100% công trình vi phạm ở Hà Nội được lập hồ sơ, xử lý

Bắc Lưu
Chia sẻ

(PNTĐ) - Trong 6 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn TP. Hà Nội giảm 119 công trình so với cùng kỳ năm 2023. Thời gian tới, Sở Xây dựng TP. Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, xử lý nghiêm các vi phạm về trật tự xây dựng.

Vi phạm trật tự xây dựng có xu hướng giảm

Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP. Hà Nội về kết quả công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2024, đạt được một số kết quả tích cực, dần đi vào nền nếp; số công trình được cấp giấy phép xây dựng tăng, các trường hợp vi phạm cơ bản được phát hiện, ngăn chặn và xử lý theo quy định; nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài cơ bản đã được giải quyết; hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước được củng cố, nâng cao; một số địa bàn không phát sinh vi phạm hoặc có tỷ lệ công trình vi phạm rất thấp (dưới 1%); 100% các công trình vi phạm đã được UBND các cấp thiết lập hồ sơ, xử lý vi phạm theo quy định. So với cùng kỳ năm 2023, số công trình vi phạm quy định về trật tự xây dựng đã giảm 119 công trình (tỷ lệ vi phạm giảm từ 2,36% xuống 1,41%); tỷ lệ công trình vi phạm đang tiếp tục giải quyết giảm 2,26% (từ 58,26% xuống 56%).

Trong 6 tháng đầu năm, UBND các quận, huyện, thị xã và các đội quản lý trật tự xây dựng đô thị quận, huyện, thị xã đã tiến hành kiểm tra 8.854 công trình, qua đó phát hiện, thiết lập hồ sơ xử lý đối với 125 trường hợp có vi phạm, chiếm tỷ lệ 1,41%; đã xử lý đứt điểm 55/125 trường hợp, chiếm tỷ lệ 44%, đang tiếp tục giải quyết, xử lý theo thẩm quyền 70/125 trường hợp, chiếm tỷ lệ 56%.

100% công trình vi phạm ở Hà Nội được lập hồ sơ, xử lý - ảnh 1
Một công trình xây dựng tại ngõ 167 Đội cấn (ngay cổng trường Tiểu học Đại Yên) có dấu hiệu xây dựng vượt tầng so với quy định.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quản lý trật tự xây dựng vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần sớm có giải pháp khắc phục, đặc biệt là các vi phạm về trật tự xây dựng có liên quan đến công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) còn diễn biến phức tạp (đặc biệt là loại hình nhà ở có nhiều tầng, nhiều căn hộ; nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh); đồng thời nhận thức rằng, công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố luôn đối diện với những nguy cơ, thách thức tiềm ẩn nếu không nhận diện, kiểm soát tốt có thể gây ra hậu quả khó khắc phục được.

Để thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước trong công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố, ông Võ Nguyên Phong – Giám đốc Sở Xây dựng TP. Hà Nội thông tin: "Trong thời gian tới, mỗi cơ quan, đơn vị, từng cá nhân được giao nhiệm vụ cần phải nhận thức, thực hiện trách nhiệm, nhiệm vụ được giao, có sự phối hợp kịp thời, hiệu quả giữa các cơ quan, đơn vị liên quan".

Đồng thời, lãnh đạo Sở Xây dựng TP. Hà Nội yêu cầu Chánh Thanh tra Sở cùng toàn thể cán bộ, công chức, lao động hợp đồng thuộc Thanh tra Sở tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình công tác năm 2024 của Thanh tra Sở; tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo Sở, cho thành phố các biện pháp, giải pháp cụ thể, thiết thực; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành…

Xử nghiêm các công trình vi phạm PCCC

Nhằm tiếp tục nâng cao công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn, đặc biệt vi phạm PCCC, ngày 3/7/2024, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn ký ban hành Công văn số 2154/UBND-ĐT, giao Sở Xây dựng có trách nhiệm thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc xử lý vi phạm TTXD, hướng dẫn UBND quận, huyện, thị xã trong việc quản lý TTXD trên địa bàn; tổng hợp, kịp thời tham mưu, đề xuất UBND Thành phố biện pháp quản lý, chấn chỉnh, khắc phục tồn tại, hạn chế theo quy định.

UBND các quận, huyện, thị xã: Tăng cường công tác kiểm tra, rà soát các công trình xây dựng trên địa bàn, kịp thời phát hiện, xử lý dứt điểm các công trình vi phạm TTXD theo thẩm quyền hoặc kịp thời kiến nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền để xử lý, không để phát sinh các công trình xây dựng có vi phạm TTXD (đặc biệt là các công trình vi phạm pháp luật về phòng cháy chữa cháy, các công trình chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy đã đưa vào hoạt động...).

Đối với các công trình đã đưa vào sử dụng: Tăng cường kiểm tra, giám sát quản lý chặt chẽ việc khai thác sử dụng các công trình theo đúng công năng, thiết kế đã được thẩm định, phê duyệt, giấy phép xây dựng được cấp. Đối với các công trình cải tạo, sửa chữa, hoặc chuyển đổi công năng, chuyển mục đích sử dụng từ nhà ở sang kinh doanh (đặc biệt là các công trình nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, cơ sở dịch vụ cho thuê trọ, các cơ sở dịch vụ lưu trú...) thì phải thực hiện thiết kế về xây dựng, thiết kế về PCCC, cấp giấy phép xây dựng... xem xét, xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có liên quan để xảy ra các vi phạm theo đúng quy định pháp luật.

Tin cùng chuyên mục

Tại nơi này, 2 tháng nữa, sẽ có một khu nhà nội trú cho học sinh dân tộc thiểu số

Tại nơi này, 2 tháng nữa, sẽ có một khu nhà nội trú cho học sinh dân tộc thiểu số

(PNTĐ) - Khu nhà nội trú ấm áp yêu thương ấy được Báo Phụ nữ Thủ đô và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam phối hợp xây dựng dành cho học sinh dân tộc thiểu số trường THCS Chiềng Đông, xã Chiềng Đông, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên. Khi hoàn thành, nhà nội trú sẽ giúp các em học sinh có điều kiện sinh hoạt tốt hơn, từ đó, tiếp thêm động lực để các em yên tâm học tốt.
Trưởng ban Dân vận Thành ủy Đỗ Anh Tuấn tri ân người có công tiêu biểu huyện Thạch Thất, Quốc Oai

Trưởng ban Dân vận Thành ủy Đỗ Anh Tuấn tri ân người có công tiêu biểu huyện Thạch Thất, Quốc Oai

(PNTĐ) - Chiều 3/10, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban Dân Vận Thành ủy Đỗ Anh Tuấn đã đến thăm, tặng quà 4 gia đình thương binh, người có công tiêu biểu trên địa bàn huyện Thạch Thất và huyện Quốc Oai nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).