“Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không 1972”: Sức mạnh Việt Nam và tầm vóc thời đại”
(PNTĐ) - Ngày 9/12/2022, Bộ Quốc Phòng chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công an và thành phố Hà Nội đã tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không 1972”: Sức mạnh Việt Nam và tầm vóc thời đại”.
Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo.
Tham dự hội thảo có các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng: Đại tướng Phạm Văn Trà, Đại tướng Ngô Xuân Lịch; Thượng tướng Phạm Thanh Ngân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam…
Đại biểu thành phố Hà Nội có đồng chí Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, đồng Trưởng ban Chỉ đạo hội thảo; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Doãn Toản; Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng...
Thượng tướng, Tiến sĩ Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban Chỉ đạo hội thảo phát biểu khai mạc Hội thảo cho biết: Cuối tháng 12-1972, chính quyền Mỹ đã huy động gần 50% số máy bay chiến lược B-52 mà Mỹ có, cùng hàng nghìn lượt máy bay chiến thuật tập trung đánh phá Hà Nội, Hải Phòng và các thành phố, thị xã, mục tiêu quan trọng ở miền Bắc; đồng thời tiếp tục thả thủy lôi phong tỏa cảng Hải Phòng. Đây là những cuộc ném bom dữ dội nhất của Mỹ trong chiến tranh xâm lược Việt Nam và là một trong những cuộc tập kích có cường độ cao nhất trong lịch sử các cuộc chiến tranh. Trong 12 ngày đêm, Mỹ đã thả hơn 36 nghìn tấn bom, vượt quá khối lượng bom đã ném xuống miền Bắc trong toàn bộ thời kỳ từ năm 1969 đến 1971.
Song, với ý chí quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược, trong 12 ngày đêm (từ ngày 18-12 đến 29-12-1972), quân và dân miền Bắc đã tiến hành Chiến dịch phòng không Hà Nội - Hải Phòng, đánh bại cuộc tập kích của Mỹ, bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 máy bay B-52, làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, buộc chính quyền Mỹ phải tuyên bố ngừng ném bom đánh phá miền Bắc và ký kết Hiệp định Paris, rút hết quân viễn chinh về nước, góp phần tạo bước ngoặt quyết định và thời cơ chiến lược để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta nỗ lực đưa sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn.
Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, Đại tướng Lương Cường nhấn mạnh: Cách đây tròn 50 năm, vào những ngày cuối tháng 12-1972, cả thế giới phải kinh ngạc, kính phục chứng kiến uy danh “pháo đài bay B.52” - biểu tượng sức mạnh của không lực Hoa Kỳ bị đập tan trên bầu trời Hà Nội. Mảnh đất Thăng Long - Đông Đô - nơi lắng hồn núi sông ngàn năm lại ghi thêm một chiến công hiển hách trong những chiến công vĩ đại nhất của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ 20, đó là “Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.
Chiến công trên bầu trời Hà Nội cuối năm 1972 là kết quả của Chiến dịch phòng không Hà Nội - Hải Phòng, đánh bại cuộc tập kích chiến lược đường không quy mô lớn nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai; buộc chính quyền Mỹ phải tuyên bố ngừng ném bom đánh phá miền Bắc, ký kết Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, rút hết quân viễn chinh về nước; tạo nên bước ngoặt quan trọng để quân và dân ta đưa sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã thể hiện khí phách anh hùng, bản lĩnh, trí tuệ, là bản hùng ca được viết bằng ý chí và sức mạnh của con người Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, quyết chiến đấu vì thống nhất non sông, vì độc lập, tự do cho dân tộc; là thắng lợi minh chứng cho sự lãnh đạo tài tình của Đảng và dự báo thiên tài của Bác Hồ: “Đế quốc Mỹ chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.
Tại hội thảo, các đại biểu đã phân tích làm rõ bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế, đặc biệt là những thắng lợi mà quân và dân ta ở miền Nam giành được trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972; khẳng định tầm nhìn chiến lược, chủ trương đúng đắn và sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương; sự chỉ đạo, chỉ huy, điều hành xuất sắc của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Quân chủng Phòng không - Không quân.
Nhiều tham luận cũng đã góp phần tái hiện cuộc chiến đấu ngoan cường, anh dũng, tinh thần chủ động, sáng tạo, trí thông minh và lòng quả cảm tuyệt vời, tích cực khắc phục khó khăn, chịu dựng gian khổ, hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an, dân quân tự vệ và Nhân dân trên các địa bàn bị địch đánh phá; những chiến công oanh liệt của các tập thể, cá nhân; phân tích làm rõ nét độc đáo, sáng tạo của nghệ thuật quân sự Việt Nam nói chung, nghệ thuật chiến dịch phòng không nói riêng; những thành công của công tác đảng, công tác chính trị trong xây dựng ý chí, quyết tâm, động viên chính trị, tinh thần để các lực lượng, cán bộ, chiến sĩ “dám đánh, biết đánh và đánh thắng” cuộc tập kích vô cùng ác liệt của không quân Mỹ. Tập trung làm rõ vai trò, đóng góp to lớn của các lực lượng quân đội, công an, dân quân tự vệ và đông đảo Nhân dân trong cuộc đấu trí, đấu lực với kẻ thù trên bầu trời Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương khác.
Các đại biểu cũng phân tích làm rõ nguyên nhân thắng lợi, đúc rút những kinh nghiệm và bài học lịch sử, đặc biệt là những vấn đề mới đặt ra đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc nói chung, bảo vệ vùng trời, vùng biển, biên giới, hải đảo của Tổ quốc hiện nay nói riêng.
Thượng tướng, Tiến sĩ Lê Huy Vịnh khẳng định, hội thảo khoa học là hoạt động thiết thực kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ôn lại truyền thống đấu tranh anh dũng của các thế hệ cha anh, tưởng nhớ đến đồng bào, đồng chí đã chiến đấu và anh dũng hy sinh trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại và trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Kết quả của cuộc hội thảo sẽ góp phần hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí độc lập, tự chủ, tự cường và khát vọng hòa bình, củng cố niềm tin và quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, phủ nhận sự nghiệp đấu tranh cách mạng vĩ đại của nhân dân ta. Đồng thời, thông qua hội thảo, giúp chúng ta nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn về tầm vóc, ý nghĩa lịch sử cũng như những bài học kinh nghiệm vận dụng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay.