Chung tay để trẻ em không bị bỏ lại phía sau
(PNTĐ) - Nhận thức rõ vai trò đặc biệt quan trọng của trẻ em đối với gia đình và xã hội, những năm qua, nước ta đã và đang có nhiều nỗ lực trong công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn những mảnh đời khó khăn, bất hạnh, rất cần sự chung tay góp sức thường xuyên của cả cộng đồng.
Nhiều trẻ em khó khăn, mồ côi vươn lên học giỏi
Phạm Phương Linh, trường THCS Ngô Quyền, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đang sống trong gia đình có 4 người gồm bố mẹ và hai chị em em. Bố Linh mắc bệnh tâm thần, lúc tỉnh táo, ông đi đánh giày dạo. Thu nhập chính trong gia đình phụ thuộc vào nghề công nhân sản xuất khoá của mẹ. Để trang trải cho cuộc sống gia đình với 4 miệng ăn và hai con đang học, sau giờ làm ở công ty, mẹ Linh còn phải làm thêm công việc dọn dẹp vệ sinh ở các trường học, hôm nào cũng 7-8 giờ tối mới về đến nhà.
Ý thức hoàn cảnh của mình, Linh luôn cố gắng phấn đấu trong học tập và giúp đỡ bố mẹ. Năm học nào, Linh cũng đạt học sinh giỏi và xuất sắc. Năm học 2022-2023, Linh thi đỗ vào trường THPT Hai Bà Trưng mà cô bé mơ ước. Em còn dạy em trai học bài, dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm giúp mẹ. “Con luôn tự giác học bài, không để bố mẹ quá lo lắng cho con. Chúng con sẽ cố gắng học tập thật tốt vì tương lai sau này, và để giúp đỡ bố mẹ không phải vất vả nữa” – Linh cho biết.
Em Trần Quốc Tùng (phường Thanh Xuân Nam, Thanh Xuân, Hà Nội) sinh ra trong gia đình khó khăn, mẹ mất năm 2019 vì ung thư. Năm học vừa qua. Tùng đạt học sinh xuất sắc cũng như giải Toán của trường và của quốc gia. “Em biết là không nên so sánh hoàn cảnh của mình với người khác. Điều em cần làm là luôn tự tin, cố gắng để thực hiện ước mơ của mình. Ước mơ của em là sau này trở thành một bác sĩ giỏi để chữa bệnh cho mọi người” – Tùng xúc động nói khi nhớ lại quãng thời gian mẹ em phải chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác mà không thể chữa trị được.

Em Hoàng Minh Tâm, học sinh lớp 8 trường THCS Cự Khối, Long Biên, Hà Nội có hoàn cảnh vô cùng đặc biệt. Nhà sư Đàm Hằng, chùa Xuân Đỗ, phường Cự Khối “nhặt” được em trước cổng chùa giữa trưa nắng tháng 7 cách đây 13 năm. Lúc đó, em vừa được 1 ngày tuổi, nặng hơn 1kg, còn nguyên dây rốn được người mẹ bọc trong cái thùng xốp để trước cổng chùa với lời nhắn: “Con là sinh viên, bị lỡ và không nuôi được. Con mong chùa nhận nuôi và không quay lại nhận con”.
Nhìn cháu bé tím tái cùng 300 nghìn đồng người mẹ để lại, sư thầy không khỏi xót xa. Thầy Đàm Hằng kể, thầy đã cùng một số sư bác trong chùa đưa cháu bé vào ủ ấm, rồi đưa sang Bệnh viện Bà mẹ trẻ em khám, nuôi lồng kính 1 tháng. Các già trong làng đã hỗ trợ nuôi dưỡng, cho sữa, quần áo để thầy nuôi bé. “Con có duyên với chùa thì chùa nhận nuôi. Được Phật thương, con cũng không ốm đau gì. Thầy cho con đi học văn hoá, về chùa, con lại đam mê Phật pháp, tụng kinh niệm Phật, quét sân chùa hộ thầy” - thầy Đàm Hằng nói.
Bày tỏ cảm xúc, sư thầy cho biết con thiệt thòi hơn những bạn khác nhưng lại rất có ý chí. “Lúc đầu, tôi tưởng không nuôi được. Thế mà giờ con đã lớn bằng ngần này rồi. 8 năm nay, con đều là học sinh xuất sắc của trường, năng động tham gia các hoạt động đoàn thể, công tác xã hội trong và ngoài trường học” - thầy Đàm Hằng tự hào.
Nhận được sự chia sẻ từ thầy Đàm Hằng, Minh Tâm luôn biết ơn công dưỡng dục của thầy nên cố gắng để học thật tốt. “Em may mắn khi được thầy nhận nuôi dưỡng, chăm sóc chu đáo. Bình thường sau giờ học, em lên chùa quét dọn, phụ mọi người một số việc ở chùa. Thời gian rảnh, em tự học tập để đạt thành tích cao, không để ai phải bận lòng vì em. Thầy luôn động viên em học tập tốt. Em muốn gửi lời cảm ơn tới tất cả mọi người đã giúp đỡ em trong cuộc đời, các hành trình để em đi tới được thành công. Em hứa sẽ cố gắng học tập thật tốt để được mọi người được yên tâm” – Hoàng Minh Tâm xúc động nói.
