Báo chí muốn giữ vững vị thế của mình, cần làm khác mạng xã hội, quay về với giá trị cốt lõi

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, khi mạng xã hội ra đời, cũng đặt ra những vấn đề đối với báo chí truyền thống. Báo chí muốn giữ vững vị thế của mình, cần làm khác mạng xã hội, quay về với giá trị cốt lõi của báo chí là tính xác thực, chính xác, khách quan, có trách nhiệm giải trình, đạo đức nghề nghiệp.

Báo chí dùng công nghệ số để lấy lại trận địa, tăng số lượng độc giả

Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên (Đoàn Điện Biên) đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ TTTT, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa báo chí truyền thống và internet, mạng xã hội, ngoài việc tăng cường chất lượng, đẩy mạnh số hóa báo chí thì bài toán kinh tế báo chí, mô hình kinh doanh báo chí sẽ phải giải quyết như thế nào để báo chí truyền thống có thể cạnh tranh và làm tốt vai trò người lính xung kích trên mặt trận văn hóa, tư tưởng, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước?

Báo chí muốn giữ vững vị thế của mình, cần làm khác mạng xã hội, quay về với giá trị cốt lõi  - ảnh 1
Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên (Đoàn Điện Biên) chất vấn

Trả lời chất vấn của đại biểu Tạ Thị Yên, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, khi kinh tế thị trường phát triển, các doanh nghiệp bắt buộc phải quảng cáo để bán hàng, vì thế chi khá nhiều tiền cho quảng cáo, khi đó quảng cáo chủ yếu trên báo chí. Các cơ quan báo chí cũng mong muốn được tự tài chính, nhưng sau đó mạng xã hội xuất hiện, 80% quảng cáo trực tuyến, như vậy nguồn thu của báo chí, nhất là các cơ quan báo chí tự chủ tài chính đã giảm đáng kể.

Báo chí muốn giữ vững vị thế của mình, cần làm khác mạng xã hội, quay về với giá trị cốt lõi  - ảnh 2
Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn của các đại biểu

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, số lượng cơ quan báo chí ra đời nhiều (880 cơ quan báo chí) nhưng nguồn thu giảm. Trong chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về truyền thông chính sách, có yêu cầu các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp phải coi truyền thông là việc của mình. Ngoài chủ động đưa thông tin, có kế hoạch đưa thông tin, có bộ máy đưa thông tin, có ngân sách hàng năm để chi cho truyền thông chính sách và dùng đến ngân sách để đặt hàng báo chí. Đây là một thay đổi, thực tế cho thấy, từ năm ngoái, các cơ quan, chính quyền các cấp bắt đầu tăng ngân sách cho báo chí.

Đồng thời thông tin, trong kế hoạch sửa đổi Luật Báo chí sắp tới, cũng có một mục đề cập đến kinh tế báo chí, trong đó cho phép một số cơ quan báo chí lớn được kinh doanh về nội dung, kinh doanh xung quanh lĩnh vực truyền thông, nhưng kinh doanh để làm báo.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng lưu ý, nếu báo chí không nên chạy theo mạng xã hội, phải có sự khác biệt với mạng xã hội, đồng thời dùng công nghệ số để lấy lại trận địa, tăng số lượng độc giả, từ đó quảng cáo cũng sẽ tăng lên.

“Đặc biệt, trong quy hoạch báo chí, có một nội dung rất quan trọng là Nhà nước tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho các cơ quan báo chí chủ lực để trở thành sức mạnh truyền thông; đồng thời trong quá trình sửa luật theo hướng, Chính phủ sẽ xây dựng cơ chế đặc thù về kinh tế báo chí cho các cơ quan báo chí chủ lực” - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Báo chí muốn giữ vững vị thế của mình, cần làm khác mạng xã hội, quay về với giá trị cốt lõi  - ảnh 3
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp)

Tham gia chất vấn, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) đặt vấn đề, tình trạng tiêu cực của một số phóng viên, biên tập viên thời gian qua, phải chăng do sự bùng nổ của báo chí, tạp chí chuyên ngành trên các lĩnh vực, dẫn đến chất lượng chuyên môn đi xa tôn chỉ mục đích, vi phạm pháp luật. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ nguyên nhân của tình trạng trên và cho biết giải pháp để có sự cạnh tranh lành mạnh giữa quảng cáo mạng và thông tin truyền thống?

