Bộ Công Thương công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN năm 2020

Chia sẻ

(PNTĐ) - Ngày 25/2, Bộ Công Thương công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2020 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Bộ Công Thương công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN năm 2020 - ảnh 1

Tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2020 của EVN là 396.199,38 tỷ đồng, bao gồm chi phí sản xuất kinh doanh của các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện và phụ trợ - quản lý ngành. Sản lượng điện năng giao nhận là 231,54 tỷ kWh và sản lượng điện thương phẩm thực hiện là 216,95 tỷ kWh.

Như vậy, giá thành sản xuất kinh doanh điện theo sản lượng điện thương phẩm là 1.826,22 đồng/kWh, giảm 1,22% so với năm 2019. Đây là mức giảm được ghi nhận sau nhiều năm giá thành sản xuất tăng, tạo áp lực lên giá bán lẻ điện.

Doanh thu bán điện thương phẩm của EVN đạt trên 394.892 tỷ đồng, tương ứng giá bán điện thương phẩm bình quân năm 2020 là 1.820,20 đồng/kWh, giảm 1,68% so với năm 2019.

Lý giải về việc giá bán điện thương phẩm bình quân năm 2020 giảm, Bộ Công Thương cho rằng, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã làm thay đổi cơ cấu tỷ trọng phụ tải của các nhóm khách hàng sử dụng điện.

Cụ thể, nhóm khách hàng kinh doanh dịch vụ có giá bán điện cao nhưng sản lượng điện với tỷ trọng thấp, các khách hàng thuộc thành phần thương nghiệp - dịch vụ cũng có sản lượng giảm sâu.

EVN còn thực hiện 2 đợt giảm giá điện, giảm tiền điện để hỗ trợ các khách hàng với tổng số tiền khoảng 12.300 tỷ đồng.

Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2020 của EVN lỗ 1.307,29 tỷ đồng, nhưng các hoạt động liên quan đến sản xuất kinh doanh điện của EVN lại lãi tới trên 6.049 tỷ đồng.

Các khoản lãi này có được nhờ vào tiền bán công suất phản kháng; thu nhập từ hoạt động tài chính, cổ tức và lợi nhuận được chia, lãi chuyển nhượng. Nhờ vậy, tổng cộng hoạt động sản xuất kinh doanh điện và các hoạt động liên quan đến sản xuất kinh doanh điện năm 2020 của EVN lãi 4.742,24 tỷ đồng.

Cũng theo Bộ Công Thương, ngoài các khoản chênh lệch tỷ giá đã hạch toán là hơn 5.030 tỷ đồng thì còn khoản tiền lên tới hơn 7.582 tỷ đồng chưa được hạch toán vào giá thành.

Đây là năm thứ hai liên tiếp, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên Bộ Công Thương không tổ chức họp báo công bố giá thành sản xuất kinh doanh điện và chỉ công bố, phát thông tin trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương.

Thông lệ hằng năm, Bộ Công Thương công bố giá thành sản xuất kinh doanh điện của năm liền kề trước đó vào tháng 12. Tuy nhiên, từ năm 2020 do ảnh hưởng tình hình dịch bệnh, nên việc công bố được lùi lại, năm ngoái đến tháng 2/2021, bộ mới công bố giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2019.

VÂN NGA

Tin cùng chuyên mục

Chuyển đổi xanh và chuyển đổi số ngày càng trở nên cấp thiết

Chuyển đổi xanh và chuyển đổi số ngày càng trở nên cấp thiết

(PNTĐ) - Ngày 10/5, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội nghị triển khai “Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia” trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường (NN&MT).
Hà Nội đẩy mạnh truyền thông về lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 2013

Hà Nội đẩy mạnh truyền thông về lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 2013

(PNTĐ) - Ngày 10/5, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn - Chủ tịch Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật TP đã ban hành Văn bản số 04/CV-HĐ về đẩy mạnh truyền thông về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.