Chắp cánh cho “những cánh én nhỏ” bay xa…
Hoàn cảnh khó khăn, cơ cực đã cướp đi tuổi thơ của nhiều em nhỏ. Hai chị em Hương và Quỳnh một hoàn cảnh vô cùng đặc biệt ở xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Hương là chị gái, năm nay học lớp 12, còn Quỳnh – em gái, học lớp 8 nhưng đều còi cọc và bé nhỏ hơn bạn cùng trang lứa. Trong khi các bạn cùng trang lứa được sống đầy đủ trong tình yêu thương của cả cha lẫn mẹ thì hai em đang phải cùng chống chọi với căn bệnh về máu quái ác. Bố mẹ em phải lo từng chút một cho các em.
Mồ côi bố từ nhỏ, mẹ có cuộc sống mới, Thái Bảo - cậu học trò nhỏ ở xã Xuy Xá, huyện Mỹ Đức phải sống với bà ngoại. Bà ngoại Thái Bảo đã già yếu mà vẫn phải bươn chải mưu sinh chăm lo cho em ăn học nên cuộc sống của hai bà cháu không thể đủ đầy. Tuổi thơ Thái Bảo thiếu đi hơi ấm tình thương của bố mẹ. Vì thế, dù đang ở “tuổi thần tiên” nhưng hiếm khi Bảo nở nụ cười. Ấn tượng mà Bảo mang đến cho người đối diện là ánh mắt đượm buồn nhưng toát lên đầy nghị lực, quyết tâm.

May mắn hơn Thái Bảo là có đủ tình yêu thương của bố mẹ, song hoàn cảnh cậu học trò Quang Hưng ở xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ cũng không bớt khó khăn hơn khi cả bố lẫn mẹ của em đều mắc bệnh hiểm nghèo. Mẹ em bị di chứng chất độc da cam còn bố bị bệnh máu trắng. Kinh tế gia đình khó khăn, điều kiện học tập và vui chơi của Quang Hưng cũng thiếu thốn hơn nhiều so với các bạn cùng trang lứa…
Trên đây chỉ là một trong số rất nhiều câu chuyện về những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn thành phố Hà Nội. Vì nhiều nguyên nhân, điều kiện khác nhau mà các em, có em lên năm, lên ba, có em vừa mới sinh ra phải đối diện những khó khăn, cơ cực, sớm đối diện với những năm tháng tuổi thơ thiếu vắng niềm vui.
Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Hà Nội, hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 12.765 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và 30.501 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.
Đồng hành và chia sẻ với các em, trong những năm qua, công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em luôn được Thành phố đặc biệt quan tâm, nhất là đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Năm 2022, với sự tham mưu của Sở LĐTBXH Hà Nội, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 25/2022/NQ-HĐND, trong đó có quy định mức tặng quà của Thành phố tới các đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nhân ngày Quốc tế thiếu nhi và Tết Trung thu từ nguồn ngân sách, mỗi em 500 ngàn đồng/em/ngày.
Năm 2023, thành phố Hà Nội cũng có nhiều hoạt động nổi bật hướng về trẻ em như tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em. Tại Lễ phát động, Thành phố đã tặng quà, học bổng cho 740 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đạt thành tích tốt trong học tập, trẻ em của các xã vùng dân tộc, miền núi và trao tặng trang thiết bị vui chơi cho 2 đơn vị với tổng kinh phí là 1.358 triệu đồng. Nhân dịp 1/6 năm nay, đã có 12.811 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn Thành phố được tặng quà.
Cùng với đó, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội chỉ đạo Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội vận động các nhà hảo tâm tặng học bổng, xe đạp và quà cho các em. Nhân Tháng hành động vì trẻ em năm 2023, Hội đồng Bảo trợ Quỹ Bảo trợ trẻ em Thành phố đã tặng quà cho hơn 1.300 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hoàn cảnh khó khăn với tổng kinh phí hơn 2,3 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, còn có nhiều chương trình, hoạt động có ý nghĩa khác thiết thực chăm lo cho các em được Thành phố tổ chức hàng năm như: Chương trình gặp mặt trẻ em Thủ đô tiêu biểu vượt khó học tốt"; Giao lưu giữa nhà tài trợ với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hoàn cảnh khó khăn; trao tặng thiết bị vui chơi; khám sàng lọc và phẫu thuật bệnh tim bẩm sinh cho trẻ em; khám sàng lọc và phẫu thuật vùng hàm mặt cho trẻ em, những vấn đề nóng về xâm hại và bạo lực trẻ em…
Thời gian qua, Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội đã tổ chức cho 12 lớp trang bị kỹ năng sống và hướng nghiệp cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hoàn cảnh khó khăn tại các cơ sở bảo trợ xã hội và các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội tại địa bàn các huyện Phúc Thọ, Mỹ Đức, Thạch Thất, Gia Lâm…
Tại chương trình gặp mặt trẻ em tiêu biểu Thủ đô vượt khó học tốt do Hội đồng bảo trợ Quỹ bảo trợ trẻ em Thành phố tổ chức vừa qua, ông Nguyễn Hồng Dân - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội đồng bảo trợ Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội cho biết, đến nay đã có gần 1.200 trẻ em được tham gia Chương trình. “Đây là việc làm có ý nghĩa thiết thực nhằm động viên những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, khích lệ tinh thần hiếu học của các cháu. Hoạt động này đã được dư luận xã hội, các cơ quan truyền thông, đặc biệt là các em học sinh đánh giá cao và mong rằng sẽ tiếp tục duy trì, mở rộng hơn nữa trong những năm tiếp theo”, ông Nguyễn Hồng Dân cho biết.