Cơ chế mới ở Luật Thủ đô 2024 sẽ mở lối cho Hà Nội trọng dụng người tài
(PNTĐ) - TP Hà Nội là nơi tập trung 100 trường đại học, cao đẳng, trong đó có nhiều trường đại học lớn hàng đầu. Số lượng giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học chiếm khoảng 65% cả nước. Cơ chế mới ở Luật Thủ đô 2024 sẽ mở lối cho TP trọng dụng người tài và không để lãng phí chất xám nguồn nhân lực chất lượng cao.
Nơi hội tụ các nhân tài của cả nước
Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022, của Bộ Chính trị về Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nhấn mạnh về việc xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước và quốc tế.
Hà Nội có nguồn lực con người to lớn, với trên 51,7% dân số trẻ, tập trung nhân tài, trí tuệ của cả nước với hơn 70% trường đại học, trung tâm nghiên cứu, học viện; số nhà khoa học đầu ngành, giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ và tiến sĩ khoa học đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội, chiếm hơn 65% tổng số các nhà khoa học trong cả nước; 80% số phòng nghiên cứu khoa học trọng điểm của cả nước nằm trên địa bàn; có 2 khu công nghiệp công nghệ cao 6; có trên 150 doanh nghiệp khoa học công nghệ (đứng đầu cả nước)…

Khoản 2 Điều 16 Luật Thủ đô quy định: HĐND Thành phố quyết định các chính sách về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô như: Ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đạt trình độ khu vực và quốc tế ở các ngành, lĩnh vực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô trong từng giai đoạn.
Sử dụng ngân sách thành phố để hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị của cơ sở đào tạo trọng điểm quốc gia trên địa bàn thành phố; Sử dụng ngân sách thành phố để hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng nghề tại các cơ sở đào tạo của nước ngoài cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thành phố quản lý, học sinh, sinh viên của các cơ sở giáo dục, đào tạo trên địa bàn.
Ban Chỉ đạo 57 của Thành ủy gồm 18 thành viên, do Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài làm Trưởng ban đã thống nhất quan điểm cần quyết liệt xây dựng “hệ sinh thái” Khu công nghệ cao Hòa Lạc, biến nơi đây thành “quả đấm thép” tạo đột phá phát triển khoa học công nghệ Thủ đô.
Bên cạnh đó, Thành phố có cơ chế chính sách triển khai thực hiện như cơ chế thu hút nhân tài, có thể nhập tịch, miễn visa cho chuyên gia nước ngoài; cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ, nhóm sản phẩm; cơ chế khuyến khích sáng tạo, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm; vận dụng các cơ chế mới vừa được Quốc hội thông qua và Luật Thủ đô 2024 vào thực hiện…
Tại phiên họp này, đồng chí Bùi Thị Minh Hoài đã chỉ đạo, thời gian tới, Ban Chỉ đạo và các cơ quan thành phố phải chung sức, đồng lòng và quyết tâm triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TƯ, trọng tâm là tháo gỡ những “điểm nghẽn” về cơ chế chính sách, xây dựng hệ thống cơ chế chính sách mới nhằm thực hiện được Chương trình hành động của Ban Chỉ đạo; quan điểm xây dựng cơ chế, chính sách là phải tạo điều kiện thu hút đầu tư, thu hút nhân tài không giới hạn là công dân Hà Nội, doanh nghiệp Hà Nội, miễn là đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn, thúc đẩy Thủ đô phát triển.
Luật Thủ đô đã đặt nền móng cho sự phát triển bền vững của Hà Nội với những cơ chế và chính sách đặc thù
Bà Phạm Thị Thanh Hương – Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội cho biết, Luật Thủ đô năm 2024 đã chính thức được Quốc hội thông qua ngày 28/6/2024. Luật Thủ đô là niềm phấn khởi, tự hào lớn lao không chỉ đối với toàn thể nhân dân Hà Nội, mà còn đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đang công tác trên địa bàn Thủ đô. Mở ra những cơ chế đột phá và quyền lợi chính sách mới.

