Bằng mọi giá phải gìn giữ và phát huy những tiềm năng, giá trị của hồ Tây
(PNTĐ) - Sáng 11/1, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã làm việc với Ban Thường vụ Quận ủy Tây Hồ về tình hình, kết quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị giai đoạn 2020-2023; nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2024-2025 và những năm tiếp theo trên địa bàn quận Tây Hồ.
Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến cho biết, quận Tây Hồ có diện tích 2.439 ha với dân số hơn 170 nghìn người, 8 đơn vị hành chính phường. Đảng bộ quận có 56 tổ chức cơ sở Đảng, hơn 9.300 đảng viên.
Những năm qua, kinh tế quận tiếp tục duy trì ổn định và phát triển, tốc độ tăng giá trị sản xuất các ngành kinh tế do quận quản lý bình quân hằng năm đều tăng. Trong đó, năm 2023 tăng 14,6% và tổng thu ngân sách đạt 119% kế hoạch. Sự nghiệp văn hóa - xã hội được quan tâm phát triển toàn diện. Quận cũng quan tâm, đầu tư 56 dự án phát triển công nghiệp văn hóa với tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng; có nhiều mô hình mới cho phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn.
Sự nghiệp giáo dục và đào tạo được chăm lo thường xuyên, với 27/27 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, đứng trong tốp đầu Thành phố. Trên địa bàn quận không còn hộ nghèo và hộ cận nghèo theo chuẩn của Thành phố.
Quận cũng đã triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ quản lý và phát triển đô thị. Chỉ số cải cách hành chính, Chỉ số đo lường mức độ hài lòng của người dân đứng thứ 4/30 quận, huyện, thị xã của Thành phố.
Công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng được tăng cường. Nổi bật là Quận ủy đã chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của Thành ủy về công tác cán bộ. Toàn Đảng bộ quận đã có 215 lượt cán bộ được luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử. Rà soát, bổ sung 1.270 trường hợp quy hoạch các chức danh cán bộ diện Ban Thường vụ Quận ủy quản lý, 195 trường hợp quy hoạch các chức danh cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý nhiệm kỳ 2020-2025 và nhiệm kỳ tiếp theo.
Đáng lưu ý, có 131 lượt đồng chí đăng ký chỉ đạo giải quyết nhiệm vụ khó khăn, phức tạp thuộc thẩm quyền, trách nhiệm được giao. Kết quả đã hoàn thành 70% số việc, trong đó có việc di dời tàu, thuyền, phương tiện thủy ra khỏi hồ Tây...
Hoạt động của HĐND tiếp tục được đổi mới. Hoạt động của UBND quận được quan tâm điều hành với phương châm “rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả”. Nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục được đổi mới.
Cùng với việc chỉ rõ một số hạn chế cần khắc phục, quận Tây Hồ cũng đề xuất Thành phố cho phép quận đầu tư các dự án thuộc phân cấp của Thành phố. Quận cũng đề xuất Thành phố hỗ trợ kinh phí để thực hiện các dự án cải tạo, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, bảo vệ môi trường hồ Tây để đảm quản lý, bảo tồn, khai thác phát huy giá trị của hồ Tây và vùng phụ cận theo định hướng phát triển Thủ đô “Văn hiến - văn minh - hiện đại"; quan tâm đến việc triển khai thực hiện 3 dự án trọng điểm trên địa bàn quận, gồm: Bệnh viện Tim Hà Nội cơ sở 2, dự án Nhà hát Opera và khu văn hóa đa năng Quảng An, dự án cầu Tứ Liên…
Thảo luận tại cuộc làm việc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đã phân tích và làm rõ những tiềm năng, lợi thế riêng có của Tây Hồ. Trong đó, đề nghị quận tập trung các nguồn lực để phát huy những lợi thế về văn hóa, du lịch và coi đây là ngành kinh tế mũi nhọn để tập trung trong giai đoạn tới.
Các đồng chí Thường trực Thành ủy cũng đề nghị đưa đề án Phát huy các tiềm năng, giá trị của hồ Tây vào danh mục các dự án trọng điểm của Thành phố trong giai đoạn tới nhằm giúp quận Tây Hồ phát huy tối đa lợi thế của danh thắng nổi tiếng này.
