Chất vấn tại Quốc hội: “Nóng” về quản lý thị trường vàng, đô la Mỹ

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Mở đầu Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, tiến hành theo cách thức "hỏi nhanh, đáp gọn", ngày 11/11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đã giải đáp nhiều cầu hỏi liên quan đến bình ổn thị trường vàng, lượng kiều hối về Việt Nam.

Khó khăn, thách thức trong điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tín dụng

Phát biểu mở đầu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết kể từ kỳ họp thứ 3, kinh tế thế giới biến động, khó lường; đại dịch Covid-19 được kiểm soát nhưng còn diễn biến phức tạp. 

Chất vấn tại Quốc hội: “Nóng” về quản lý thị trường vàng, đô la Mỹ  - ảnh 1
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn

Những khó khăn kinh tế trong nước, nhất là khó khăn trên thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp đặt ra những khó khăn, thách thức trong điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tín dụng. Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có những nỗ lực và đạt được kết quả tích cực trong điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tín dụng. Dù vậy không tránh khỏi những hạn chế.

Chất vấn Thống đốc, đại biểu Lưu Văn Đức (Đắk Lắk) hỏi đánh giá của Thống đốc Ngân hàng về kết quả thực hiện các giải pháp bình ổn và quản lý thị trường vàng theo chỉ đạo của Thủ tướng?

Chất vấn tại Quốc hội: “Nóng” về quản lý thị trường vàng, đô la Mỹ  - ảnh 2
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) hỏi

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cho biết vừa qua việc bán vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước được người dân đồng tình. Tuy nhiên ngân hàng chỉ bán ra mà không mua vào nên người dân có nhu cầu không biết bán ở đâu. Nguyên nhân do đâu? Đại biểu cũng hỏi tại sao chỉ triển khai bán vàng ở TP.HCM và Hà Nội mà không bán nhiều nơi cho dân được mua?

Đại biểu cũng hỏi hiện nay lượng kiều hối về Việt Nam rất nhiều, người dân gửi vào ngân hàng lại phải chịu lãi suất 0 đồng, trong khi Ngân hàng Nhà nước đi vay nước ngoài phải trả lãi, vậy sao không vay trả lãi cho dân?

Vì sao chỉ bán mà không mua vàng miếng?

Lý giải về quản lý và bình ổn thị trường vàng mà đại biểu Lưu Văn Đức đưa ra, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay thị trường vàng biến động, từ năm 2021 giá vàng thế giới tăng cao. Thực tế Ngân hàng Nhà nước chưa can thiệp trong thời gian này. Nhưng sau đó đến tháng 6/2024, giá vàng tiếp tục tăng ở mức rất cao. Trước khi can thiệp giá vàng từ 2.300-2.400 USD/ounce, chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế tăng cao nên Chỉnh phủ đã chỉ đạo quyết liệt về việc giảm chênh lệch. Vì vậy Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện đấu thầu và can thiệp 9 phiên đấu thầu.

Chất vấn tại Quốc hội: “Nóng” về quản lý thị trường vàng, đô la Mỹ  - ảnh 3
Các đại biểu dự kỳ họp

Song do giá vàng thế giới lập đỉnh khá cao, nên để thu hẹp khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới, Ngân hàng Nhà nước đã dùng biện pháp bán trực tiếp qua 4 ngân hàng thương mại. Phương án này giúp chênh lệch giá vàng giảm từ 15-18 triệu đồng/lượng chỉ còn 3-4 triệu đồng/lượng.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, do nước ta không sản xuất vàng nên việc can thiệp còn phụ thuộc nhập khẩu vàng quốc tế và do diễn biến khó lường nên Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi sát thị trường thế giới để có chính sách ổn định thị trường vàng.

Trả lời câu hỏi về việc Ngân hàng Nhà nước chỉ bán mà không mua, Thống đốc giải thích Ngân hàng Nhà nước cung vàng do nhu cầu gia tăng, chưa đặt vấn đề mua lại, mà tập trung thực hiện giải pháp tăng cung vàng.

Hiện đã có 22 tổ chức tín dụng và 16 đơn vị kinh doanh mua bán vàng, vẫn diễn ra hoạt động mua bán bình thường. Việc doanh nghiệp không mua vàng cá nhân có thể vì một vài lý do như cân đối tiền.

