quan trọng đặc biệt trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với tinh thần "Cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước"; là trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị; là nhiệm vụ hàng đầu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội.

Tập trung ưu tiên hoàn thiện thể chế phát triển Thủ đô toàn diện, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế; kết hợp hài hòa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại; kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa giữ gìn bản sắc văn hóa với phát triển kinh tế và giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, trong đó văn hóa, con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, nguồn lực, động lực để phát triển Thủ đô.

Đẩy mạnh xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị của Thủ đô Hà Nội thực sự gương mẫu, đoàn kết, trong sạch, vững mạnh toàn diện, tiêu biểu; xây dựng đội ngũ cán bộ Hà Nội có trình độ cao, có phẩm chất đạo đức trong sáng, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ là nhân tố có ý nghĩa quyết định; xây dựng người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam.

Tầm nhìn đến năm 2045, Thủ đô Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, với GRDP/người đạt trên 36.000 USD; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Giải đáp những điểm mới về chế độ, chính sách cho người lao động

Giải đáp những điểm mới về chế độ, chính sách cho người lao động

(PNTĐ) -Ngày 24/4, Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Đan Phượng tổ chức buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến, truyền thông chính sách năm 2024 với chủ đề "Những điểm mới về chế độ, chính sách cho người lao động"; với sự tham dự của hơn 300 cán bộ công đoàn, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) huyện Đan Phượng.
Hơn 600 điểm cầu tổ chức tập huấn về Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

Hơn 600 điểm cầu tổ chức tập huấn về Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

(PNTĐ) - Sáng 23/4, Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thành phố Hà Nội phối hợp với Ban Tổ chức Thành ủy tổ chức lớp tập huấn việc thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và các Nghị định liên quan bằng hình thức trực tuyến từ điểm cầu Thành ủy đến 610 điểm cầu cơ sở. Đồng chí Đỗ Anh Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Thành ủy, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thành phố dự và phát biểu chỉ đạo.