Việc Quốc hội thông qua Luật Thủ đô là dấu mốc quan trọng, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Trung ương đối với Hà Nội – trái tim của cả nước, trung tâm chính trị, hành chính, văn hóa và khoa học lớn nhất cả nước.
Ngay sau khi Luật được Quốc hội thông qua, Thành ủy đã ban hành Chỉ thị số 37 về đẩy mạnh tuyên truyền Luật Thủ đô. UBND thành phố ban hành đã ban hành các văn bản về tuyên truyền, phổ biến và tập huấn Luật Thủ đô và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đặc biệt đã phát động phong trào tuyên truyền cao điểm để Luật đi vào cuộc sống với phương châm "tuyên truyền sớm, sâu rộng, hiệu quả và đến đúng đối tượng".
Bên cạnh công tác tuyên truyền, Hà Nội cũng đã và đang tích cực xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để cụ thể hóa 9 nhóm chính sách đặc thù theo quy định của Luật Thủ đô.
Trong thời gian vừa qua, HĐND Thành phố đã thông qua ban hành nhiều Nghị quyết quan trọng. Các nội dung trọng tâm bao gồm chính sách thu hút nhân tài, phát triển giáo dục, y tế, quy hoạch kiến trúc, bảo tồn khu phố cổ, hạ tầng giao thông, và các chính sách huy động nguồn lực đầu tư, phát triển văn hóa – xã hội phù hợp với đặc thù Thủ đô.
Đáng chú ý là quy định về dùng quỹ lương của Thành phố tăng thu nhập cho đội ngũ cán bộ, công chức, người làm việc trong các cơ quan, tổ chức chính trị xã hội… mà thuộc ngân sách thành phố đảm bảo chi thường xuyên.
Với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cấp, ngành và toàn thể nhân dân, Luật Thủ đô 2024 sẽ ngày càng sâu rộng vào cuộc sống và tạo động lực mạnh mẽ để xây dựng Thủ đô Hà Nội phát triển toàn diện, xứng tầm khu vực và thế giới.
Việc tuyển dụng thu hút người tài được thực hiện trong Luật Thủ đô. Khoản 1, điều 16 của Luật Thủ đô quy định trọng dụng thu hút người tài, Luật Thủ đô đa dạng hóa các hình thức thu hút người tài. Tại khoản 2 Điều 16 Luật Thủ đô 2024, Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định các chính sách về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô:
Thứ nhất, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đạt trình độ khu vực và quốc tế ở các ngành, lĩnh vực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô trong từng giai đoạn;
Thứ hai, là sử dụng ngân sách Thành phố để hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị của cơ sở đào tạo trọng điểm quốc gia trên địa bàn Thành phố;
Thứ ba là sử dụng ngân sách Thành phố để hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng nghề tại các cơ sở đào tạo của nước ngoài cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Thành phố quản lý, học sinh, sinh viên của các cơ sở giáo dục, đào tạo trên địa bàn Thành phố.
Khoản 1 Điều 16 Luật Thủ đô 2024 quy định về việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và trọng dụng nhân tài ở Thủ đô Hà Nội. Theo đó, công dân Việt Nam có phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực vượt trội, có kinh nghiệm thực tiễn, đang làm việc ở trong nước, ở ngoài nước có công trình, sản phẩm, thành tích, công trạng hoặc cống hiến đặc biệt để phát triển một lĩnh vực, một ngành của Thủ đô được xét tuyển, tiếp nhận vào làm công chức, viên chức.
Công dân Việt Nam có đủ tiêu chuẩn quy định trên được ký hợp đồng để thực hiện công việc chuyên môn, nghiệp vụ hoặc đảm nhiệm chức vụ quản lý, điều hành tại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của Thành phố. Đối với người nước ngoài có trình độ chuyên môn cao, nhiều kinh nghiệm thực tiễn, có công trình hoặc sản phẩm đã được nghiệm thu, công nhận, ứng dụng đem lại hiệu quả cao thì được ký hợp đồng để thực hiện nhiệm vụ xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô.