Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: Khoảng 500 tài sản công đang bỏ không, lãng phí

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn, trả lời chất vấn của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, hiện đã xử lý được khoảng 90% tài sản công, còn 10%, với gần 1.000 tài sản công chưa được xử lý, trong đó khoảng 500 tài sản công đang bỏ không, lãng phí.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: Khoảng 500 tài sản công đang bỏ không, lãng phí - ảnh 1
Đại biểu Dương Minh Ánh (đoàn Hà Nội) chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh (Đoàn Hà Nội) phản ánh về những vướng mắc về quản lý tài sản công, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, tài chính, đất đai thì còn chưa đầy đủ, đồng bộ. Một số văn bản quy phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng tài sản công ban hành vẫn còn bất cập và chậm. 

Đại biểu Dương Minh Ánh đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính làm rõ, với trách nhiệm của cơ quan tham mưu cho Chính phủ thì Bộ trưởng đã có những giải pháp gì để khắc phục tình trạng chậm ban hành các văn bản liên quan đến quản lý tài sản công?

Đề xuất sửa Luật Quản lý tài sản công

Trả lời chất vấn đại biểu Dương Minh Ánh về công tác quản lý tài sản công, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, hiện đã có Luật Quản lý tài sản không năm 2017. Sau khi luật được ban hành, Chính phủ đã ban hành 20 Nghị định và Thủ tướng Chính phủ ban hành 3 quyết định, Bộ Tài chính đã ban hành 15 thông tư hướng dẫn tài sản công.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: Khoảng 500 tài sản công đang bỏ không, lãng phí - ảnh 2
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời đại biểu

Bộ trưởng khẳng định, lĩnh vực tài sản công liên quan đến tất cả các ngành, các cấp, từ cấp xã lên đến cấp Trung ương nên phạm vi quản lý rất lớn. Việc quản lý tài sản công thể hiện trách nhiệm của người được giao quản lý tài sản công đối với việc phát huy và sử dụng hiệu quả của tài sản công. Thời gian tới, Bộ Tài chính đang đề xuất Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa Luật Quản lý tài sản công. 

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, lĩnh vực tài sản công liên quan đến tất cả các ngành, các cấp, từ cấp xã lên đến cấp Trung ương nên phạm vi quản lý rất lớn. Việc quản lý tài sản công thể hiện trách nhiệm của người được giao quản lý tài sản công đối với việc phát huy và sử dụng hiệu quả của tài sản công. Bộ Tài chính đang đề xuất Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa Luật Quản lý tài sản công để hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, pháp luật về quản lý tài sản công hiện nay còn chưa bao phủ hết các vấn đề trên thực tiễn. Bộ trưởng lấy dẫn chứng về việc mua tài sản tư để trở thành tài sản công, trong đó có việc mua các dự án BOT.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết trên thực tế, một số dự án BOT được phê duyệt, triển khai nhưng sau đó có sự thay đổi về quy hoạch, hướng tuyến, dẫn đến phương án tài chính hoàn vốn của nhà đầu tư tư nhân gặp khó khăn. Với các dự án BOT này, Nhà nước có thể mua lại để triển khai thu phí hoàn vốn, hoặc sử dụng nguồn ngân sách để bù đắp, tuy nhiên trong luật hiện hành chưa có các quy định về mua tài sản tư để đưa về Nhà nước quản lý.

Bộ Tài chính cho biết đang tham mưu Chính phủ, đề xuất sửa đổi Luật Quản lý tài sản công để bổ sung các quy định pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: Khoảng 500 tài sản công đang bỏ không, lãng phí - ảnh 3
ĐB Đoàn Thị Thanh Mai (Hưng Yên) chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (Hưng Yên) chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã, nhưng việc xử lý nhà đất khi sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, xã còn chậm; nhiều trụ sở hành chính bỏ trống, lãng phí, trong khi còn nhiều cơ quan đang sử dụng chung nơi làm việc.

Gần 1.000 tài sản công chưa được xử lý, trong đó khoảng 500 tài sản công đang bỏ không, lãng phí

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, tài sản công thuộc cấp Trung ương do Chính phủ quản lý, cơ quan tham mưu Chính phủ là Bộ Tài chính và các cơ quan trực tiếp quản lý tài sản công là các bộ, ngành. Còn tài sản công của các cơ quan huyện, xã do UBND tỉnh quản lý.

