Công trình vượt tầng ngang nhiên tồn tại gần trụ sở UBND phường Thuỵ Khuê

Bài và ảnh: Bắc Lưu
Chia sẻ

(PNTĐ) - Nhiều công trình có dấu hiệu vi phạm trật tự xây dựng gần trụ sở UBND phường Thuỵ Khuê nhưng không được xử lý, bị người dân phản ánh ảnh hưởng tới môi trường sống, gây nguy cơ mất an toàn đô thị.

Xây dựng vượt giấy phép vẫn được cho tồn tại

Tháng 9/2024, nhiều người dân phường Thuỵ Khuê, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội phản ánh tới Báo Phụ nữ Thủ đô, trên địa bàn đang xuất hiện nhiều công trình xây dựng vi phạm nghiêm trọng trật tự xây dựng, như: Vượt số tầng so với giấy phép được cấp, thực hiện cơi nới, lấn chiếm phần đất công khiến cuộc sống của người dân xung quanh bị ảnh hưởng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đô thị.

Tại khu đất số 179 Thuỵ Khuê (nằm cách trụ sở UBND phường Thuỵ Khuê khoảng 50 mét - PV), ngày 24/10/2023, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Hoàng Tuấn Anh cấp giấy phép xây dựng số 120/GPXD cho bà Nguyễn Thị Hồng Nhung, quy định công trình chỉ được xây dựng 4 tầng và 1 tum thang; chiều cao công trình 14,9m (tính từ cốt nền đến mái).

Công trình vượt tầng ngang nhiên tồn tại gần trụ sở UBND phường Thuỵ Khuê - ảnh 1
Dù được cấp phép 4 tầng và 1 tum nhưng công trình 179 Thuỵ Khuê, phường Thuỵ Khuê, quận Tây Hồ đã xây dựng tới 6 tầng và 1 tum và đang tiếp tục có biểu hiện xây thêm (Ảnh người dân cung cấp).

Nhưng theo phản ánh của những người dân xung quanh công trình trên, đến thời điểm hiện tại, số nhà 179 Thuỵ Khuê đã xây dựng thành 6 tầng và 1 tum. “Công trình 179 Thụy Khuê vẫn đang tiếp tục được thi công và đang có dấu hiệu xây cao thêm. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu nhà của các số nhà bên cạnh. Đồng thời, với chiều cao này số nhà 179 Thụy Khuê cũng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến không gian sống của chúng tôi”, người dân phản ánh tới Báo Phụ nữ Thủ đô.

Ngoài việc xây dựng vượt số tầng cho phép, số nhà 179 Thụy Khuê còn vi phạm về việc xây dựng lấn chiếm ra diện tích phần mương (đằng sau nhà 179 Thụy Khuê). Việc xây dựng lấn chiếm này không những vi phạm về quy định của Nhà nước mà còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân xung quanh. Điển hình như trong thời gian mưa bão vừa qua, việc xây dựng lấn con mương đã làm ảnh hưởng đến việc tiêu thoát nước, dẫn đến tình trạng ngập úng, nhiều nhà dân xung quanh bị nước tràn vào nhà, tài sản bị hư hỏng nặng, thiệt hại về kinh tế.

Trong quá trình xây dựng tại số nhà 179 Thuỵ Khuê, chủ công trình còn nhiều lần lấn chiếm vỉa hè, để tràn lan vật liệu xây dựng khiến môi trường sống xung quanh bị ảnh hưởng.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Phụ nữ Thủ đô hồi cuối tháng 9/2024, những phản ánh của người dân về công trình 179 Thuỵ Khuê hoàn toàn có cơ sở. Mặt tiếp giáp với đường Thuỵ Khuê mặc dù được xây 4 tầng nhưng khi đi sâu vào trong thì được cơi nới thêm nhiều tầng khác, công nhân vẫn đang tiếp tục xây dựng. Dù khu vực 179 Thuỵ Khuê nằm trong quy hoạch mở đường của TP. Hà Nội nhưng không biết vì lý do gì vẫn được chính quyền địa phương cấp phép xây dựng?

