Xét xử vụ sai phạm 43ha "đất vàng" ở Bình Dương:

Cựu Bí thư tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam thừa nhận thiếu trách nhiệm

NAM ANH
Chia sẻ

(PNTĐ) - Trước HĐXX, cựu Bí thư tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam khẳng định, chỉ sau khi 43ha "đất vàng” của Nhà nước đã rơi vào tay tư nhân thì bị cáo mới biết. Nếu bị cáo biết sớm thì “chắc chắn không xảy ra” việc này.

Chiều ngày 17/8, phiên tòa xét xử vụ án “thao túng đất vàng" cho tư nhân, gây thất thoát hàng nghìn tỉ đồng ngân sách nhà nước, xảy ra tại Tổng công ty Sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương (Tổng công ty 3-2) tiếp tục được diễn ra ở phần xét hỏi. 

Theo đó, bị cáo Trần Văn Nam nói mình không nhớ rõ một số công văn, văn bản mà Thường trực Tỉnh ủy giai đoạn 2011-2012 nhận được từ UBND tỉnh Bình Dương. Tuy nhiên, bị cáo nhớ rằng, có một công văn Tỉnh ủy gửi UBND tỉnh để thống nhất chủ trương về quản lý doanh nghiệp Đảng trong tỉnh. Bị cáo Nam phân trần: “Theo công văn thì đã giao cho Chủ tịch tỉnh quản lý các doanh nghiệp này. Tổng Công ty 3-2 là doanh nghiệp nhà nước, chịu sự chỉ đạo và quản lý mọi mặt của UBND tỉnh”.

Cựu Bí thư tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam thừa nhận thiếu trách nhiệm - ảnh 1
Cựu Bí thư Trần Văn Nam trả lời tại Tòa

Trả lời câu hỏi về việc có được ai báo cáo khu đất 43ha bị bán, ông Nam cho rằng, chỉ khi Công ty Kim Oanh làm hàng rào bao quanh khu 43ha thì mới biết đất nhà nước đã bị bán. Thời điểm này là 2019 trong khi khu đất đã bị Tổng công ty 3-2 chuyển nhượng từ 2016.

Cựu Bí thư Bình Dương khẳng định, sau khi biết việc khu đất bị bán thì đã “rất quyết liệt” tổ chức họp để yêu cầu thanh tra và sau đó Công an tỉnh đã khởi tố vụ án để điều tra. Bị cáo Nam nói: “Trước đó bị cáo chưa từng được Tổng Công ty 3-2 trao đổi về vấn đề đất đai. Nếu tôi biết trước, biết sớm thì chắc chắn không bao giờ có việc Tổng Công ty 3-2 bán đất cho doanh nghiệp”.

Bị cáo Nam cũng phân trần rằng “không có lý do gì” để mình ký văn bản lùi ngày với mục đích chuyển đất về doanh nghiệp của Tỉnh ủy, tạo điều kiện cho Tổng Công ty 3-2 bán đất cho tư nhân như cáo trạng quy kết.

Bị cáo Nam khai: “Bị cáo không có lý do gì để ký văn bản lùi ngày. Mỗi lần đi họp về, bị cáo thường phải ký rất nhiều giấy tờ nên ký rất là nhanh. Sau khi Ủy ban kiểm tra phát hiện ra sai phạm, bị cáo mới biết các văn bản thu hồi đất về Tỉnh ủy bị ký lùi ngày”.

Về việc áp đơn giá sử dụng đất đối với khu 43ha cho Tổng công ty với mức giá của 6 năm trước thời điểm giao đất, cựu Bí thư Tỉnh ủy cho rằng đã theo quy định của Nghị định 120 và thời điểm đấy nhận thức cách tính như vậy là phù hợp quy định pháp luật.

binh-duong-cuu-chu-tich-liem.jpg
Bị cáo Trần Thanh Liêm, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cựu Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương

Cuối phần trinh bày, bị cáo Nam nói “tôi thấy mình đã thiếu trách nhiệm” liên quan đến việc đất Nhà nước bị bán rẻ cho tư nhân.