Đa số tài sản công sau khi sắp xếp thuộc phạm vi quản lý của UBND tỉnh. Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, hiện đã xử lý được khoảng 90% tài sản công, còn 10%, với gần 1.000 tài sản công chưa được xử lý, trong đó khoảng 500 tài sản công đang bỏ không, lãng phí. Nguyên nhân, khi chuyển cho các cơ quan, đơn vị, nhiều cơ quan ở địa bàn khác nhau nên không có nhu cầu. Khi bán tài sản công thì khó tìm được các cơ quan định giá; cũng như khó tìm được người mua trong bối cảnh thị trường trầm lắng như hiện nay.

Để chuyển tài sản công sang mục đích khác thì phải tổ chức đánh giá, trụ sở phải được phê duyệt lại về quy hoạch sử dụng đất và phải chuyển mục đích sử dụng đất hay một loạt các thủ tục khác… Giữa tháng 9 vừa qua, Bộ Tài chính đã hướng dẫn, đôn đốc đồng thời sẽ làm việc các đơn vị liên quan để hướng dẫn thêm trong xử lý các tài sản công này, đảm bảo đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: Khoảng 500 tài sản công đang bỏ không, lãng phí - ảnh 4
Đại biểu Lê Hoàng Anh (Gia Lai) chất vấn Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc

Chất vấn Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, đại biểu Lê Hoàng Anh (Gia Lai) quan tâm đến giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi nhiệm vụ Quốc hội giao về tiết kiệm chi thường xuyên và phòng, chống lãng phí trong sử dụng tài sản công.

Phát biểu tranh luận tại phiên chất vấn, đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) bày tỏ trăn trở về thực trạng đầu tư công quản trị tư, đầu tư tư quản trị công… đang gặp nhiều vướng mắc. Đại biểu Hạ đề nghị cần làm rõ căn cứ vào đâu để các bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định sát nhập nhập truyền hình kỹ thuật số VTC vào VOV?

Sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu về tài sản công để siết chặt quản lý

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc thừa nhận, Luật Tài sản công tuy mới được ban hành, nhưng đã bộc lộ một số bất cập và thời gian tới đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội sửa Luật Tài sản công. Chẳng hạn, luật hiện hành chưa quy định hình thức mua lại tài sản thành tài sản công.

“Như các trạm BOT do thay đổi quy hoạch nên không sử dụng được nữa thì đoạn đường đó sẽ do Nhà nước quản lý, nên mua lại của một số nhà đầu tư tư nhân thì chưa có quy định”, Bộ trưởng Tài chính nói; đồng thời cho biết, Bộ Tài chính đã đề nghị Thủ tướng sửa nhiều nghị định về quản lý, sử dụng tài sản công. Một số đơn vị sự nghiệp công lập khi liên doanh, liên kết, thuê tài sản công sẽ được quy định chặt chẽ, cụ thể hơn.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: Khoảng 500 tài sản công đang bỏ không, lãng phí - ảnh 5
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời các đại biểu

Với chất vấn của đại biểu Lê Hoàng Anh, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, tháng 3, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định thực hành tiết kiệm chống lãng phí thực hiện cho năm nay và các năm tiếp theo. Tuy nhiên, việc này liên quan đến nhiều ngành, cấp nên đúng là "có hơi chậm".

Bộ trưởng Tài chính cho rằng: Cần nâng cao trách nhiệm các cơ quan quản lý tài sản, như sáp nhập xóm, xã thì các cấp phải điều chuyển tài sản công có hiệu quả hoặc bán đi để lấy tiền đầu tư phát triển mới. Bộ trưởng cũng cam kết sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu về tài sản công để siết chặt quản lý.

 

Tin cùng chuyên mục

Hoài Đức: Chung tay trao truyền, tiếp nối dòng chảy di sản

Hoài Đức: Chung tay trao truyền, tiếp nối dòng chảy di sản

(PNTĐ) - Huyện Hoài Đức có 55 di sản văn hoá phi vật thể, bao gồm các loại hình: Nghệ thuật trình diễn, tập quán xã hội, lễ hội truyền thống, tri thức dân gian, di sản ưu tiên bảo vệ và 1 di sản phi vật thể được UNESCO ghi danh. Để bảo vệ, gìn giữ, tạo điều kiện để các loại hình di sản văn hoá phi vật thể huyện Hoài Đức đã tạo không gian thực hành, tiếp cận gần hơn với thế hệ trẻ để trao truyền, tiếp nối dòng chảy di sản văn hoá đáng quý.