Cần nâng cao hiệu quả phòng, chống loại tội phạm mua bán người
(PNTĐ) - Sáng 24/6, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận về Luật Phòng, chống mua bán người, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (Đoàn Hà Nội) đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc làm sao để nâng hiệu quả phòng, chống loại tội phạm mua bán người.
Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (Đoàn Hà Nội)ncho rằng, thời gian qua, Bộ luật Hình sự đã được sửa đổi, trong đó tội mua bán người cũng được sửa đổi theo hướng phạm vi xử lý hình sự với người phạm tội mua bán người càng ngày càng thu hẹp.
Nếu như trước đây chỉ cần có hành vi mua bán người thì người có hành vi đó đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng sau một thời gian thì chúng ta bổ sung thêm mục đích phạm tội; vừa phải có hành vi mua bán người, vừa phải có mục đích thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự và gần đây chúng ta lại bổ sung thêm cả thủ đoạn phạm tội.
Điều này sẽ đặt ra cho các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng một nhiệm vụ ngày càng khó khăn. “Bởi vì chứng minh hành vi phạm tội đã khó, chứng minh thủ đoạn phạm tội lại càng khó và chứng minh mục đích phạm tội lại càng khó hơn nữa. Chính vì vậy việc chúng ta đưa ra xét xử sẽ gặp rất nhiều khó khăn”- đại biểu nhấn mạnh.
Theo đại biểu, Đỗ Đức Hồng Hà, nếu chỉ cần chứng minh hành vi thì có thể 100 bị cáo có hành vi mua bán người đều có thể bị đưa ra xét xử nhưng nếu có thêm mục đích thì số lượng chúng ta chứng minh được sẽ khó khăn hơn, nếu thêm cả thủ đoạn thì càng giảm đi nữa và số đối tượng phạm tội mua bán người bị đưa ra xét xử giảm.
“Có nghĩa là người phạm tội không bị trừng trị và bản thân người phạm tội không bị trừng trị thì chính họ cũng coi thường pháp luật và có nguy cơ tiếp tục phạm tội, đồng thời những người khác thấy người phạm tội không bị trừng trị thì bản thân họ sẽ không bị đe dọa và không răn đe họ”- đại biểu nói.
Đại biểu bày tỏ băn khoăn khi chúng ta sửa Luật Phòng, chống mua bán người, mục đích phòng ngừa riêng và phòng ngừa chung của hình phạt không đạt được và mong muốn làm sao chúng ta phòng, chống tội phạm mua bán người ngày càng có hiệu quả hơn.
Theo đại biểu, muốn phòng, chống mua bán người ngày càng có hiệu quả thì phải tạo thuận lợi cho các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có phạm vi truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội rộng hơn. Thứ nhất, có thể cân nhắc để thu hẹp mục đích, thu hẹp thủ đoạn phạm tội mua bán người. Thứ hai, có thể quy định hành vi chuẩn bị phạm tội mua bán người.
"Với 2 cách như vậy thì mới nâng hiệu quả thực hiện Luật Phòng, chống mua bán người, đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm mua bán người trong thời gian tới"- đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà nhấn mạnh.