Bị cáo khẳng định, không chỉ đạo cấp dưới duyệt các văn bản liên quan khu đất 43 ha hay hợp thức hóa các công văn, giấy tờ liên quan khu đất vàng, làm sai lệch bản chất nội dung các văn bản như cáo trạng quy kết.

Cũng tại phiên tòa, bị cáo Võ Hồng Cường – Chủ tịch HĐQT Công ty Hưng Vượng cho biết, toàn bộ số tiền chiếm đoạt được từ hành vi tham ô tài sản đã được bị cáo khắc phục toàn bộ.

Ông Cường trình bày từ năm 2019, khi có dư luận về việc mua bán 19% cổ phần của Tổng Công ty SX-XNK Bình Dương không minh bạch, bị cáo đã tìm gặp một số luật sư, bạn bè làm trong ngành công an để nhờ tư vấn.

“Sau khi được tư vấn rằng, cần phải dứt điểm hoàn trả lại 19% cổ phần, bị cáo đã cùng vợ chạy vạy, gõ cửa từng nhà. Bị cáo đã bán nhà, bán tài sản để khắc phục số tiền bị cho là tham ô. Trong vòng 6 tháng bị cáo chuyển trả hơn 700 tỉ đồng cho Tổng Công ty SX-XNK Bình Dương.

Vợ chồng bị cáo lúc đó lo lắng không ngủ được, tình hình công nợ lên đến 1.000 tỉ, lại phải chèo chống giữ việc làm cho 2.000 lao động”- ông Cường vừa nói vừa khóc.

Ông Cường cũng giải thích rằng, việc mua lại cổ phần không phải vì động cơ vụ lợi, che giấu tội phạm mà chỉ “nhằm khắc phục cái sai”. Bị cáo khắc phục hậu quả từ tháng 11/2019, nhưng 3 năm sau mới bị khởi tố về tội Tham ô tải sản.

Trong phần xét hỏi trước đó, bị cáo Trần Thanh Liêm, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cựu Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương cho biết, cuối tháng 12/2015 đến tháng 9/2020 bị cáo là Chủ tịch UBND tỉnh.

Đại diện VKS đặt vấn đề về việc công văn xin vốn góp giữa Tổng công ty 3-2 và Công ty Âu Lạc có phải gửi Thường trực Tỉnh ủy không, bị cáo Liêm cho hay thời điểm chuyển nhượng bị cáo không biết.

Sau này đọc báo, bị cáo mới biết là công văn gửi Thường trực Tỉnh ủy, thường trực lúc đó có 4 người gồm ông Trần Văn Nam - cựu Bí thư Tỉnh ủy, ông Phạm Văn Cành - cựu Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, một Phó Bí thư khác và ông Liêm.

"Công văn gửi Thường trực Tỉnh ủy mà bị cáo nói không nhận được thì có vô lý không?" - viện kiểm sát tiếp tục truy vấn. Bị cáo Liêm đáp: "Công văn gửi Thường trực Tỉnh ủy văn phòng tiếp nhận theo đúng quy trình, sau đó văn phòng xử lý rồi mới báo cáo với Phó Bí thư Thường trực. Tuy nhiên có những văn bản không hề gửi cho Phó Bí thư và Bí thư".

Cũng theo lời khai của bị cáo Liêm, sau khi có quyết định cổ phần hóa Tổng công ty 3-2, theo chỉ đạo, văn bản của Tỉnh ủy thì UBND tỉnh mới quyết định thành lập ban chỉ đạo do bị cáo là trưởng ban.

Cựu Chủ tịch Liêm cũng cho biết không nhớ hết những nội dung, trách nhiệm của ban chỉ đạo tham mưu cho UBND tỉnh cổ phần hóa theo quy định hiện hành của Nhà nước. Việc quyết định giá trị doanh nghiệp mà bị cáo ký có dựa vào báo cáo của kiểm toán: "Theo bị cáo hiểu thì kết quả là kiểm kê đánh giá phân loại tài sản".