Nhu cầu mua bán vàng chủ yếu ở Hà Nội, TP.HCM và thành phố lớn, Thống đốc cho hay Ngân hàng Nhà nước chỉ cấp phép kinh doanh mua bán vàng chứ không quy định bắt buộc ở địa điểm nào. 

Doanh nghiệp và tổ chức tín dụng xem xét đánh giá nhu cầu tỉnh thành và mở điểm mua bán vàng miếng. Qua tổng hợp nhu cầu mua bán chủ yếu là Hà Nội, TP.HCM và thành phố lớn còn các tỉnh thành khác không có tình trạng xếp hàng mua bán vàng miếng.

Giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng ảnh hưởng bão Yagi

Trả lời câu hỏi của đại biểu Ma Thị Thúy về chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sau bão Yagi, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay trên cơ sở khảo sát hai tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề là Hải Phòng và Quảng Ninh, cho thấy khách hàng chịu ảnh hưởng với dư nợ là 12.000 tỉ đồng; cũng như đánh giá mức độ thiệt hại dư nợ và người dân đã vay tại 26 tỉnh thành phố, số dư nợ tín dụng là 190.000 tỉ đồng. Từ đó, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo giải pháp tháo gỡ khó khăn như cơ cấu khoản nợ, giữ nguyên nhóm nợ.  

Còn với khách hàng vay vốn chịu tác động bởi bão, Ngân hàng Nhà nước đang hoàn thiện bước cuối cùng ban hành thông tư mới để cơ cấu lại khoản nợ và giữ nguyên nhóm nợ; xem xét miễn giảm lãi cho doanh nghiệp và người dân, thực hiện an sinh xã hội với tổng giá trị là 40 tỉ đồng.

Cùng đó, có 35 tổ chức tín dụng công bố với giá trị 195.000 tỉ đồng để cho vay ưu đãi hơn. Tính đến 31-10, cho vay mới ưu đãi 27.000 tỉ đồng và hạ lãi suất cho khoản vay hiện hữu với dư nợ 82.000 tỉ đồng; hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân lĩnh vực nông nghiệp nông thôn…

Áp lãi suất 0% để tránh đầu cơ, găm giữ và đô la hóa nền kinh tế

Về lý do áp lãi suất 0% với đồng đô la Mỹ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết trước đây thị trưởng ngoại hối, tỉ giá của Việt Nam trải qua những biến động, gây bất ổn kinh tế vĩ mô. 

Chất vấn tại Quốc hội: “Nóng” về quản lý thị trường vàng, đô la Mỹ  - ảnh 4
Quang cảnh kỳ họp

Từ năm 2016, Ngân hàng Nhà nước áp dụng nhiều biện pháp đồng bộ, trong đó có giải pháp quan trọng về kiên định điều hành theo mục tiêu kiểm soát lạm phát, giữ ổn định giá trị Việt Nam đồng. 

Cùng với đó có những chính sách kết hợp chính sách lãi suất và tỉ giá để sao cho việc nắm giữ Việt Nam đồng hấp dẫn và có lợi hơn. 

Theo đó lãi suất đô la Mỹ đưa về 0% và thực hiện các giải pháp để ổn định tỉ giá, ban hành các thông tư hạn chế doanh nghiệp mua trước khi có nhu cầu về ngoại tệ.

Đặc biệt Ngân hàng Nhà nước điều hành tỉ giá trên cơ sở tỉ giá trung tâm, hàng ngày có biến động lên xuống, giúp giảm tình trạng đầu cơ, găm giữ ngoại tệ và giảm tình trạng đô la hóa nền kinh tế. 

Theo đó doanh nghiệp và người dân có đô la bán cho tổ chức tín dụng để bán lại cho Ngân hàng Nhà nước. Vì thế dự trữ ngoại hối Nhà nước mới gia tăng có lúc lên đến hàng trăm tỉ đô la Mỹ (cuối 2015 chỉ có khoảng 30 tỉ đô la Mỹ).

"Chúng tôi thấy đây là giải pháp chính sách rất hiệu quả và rất tốt, có hiệu quả cho ổn định kinh tế vĩ mô. Còn bây giờ tăng lãi suất gửi ngoại tệ lên có nghĩa người nắm giữ ngoại tệ vừa được hưởng lợi về những biến động tỉ giá, còn được lãi suất tiền gửi có thể gây tâm lý chuyển dịch từ VNĐ sang ngoại tệ, gây rủi ro trở lại".

Tin cùng chuyên mục