Phát biểu kết luận, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng ghi nhận, đánh giá cao những kết quả mà quận Tây Hồ đã đạt được. Trong đó, Đảng bộ quận đã thể hiện rõ khát vọng phát triển, tình yêu với Thủ đô, với quận Tây Hồ; có ý chí quyết tâm cao trong triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương và Thành ủy.
Theo Bí thư Thành ủy, cùng với Hoàn Kiếm, Tây Hồ là một trong những trung tâm văn hóa của Thủ đô Hà Nội, mang đậm dấu ấn của kinh thành Thăng Long xưa. Ban Thường vụ Quận ủy Tây Hồ cũng đã xác định rõ việc phải khơi thông nguồn lực về văn hóa, coi văn hóa là động lực phát triển mới của Thủ đô.
Đánh giá cao quận Tây Hồ đã bước đầu khơi thông được nguồn lực này, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cũng ghi nhận, biểu dương kết quả triển khai công tác xây dựng Đảng, hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội; tập trung đầu tư nguồn lực cho 3 lĩnh vực trọng điểm là y tế, văn hóa và giáo dục.
Nhấn mạnh việc quận Tây Hồ đã bước đầu khai thác có hiệu quả những nguồn lực nội tại, nhận diện rõ những lĩnh vực cần quan tâm đầu tư, phát triển, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đánh giá cao sự đoàn kết, thống nhất, có quyết tâm trong triển khai nhiệm vụ của Đảng bộ quận.
Lưu ý chỉ còn 2 năm để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ 2020-2025; bên cạnh đó, khối lượng công việc để chuẩn bị cho nhiệm kỳ sắp tới là rất lớn, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đề nghị Ban Thường vụ Quận ủy Tây Hồ tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm.
Cụ thể, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đồng ý chuyển giao việc quản lý hồ Tây về cho quận Tây Hồ thay vì 8 sở, ngành cùng quản lý như trước đây. Cùng với đó, các sở, ngành cần chung tay cùng quận Tây Hồ quản lý hồ Tây theo chức năng nhiệm vụ để địa danh này thực sự phát triển, trở thành một điểm đến văn hóa du lịch tiêu biểu của Thủ đô.
Để thực hiện, đồng chí Bí thư Thành ủy giao quận Tây Hồ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành xây dựng đề án cụ thể để khai thác hiệu quả những tiềm năng, giá trị của hồ Tây và vùng phụ cận. Khi triển khai thực hiện, lưu ý sự chung tay, chung sức của các sở, ban, ngành Thành phố trong việc hỗ trợ tích cực để cùng quận hoàn thiện và thực hiện Đề án bảo tồn và phát huy những giá trị của hồ Tây và vùng phụ cận.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng yêu cầu, trong vòng 6 tháng, quận Tây Hồ cần hoàn thiện đề án, trình Thành phố để xem xét, đưa vào triển khai trong thực tiễn. “Quan điểm là bằng mọi giá phải lưu giữ, bảo tồn và phát huy toàn diện những tiềm năng, giá trị của hồ Tây”- Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng lưu ý.
Cùng với đó, quận Tây Hồ cần quan tâm triển khai thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, tập trung đào tạo cán bộ có chuyên môn nghiệp vụ, có năng lực đáp ứng những yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao của quận và Thành phố.
Đồng chí Đinh Tiến Dũng cũng đề nghị Thành phố giao thêm nguồn lực để hỗ trợ quận triển khai các dự án trọng điểm phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế của quận giai đoạn từ nay đến 2025-2030 và xây dựng lộ trình cụ thể để thực hiện. Trước mắt, từ nay đến năm 2025, quận cần tập trung hoàn thiện kết cấu hạ tầng; xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường, lập lại trật tự đô thị; quan tâm phát triển hệ thống giao thông quanh khu vực hồ Tây.
Với các kiến nghị của quận Tây Hồ, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cơ bản đồng tình với những đề xuất của quận, đồng thời đề nghị các sở, ngành thành phố hỗ trợ quận triển khai thực hiện theo đúng quy định.
Đồng chí Đinh Tiến Dũng cũng tin tưởng, với truyền thống đoàn kết thống nhất, quận Tây Hồ sẽ nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành mục tiêu cả nhiệm kỳ, qua đó xây dựng quận Tây Hồ phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế từ đó góp phần xây dựng Thủ đô.