"Bị cáo là trưởng ban cổ phần hóa thì hơn ai hết phải dựa trên cơ sở pháp luật, đúng không?" – đại diện VKS truy vấn. Bị cáo Liêm đáp ngắn gọn: "Đúng vậy".

Cuối phần trình bày của mình trước HĐXX, bị cáo Liêm xin bổ sung thêm thông tin Tổng công ty 3-2 là doanh nghiệp thuộc Tỉnh ủy nên quyền quyết định trong khi cổ phần hóa đều do Tỉnh ủy quyết định.

Phương án sử dụng đất và phương án xác định giá trị doanh nghiệp quá trình cổ phần hóa UBND tỉnh cũng phải xin ý kiến và làm theo chủ trương của Thường trực Tỉnh ủy.

"Do đó việc cổ phần hóa này khác hơn với các doanh nghiệp nhà nước khác. Tuy đặc thù nhưng vẫn phải tuân theo quy định của pháp luật", bị cáo Liêm nhấn mạnh.

Cũng trong phần xét hỏi, đại diện VKS đã thẩm vấn người đại diện Tỉnh ủy Bình Dương là ông Phạm Văn Hiền - Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương - để làm rõ một số vấn đề.

binh-duong-dai-dien-ub-tinh.jpg
Ông Phạm Văn Hiền - Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương, đại diện tỉnh Ủy Bình Dương trả lời các câu hỏi của đại diện VKS

Theo đó, trả lời các câu hỏi của đại diện VKS, ông Hiền cho biết đại diện Tỉnh ủy Bình Dương cho rằng 2 khu đất 43ha và 145ha trên nằm ở vị trí cửa ngõ, là nơi khẳng định hình ảnh, thương hiệu của tỉnh Bình Dương. Đến giờ này, Văn phòng Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy đang quyết liệt giải quyết các tồn tại.

Hành vi sai phạm của các cá nhân gây ra sẽ được các cơ quan tố tụng phán quyết, còn trách nhiệm của tỉnh Bình Dương là tìm mọi cách để làm đúng pháp luật.

Ông Hiền cũng cho biết theo công văn 407 (phê duyệt chi tiết phương án sử dụng đất của Tổng công ty 3-2), khu đất 43ha được chuyển giao về cho Impco là công ty thuộc Tỉnh ủy. Khu đất này chuyển về doanh nghiệp 100% vốn của Tỉnh ủy.

"Theo công văn, tài sản 43ha đất có còn thuộc về Tổng công ty 3-2 không?" - VKS hỏi. Ông Hiền cho hay theo công văn 407, khu đất 43ha phải chuyển về cho Công ty Impco.

Cũng theo ông Hiền, Thường trực Tỉnh ủy và Văn phòng Tỉnh ủy "không biết việc Tổng công ty 3-2 chuyển nhượng khu đất 43ha".

Đại diện Tỉnh ủy Bình Dương cho hay, nếu tòa tuyên hủy các hợp đồng để trả lại khu đất cho tỉnh Bình Dương, Tỉnh ủy phải cho đấu giá khu đất đó, nếu không sẽ gây thất thoát tài sản nhà nước.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội Thành phố đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội Thành phố đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

(PNTĐ) - MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội Thành phố đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về triển khai thực hiện các hoạt động thiết thực chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô và các ngày lễ lớn; gắn với kỷ niệm ngày thành lập MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú...
Bổ sung danh mục năm 2024 với 217 dự án thu hồi đất

Bổ sung danh mục năm 2024 với 217 dự án thu hồi đất

(PNTĐ) - Tại Kỳ họp thứ 15, ngày 29/3, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua nghị quyết điều chỉnh, bổ sung danh mục các công trình, dự án thu hồi đất năm 2024; danh mục các dự án chuyển mục đích đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ năm 2024 trên địa bàn thành phố.