Công bố quyết định Lễ hội làng Chử Xá là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Sáng 7/2, UBND huyện Gia Lâm long trọng tổ chức khai mạc Lễ hội làng Chử Xá, xã Văn Đức năm 2023 và công bố quyết định lễ hội làng Chử Xá là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Dự buổi lễ có Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, cùng đại diện lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Gia Lâm và đông đảo nhân dân xã Văn Đức, huyện Gia Lâm.

Công bố quyết định Lễ hội làng Chử Xá là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia  - ảnh 1
Các đồng chí lãnh đạo thành phố Hà Nội, lãnh đạo huyện Gia Lâm dâng hương tại đình Chử Xá, xã Văn Đức

Làng Chử Xá, xã Văn Đức, huyện Gia Lâm là quê hương của Đức thánh Chử Đổng Tử, làng  còn có tên nôm là Làng “Sứa”. Chử Xá được biết đến từ năm 1466, đời Lê Thánh Tông, với tên gọi là Chử Xá châu thuộc Văn Giang, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc.

Từ năm 1822 (triều Nguyễn, đời Minh Mệnh) đến năm 1945, Chử Xá thuộc tổng Đại Quan huyện Văn Giang thuộc trấn Bắc Ninh sau đổi thành tỉnh Bắc Ninh. Sau đó Văn Giang về tỉnh Hưng Yên, Chử Xá thuộc về địa phận tỉnh mới. Từ năm 1960, Chử Xá cùng hai làng Trung Quan và Sơn Hô (vốn cùng tổng Đại Quan cũ) được lập thành xã Văn Đức thuộc huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội.

Công bố quyết định Lễ hội làng Chử Xá là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia  - ảnh 2
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong dâng hương tại đình Chử Xá, xã Văn Đức, huyện Gia Lâm

Theo di sách cổ xưa và các công trình nghiên cứu về Chử Đồng Tử của các nhà khoa học đương thời, Chử Đồng Tử được gắn với truyền thuyết về một chàng trai được sinh ra tại làng Chử Xá có bố là Chử Cù Vân và mẹ là Bùi Thị Gia, một chàng trai hiếu nghĩa với cha mẹ, có tình duyên “đẹp như mơ”, vượt trên tiền tài, địa vị để kết duyên chồng vợ với Tiên Dung công chúa - con gái vua Hùng Vương.

Công bố quyết định Lễ hội làng Chử Xá là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia  - ảnh 3
Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Hồng khai mạc Lễ hội làng Chử Xá

Phát biểu khai mạc Lễ hội làng Chử Xá, xã Văn Đức năm 2023, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Hồng thông tin, 18 tháng Giêng” là ngày chính của Lễ hội làng Chử Xá được nhân dân địa phương và du khách thập phương gọi là “Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung”. 

 Đây là lễ hội gắn với tục thờ một trong “Tứ thánh bất tử” của Tín ngưỡng dân gian Việt Nam - Đức Thánh Chử Đồng Tử. Lễ hội Chử Đồng Tử được tổ chức ngay sau khi xây dựng xong Đình thờ đức Thánh vào năm Quang Thuận thứ 7 (1466) triều Lê Thánh Tông.

Công bố quyết định Lễ hội làng Chử Xá là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia  - ảnh 4
Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Hồng đánh trống khai hội

Lễ hội Chử Đồng Tử -Tiên Dung tại làng Chử Xá với những nét đẹp riêng có đã tạo nên sức hút đối với khách muôn phương rủ nhau cùng về sau mỗi dịp Tết cổ truyền dân tộc.

Công bố quyết định Lễ hội làng Chử Xá là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia  - ảnh 5
Các đại biểu cùng đông đảo nhân dân dự Lễ khai mạc Lễ hội làng Chử Xá, xã Văn Đức

Nét đặc sắc của Lễ hội với các hoạt động như: Rước nước tại sông Hồng; tế tổ các vị thành hoàng làng (Long ngai và bài vị của Đức Thánh Chử và nhị vị phu nhân được khoác trang phục áo vương, áo hậu có thắt đai, đội mũ, đi hài, đặt trên kiệu làm lễ tế; ban tế gồm 18 người với trang phục áo dài lễ màu lục, quần trắng và đi hài thêu rồng làm lễ dâng hương, rượu trong hậu cụng theo điều khiển của các ông đông xướng, tây xướng; trong khi đội tế nam hành lễ, phía đằng sau là đội múa sinh tiền múa hầu thánh); dâng hương (ban tế nữ với 18 người trong trang phục áo dài lụa màu vàng, quấn trắng, thắt lưng xanh, khăn vành dây màu vàng có đính kim sa vào tế và dâng trà, hoa trước hương án); Rước văn từ Đình Chử Xá về Lăng thờ thân phụ, thân mẫu Chử Đồng Tử; Lễ giải y, lễ Tạ.

