Cây đào dâng Bác

Chia sẻ

Ngày nay nếu có dịp đi qua Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, bạn sẽ thấy trước Lăng là một vườn hoa hồng hình chữ nhật quanh năm lá xanh tươi tốt, bốn mùa tỏa ngát hương thơm, hai bên vườn hồng là hai hàng cây đào, đứng thẳng hàng tăm tắp, tán tròn rất đẹp. Đấy chính là loại hoa đặc sản của làng hoa Nhật Tân đã từng được bàn tay Bác trồng chăm sóc.

Cây đào dâng Bác - ảnh 1

Đã từ lâu người dân trong xã Nhật Tân (bấy giờ) muốn dâng lên Bác Hồ một cây đào do chính mình trồng, để trong những phút giây nghỉ ngơi, Bác thưởng thức ngắm hoa mỗi khi mùa xuân đến. Thể theo nguyện vọng của nhân dân, Ủy ban hành chính xã đã báo cáo lên trên để xin ý kiến của Bác. Trong lúc chờ đợi sự chấp nhận của Bác, các cụ phụ lão đã đi khắp 4 thôn trong xã chọn cây đào đẹp nhất để dâng lên Bác.

Theo các cụ trồng hoa lâu năm thì cây đào ấy phải đạt tiêu chuẩn: Chốt thẳng, tán tròn hình mâm xôi, sai nụ, hoa to, dăm nhỏ và đều. Chọn mãi cuối cùng cây đào của gia đình ông Trần Văn Bất và đôi quất của gia đình cụ Chu Văn Tuế ở thôn Đông đã đạt tiêu chuẩn được các cụ vừa ý. 

Sáng ngày 28 tháng Chạp năm Bính Thân (18/1/1957), nguyện vọng chính đáng của nhân dân Nhật Tân đã được toại nguyện. Đồng chí Nguyễn Văn Tự, Bí thư chi bộ kiêm Chủ tịch Ủy ban hành chính xã cùng các cụ Chu Văn Thường, Chu Văn Tuế, Trần Văn Liêm, Nguyễn Văn Tịch, Nguyễn Văn Ruộng, Nguyễn Văn Thục, Nguyễn Thị Chúc, Chu Thị Bảng, Nguyễn Thị Cần đại diện cho nhân dân toàn xã mang cây đào lên dâng Bác.

Đi cùng với các cụ còn có đồng chí Nguyễn Bá Đoàn đại diện Thành ủy và Ủy ban hành chính thành phố. Ô tô đưa các cụ cùng cây đào đến phòng khách của Bác ở Phủ Chủ tịch. Trong lúc các cụ đang ngồi nghỉ ngơi, uống nước thì cánh cửa mở, Bác Hồ tươi cười từ trong nhà đi ra. Tất cả mọi người đứng dậy chào Bác. Bác mời mọi người uống nước và trò chuyện thân mật như người trong gia đình lâu ngày mới gặp lại nhau. Đầu tiên Bác hỏi tình hình sức khỏe và đời sống của nhân dân trong xã. Đồng chí Tự xin phép thay mặt các cụ trả lời:

- Dạ thưa Bác sức khỏe của nhân dân trong xã cháu được trạm y tế của quận đóng tại xã chăm lo tốt; còn đời sống của nhân dân so với trước đã khá hơn, không còn cảnh ăn cơm bữa sáng lo bữa tối nữa, ăn đã đủ no, mặc đủ ấm và được học hành ạ!

Bác hỏi: “Tết năm ngoái các cụ ăn Tết có to không, có phấn khởi không? Tết năm nay, các cụ chuẩn bị đến đâu rồi?...”.

Đồng chí tiếp lời Bác: Dạ thưa Bác, Tết năm ngoái nhân dân xã cháu ăn Tết rất phấn khởi, vì Tết đầu tiên miền Bắc hoàn toàn được giải phóng. Tết năm nay còn phấn khởi hơn vì cải cách ruộng đất đã thắng lợi, nhân dân đã thực sự làm chủ ruộng đất. Toàn xã đã chung đụng 12 con trâu bò để thịt ăn Tết ạ!