Công trình vượt tầng ngang nhiên tồn tại gần trụ sở UBND phường Thuỵ Khuê - ảnh 2
Công trình 179 Thuỵ Khuê lấn chiếm cả phần mương nước, nơi thoát nước chung của khu vực khiến đời sống của người dân xung quanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng (Ảnh người dân cung cấp)

Cũng trên mặt đường Thuỵ Khuê, nhiều khu đất khác cũng có dấu hiệu vi phạm trật tự xây dựng nghiêm trọng như tại số nhà 200, 249. Cá biệt công trình số 249 có diện tích lên đến gần 300m2 nhưng đã xây hết mật độ, chiều cao đến 8 tầng mà vẫn tiếp tục được thi công chưa hề có dấu hiệu dừng lại. Theo quy định, các công trình xây dựng phải công khai về thiết kế và giấy phép được cấp, nhưng các công trình này luôn quây tôn, kính cửa, có dấu hiệu thi công lén lút và gấp rút.

Trong khi đó, trên tuyến đường Thụy Khuê hiện có chiều rộng lộ giới vào khoảng 12m<L<20m, theo quy định được xây dựng không quá 7 tầng tùy theo điều kiện về vị trí quận, trục đường thương mại dịch vụ, lô đất lớn.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Chỉ thị số 14-CT/TU ngày 2/3/2022 của Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội về “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị và trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố Hà Nội”, nêu rõ: Các cấp, các ngành, đặc biệt là UBND các quận, huyện, thị xã cần chấn chỉnh kỷ cương, thực hiện chế độ xử lý trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm trong quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn.

Ngày 7/4/2024, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 182/KH-UBND để triển khai công văn của Ban cán sự Đảng Thành phố, nội dung kế hoạch ngoài phân công nhiệm vụ cụ thể còn quy định trách nhiệm của UBND các quận, huyện, thị xã như: Chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và UBND TP. Hà Nội về tình hình quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn.

Để làm rõ những vấn đề mà người dân phường Thuỵ Khuê phản ánh, phóng viên Báo Phụ nữ Thủ đô đã liên hệ làm việc với UBND quận Tây Hồ. Ngày 25/9, UBND quận Tây Hồ chỉ đạo UBND phường Thuỵ Khuê là đơn vị trực tiếp giải quyết.

Tiếp tục liên hệ với Chủ tịch UBND phường Thuỵ Khuê Lê Văn Thuỷ, phóng viên Báo Phụ nữ Thủ đô được hướng dẫn liên hệ với ông Phạm Quang Hoà – Phó Chủ tịch UBND phường để được sắp xếp buổi làm việc làm rõ những vấn đề mà người dân phản ánh tới báo.

Ngày 30/9, ông Phạm Quang Hoà – Phó Chủ tịch UBND phường Thuỵ Khuê hướng dẫn phóng viên đến Phòng Thanh tra xây dựng phường để làm việc.

Đến chiều ngày 30/9, làm việc với đại diện Phòng Thanh tra xây dựng – UBND phường Thuỵ Khuê, phóng viên lại không nhận được phản hồi chính thức và được hướng dẫn làm việc với lãnh đạo UBND phường mới có đủ thẩm quyền phát ngôn với báo chí.

 

Tin cùng chuyên mục

Khai trươngTrung tâm Dữ liệu chính thành phố Hà Nội - thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện

Khai trươngTrung tâm Dữ liệu chính thành phố Hà Nội - thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện

(PNTĐ) - Trung tâm Dữ liệu chính thành phố Hà Nội khai trương là một trong những công cụ chiến lược quan trọng để tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện trong mọi mặt đời sống xã hội. Việc quản trị và khai thác dữ liệu hiệu quả không chỉ đặt nền móng cho sự phát triển bền vững với "tầm nhìn mới, tư duy mới toàn cầu, tư duy Thủ đô và hành động Hà Nội" mà còn khẳng định vai trò tiên phong của Thủ đô trong kỷ nguyên số hóa toàn cầu, góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.