Công bố quyết định Lễ hội làng Chử Xá là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia  - ảnh 6
Lễ chữ (múa chữ) Thiên - Hạ - Thái - Bình tại lễ hội làng Chử Xá

Đặc biệt, tại Lễ hội làng Chử Xá từ ngàn đời nay, nhân dân Chử Xá lưu giữ được điệu múa cổ truyền được gọi là Lễ chữ (múa chữ) Thiên - Hạ - Thái - Bình. Thực hiện lễ chữ này gồm 22 thiếu niên (nam giới) dưới 18 tuổi, được lựa chọn là những người có giáo dục, đạo đức tốt và 1 ông kí chỉ (hay còn gọi là thày chủ trò là người chỉ đạo ra hiệu lệnh cho nhóm xếp chữ).

Công bố quyết định Lễ hội làng Chử Xá là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia  - ảnh 7
Lễ chữ (múa chữ) Thiên - Hạ - Thái - Bình tại lễ hội làng Chử Xá

Trang phục được ăn vận theo lối truyền thống, áo cánh dài màu đỏ viền vàng, đầu chít khăn điều, tay cầm bảng đã được viết sẵn từng chữ, khoan thai “chạy chữ”, họ lướt rất nhanh và trật tự sắp thành hàng tề chỉnh. Tất cả sự chuyển động của 22 trai làng làm chân “con chữ” này, nhất nhất đều theo sự điều khiển của người đánh trống. Nhóm xếp chữ vừa đánh trống theo khẩu đeo phía trước bụng theo nhịp của thày chủ trò vừa múa rồi vừa xếp lần lượt thành 4 chữ “Thiên - Hạ - Thái - Bình”.

Điệu múa Lễ Chữ, còn gọi là múa Chạy Chữ hoặc múa Chữ có ý nghĩa để tạ ơn Đức Thánh Chử Đồng Tử đồng thời gửi gắm nguyện vọng của nhân dân và mong Đức Thánh phù hộ cho thiên hạ thái bình, thể hiện ước vọng, cầu mong của cư dân nông nghiệp vạn sự được yên bình, thân ái, ấm no, thịnh vượng và hạnh phúc. Đây được xem là một trong những điệu múa cổ còn lại, độc đáo của vùng đất Thăng Long.

Công bố quyết định Lễ hội làng Chử Xá là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia  - ảnh 8
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong chúc mừng địa phương đón nhận
quyết định Lễ hội làng Chử Xá là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ hội làng Chử Xá đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 4610/QĐ-BVHTTDL ngày 22/1/2020 về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Công bố quyết định Lễ hội làng Chử Xá là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia  - ảnh 9
Lãnh đạo huyện Gia Lâm cùng lãnh đạo xã Văn Đức đón nhận Quyết định Lễ hội làng Chử Xá là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Hồng nhấn mạnh: Đây là một niềm vinh dự, tự hào của không chỉ của nhân dân làng Chử Xá mà còn là niềm vui, niềm vinh dự của cả cán bộ và nhân dân huyện Gia Lâm, xã Văn Đức. Thời gian tới, cán bộ và nhân dân thôn Chử Xá tiếp tục chung tay xây dựng xã Văn Đức trở thành 1 trong những “Điểm du lịch” của thành phố và của huyện. 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Đoàn công tác thành phố Hà Nội dâng hương tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ tại Cam Ranh

Đoàn công tác thành phố Hà Nội dâng hương tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ tại Cam Ranh

(PNTĐ) - Ngày 17/4, trong khuôn khổ chuyến công tác đi thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa, Đoàn công tác của thành phố Hà Nội do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến làm Trưởng đoàn cùng đại diện lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các quận, huyện, sở, ngành đã tới dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma tại xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa.
Kiểm tra công tác quản lý đất đai 9 dự án ở An Giang

Kiểm tra công tác quản lý đất đai 9 dự án ở An Giang

Cơ quan chức năng tỉnh An Giang phải cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác quản lý đất đai đối với 9 dự án nằm trên địa bàn. Trong đó một số dự án từng bị Thanh tra Chính phủ kết luận có nhiều sai phạm.