Thấy vậy, Bác tỏ ra không vui: Chú cho thịt nhiều trâu bò như thế, mai kia hết trâu bò chú kéo cày thay trâu à!

Mọi người đều thấy thấm thía. Trong lúc đồng chí Tự còn đang lúng túng chưa biết trả lời ra sao, Bác hỏi tiếp: “Thịt thì như vậy, còn bánh chưng thì chú chuẩn bị đến đâu rồi?”. “Dạ thưa Bác, năm ngoái ở xã cháu bình quân mỗi người có 1kg gạo nếp, năm nay bình quân những 2kg cơ ạ!”

Bác bảo: “Chú tổ chức cho nhân dân ăn Tết phấn khởi đấy nhưng phải nhớ tiết kiệm. Vì đất nước còn nghèo lại vừa trải qua chiến tranh còn phải làm nhiều việc lớn”. Bác lại hỏi tiếp: “Tình hình sản xuất của xã ta vụ vừa qua thu hoạch thế nào, có khá hơn không?”. Đồng chí Tự đáp: “Dạ thưa Bác, vụ vừa qua xã cháu thu hoạch tốt hơn năm ngoái ạ. Để chuẩn bị cho sản xuất vụ tới, hiện nay mạ đã gieo xong, ruộng đã cày bừa ngả chuẩn bị cho cấy vụ chiêm”.

Sau khi Bác thăm hỏi tình hình đời sống và sản xuất của nhân dân trong xã, Bác ngắm cây đào rồi hỏi tiếp: “Cây đào này các cụ trồng đã được mấy năm rồi?”.

Đồng chí Tự tuy ở Nhật Tân nhưng lại chưa có kinh nghiệm trồng đào, nghe Bác hỏi vậy đâm ra lúng túng. Sau đồng chí nhanh trí nhìn vào gốc cây đào thấy đã cưa hai lần liền thưa: “Dạ thưa Bác, cây đào này các cụ xã cháu trồng đã được 3 năm rồi ạ!”. “3 năm sao không để gốc lại đem đánh cả gốc sang năm lấy đâu hoa để chơi nữa?” - Bác hơi ngạc nhiên. “Dạ thưa Bác, cây đào đã lớn đem dâng lên Bác muốn để Bác chơi được lâu nên đánh cả gốc ạ...”

Sau đó, thấy Bác còn bận nhiều việc, không muốn để Bác mất thêm nhiều thời gian nữa, đồng chí Tự liền đứng dậy:

- Dạ thưa Bác, cháu xin thay mặt các đồng chí trong chi bộ Đảng, Ủy ban hành chính và toàn thể nhân dân xã Nhật Tân, cùng đoàn đại biểu các cụ phụ lão kính dâng lên Bác cây đào để Bác vui Tết. Xin kính chúc Bác sang năm mới luôn mạnh khỏe để lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân đẩy mạnh sản xuất, xây dựng đất nước và thống nhất nước nhà. Nhân dân xã cháu xin hứa với Trung ương Đảng và Bác chấp hành tốt mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tích cực đẩy mạnh sản xuất để nâng cao đời sống của nhân dân ngày càng được ấm no.

Đồng chí Tự vừa dứt lời, Bác lại tiếp: “Đẩy mạnh sản xuất là cần thiết nhưng phải nhớ tiết kiệm nữa chứ”. “Vâng ạ”- mọi người cùng đồng thanh nói.

Bác tặng mỗi cụ một thiếp chúc mừng năm mới của Bác. Sau đó, Bác đưa cho đồng chí Tự 10 tờ thiếp và dặn: “Chú mang về để tặng các cụ cao tuổi trong xã hộ Bác”.

Cuối cùng, Bác nói rất thân mật: “Xin cảm ơn các cụ và các đồng chí đã đem tặng tôi cây đào để tôi vui Tết. Nhưng sang năm, các cụ thôi không phải đem tặng tôi nữa, tôi sẽ tự trồng cây đào này để có hoa chơi Tết”.