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn Hưng Yên) đề nghị Bộ trưởng Bộ TTTT làm rõ nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng một số cơ quan báo chí chú trọng khai thác mặt trái của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, để trục lợi?. Qua đó, bảo đảm hoạt động báo chí bám sát tôn chỉ, mục đích, để tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Báo chí muốn giữ vững vị thế của mình, cần làm khác mạng xã hội, quay về với giá trị cốt lõi  - ảnh 4
Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn của các đại biểu

Giải đáp các vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, khi mạng xã hội ra đời, cũng đặt ra những vấn đề đối với báo chí truyền thống. Báo chí muốn giữ vững vị thế của mình, cần làm khác mạng xã hội, quay về với giá trị cốt lõi của báo chí là tính xác thực, chính xác, khách quan, có trách nhiệm giải trình, đạo đức nghề nghiệp. Thay vì đưa tin, cần phân tích, đánh giá, đưa ra giải pháp, dẫn dắt, định hướng xã hội. Bộ trưởng Bộ TTTT nhấn mạnh, báo chí nâng cao chất lượng nội dung, để thông tin trên báo chí mang tính chất dẫn dắt dư luận trên mạng xã hội.

Liên quan đến chất vấn của đại biểu Nguyễn Đại Thắng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, mỗi năm có 14-15 phóng viên, cộng tác viên bị bắt, tuy nhiên so với 21.000 người làm báo có thẻ nhà báo và gần 45.000 người làm báo, đây chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh”, 80% trong số người bị bắt này thuộc các tạp chí nhỏ, tạp chí thuộc các tổ chức hội nghề nghiệp, những nơi mà cơ quan chủ quản, Tổng Biên tập có sự buông lỏng quản lý đối với cơ quan báo chí và phóng viên của mình.

Báo chí muốn giữ vững vị thế của mình, cần làm khác mạng xã hội, quay về với giá trị cốt lõi  - ảnh 5
Các đại biểu dự kỳ họp

Bàn về cách để xử lý vấn đề tạp chí không bị báo hóa và hoạt động đúng tôn chỉ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, đầu tiên Bộ công bố tiêu chí để nhận dạng “thế nào là báo hóa tạp chí” và đăng công khai trên các trang tin và mạng xã hội để toàn xã hội giám sát, sẽ dựa trên các tiêu chí này để thanh tra, kiểm tra, qua đó, đánh giá các cơ quan báo chí có vi phạm hay không.

Ngoài ra, công khai tôn chỉ, mục đích của 800 cơ quan báo chí trên các Cổng thông tin để bất kỳ tổ chức, địa phương có thể tra cứu chức năng hoạt động, tôn chỉ, mục đích, “nếu không đúng thì có quyền từ chối, còn nếu bị ép thì có đường dây nóng để báo cáo”. Bộ sẽ thanh tra, kiểm tra, giám sát nhiều hơn các tạp chí hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích.

 

Tin cùng chuyên mục

Niềm vui trong những “mái ấm tình thương” của Báo Hội

Niềm vui trong những “mái ấm tình thương” của Báo Hội

(PNTĐ) - Tiếp tục chương trình trao mái ấm tình thương cho hội viên phụ nữ nghèo năm 2024 do Báo Phụ nữ Thủ đô phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) trao tặng, sáng 26/12, tại huyện Thường Tín, Hà Nội, dưới sự chứng kiến của lãnh đạo Hội LHPN Hà Nội, Báo Phụ nữ Thủ đô đã trao 2 mái ấm tình thương cho 2 hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn tại xã Hà Hồi và xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín. Đây là hoạt động ý nghĩa của Báo Phụ nữ Thủ đô trước thềm năm mới 2025.
Phát huy vai trò của phụ nữ trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Phát huy vai trò của phụ nữ trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

(PNTĐ) - Chiều 26/12/2024, Hội LHPN Việt Nam và Tạp chí Cộng sản phối hợp tổ chức Hội thảo "Phát huy vai trò của phụ nữ trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc" nhằm góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, hội viên, phụ nữ về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; nghiên cứu, trao đổi các vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến vai trò của phụ nữ trong kỷ nguyên mới.
Phụ nữ Việt Nam phát huy tâm huyết, trí tuệ, tài năng, khát vọng cống hiến vì sự thịnh vượng của đất nước

Phụ nữ Việt Nam phát huy tâm huyết, trí tuệ, tài năng, khát vọng cống hiến vì sự thịnh vượng của đất nước

(PNTĐ) -  "Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc mở ra vận hội chưa từng có để nhân dân Việt Nam, để Phụ nữ Việt Nam có thể phát huy cao nhất tâm huyết, trí tuệ, tài năng, khát vọng cống hiến vì sự thịnh vượng của đất nước, vì hạnh phúc của gia đình và cá nhân mình".