Tết năm đó, các cụ ra đình kể lại cho nhân dân toàn xã về những lời thăm hỏi và căn dặn của Bác Hồ, mọi người vô cùng phấn khởi và hứa ra sức thực hiện. Ý định của các cụ là hàng năm mỗi khi Tết đến sẽ đem dâng lên Bác một cây đào, nhưng thấy Bác căn dặn như vậy từ Tết sau trở đi phải bỏ ý định đó. Nhân dân trong xã cũng không chung đụng thịt trâu, thịt bò mỗi khi Tết đến để thực hành tiết kiệm và bảo vệ sức kéo. Hơn hết bài học giữ lấy gốc đào trong câu chuyện và lời căn dặn ăn Tết tiết kiệm của Người đã trở nên sâu sắc, không chỉ đối với người dân Nhật Tân mà với tất cả mỗi người dân Việt Nam bấy giờ và cả mãi mãi sau này.

Ảnh minh họa. Nguồn INTẢnh minh họa. Nguồn INT

Mỗi dịp Tết đến, Xuân về nhiều gia đình chọn trưng Tết cành đào (cây đào). Bởi hoa đào là biểu tượng của mùa xuân, của ước mơ, hi vọng về một năm mới sức khỏe dồi dào, nhiều điều may mắn. Nhân dịp đón Xuân mới Nhâm Dần, xin gửi đến độc giả câu chuyện “Cây đào dâng Bác” của tác giả Trần Minh Tuấn (rút trong cuốn “Những lần đón Bác” của Ban Sưu tầm lịch sử Đảng Ban Thông tin văn hóa huyện Từ Liêm (cũ), do nhà xuất bản Hà Nội in năm 1984. Đây là một câu chuyện rất giản dị trong muôn vàn câu chuyện kể về Bác Hồ kính yêu và những bài học sâu sắc cùng tấm lòng yêu nước thương dân của Người.

TRẦN MINH TUẤN

Tin cùng chuyên mục

Sẵn sàng cho màn diễu binh hàng không trên bầu trời Điện Biên

Sẵn sàng cho màn diễu binh hàng không trên bầu trời Điện Biên

(PNTĐ) - Sau khoảng 2 tuần khẩn trương luyện tập, đến nay các tổ bay của Trung đoàn 916, Sư đoàn 371; Trung đoàn 930, Sư đoàn 372 và Trung đoàn 917, Sư đoàn 370 (Quân chủng Phòng không Không quân, Bộ Quốc phòng) đã sẵn sàng các điều kiện cho cuộc diễu binh, diễu hành phục vụ Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ vào ngày 7/5.
Phụ nữ Thủ đô hướng về Điện Biên

Phụ nữ Thủ đô hướng về Điện Biên

(PNTĐ) - Hòa chung không khí cả nước kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, các cấp Hội LHPN Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động, trao tặng các công trình, phần việc ý nghĩa, tạo được sức lan tỏa tích cực trong cán bộ hội viên phụ nữ và người dân. Qua đó góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, giá trị lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Bài cuối: Chiến thắng của ý chí và sức mạnh dân tộc

Bài cuối: Chiến thắng của ý chí và sức mạnh dân tộc

(PNTĐ) - 70 năm trôi qua, những bài học từ chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” vẫn còn nguyên giá trị đối với công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước hiện nay. Trong đó, phát huy sức mạnh của “thế trận lòng dân” dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng là một trong những bài học sâu sắc, to lớn nhất thời kỳ đổi mới.
Triệu trái tim hướng về Điện Biên

Triệu trái tim hướng về Điện Biên

(PNTĐ) - Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là dịp để mỗi người dân Việt Nam, kiều bào ở nước ngoài hướng về Điện Biên với mong muốn tìm về cội nguồn chiến thắng và sức mạnh dân tộc với bao cảm xúc tự hào và trân trọng những chiến công lịch sử hào hùng của dân tộc trong “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm…” làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Bởi vậy, Điện Biên tuy xa mà gần gũi, có sức sự lan toả trong tâm hồn mỗi người dân Việt Nam.