Đại biểu Quốc hội đề nghị đánh thuế cao với đồ uống có cồn nồng độ cao

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Chiều 27/11, tại Kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.

Không nên áp thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hòa nhiệt độ

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho rằng: Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) để điều chỉnh hành vi của người tiêu dùng, không khuyến khích tiêu dùng các hàng hóa xa xỉ phẩm hoặc hạn chế sản phẩm có hại cho sức khỏe cá nhân, có hại cho môi trường, cộng đồng xã hội. Vì vậy, khi chúng ta ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt thì tác động của nó là phải thay đổi hành vi, còn nếu không thay đổi hành vi thì Luật không đạt được. 

Đại biểu Quốc hội đề nghị đánh thuế cao với đồ uống có cồn nồng độ cao - ảnh 1
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) góp ý

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, đề xuất trong dự thảo Luật còn có điểm chưa hợp lý. Cụ thể, về áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với điều hòa nhiệt độ, nếu quy định tăng thuế điều hòa lên 10% thì người dân vẫn dùng điều hòa và không thay đổi hành vi, không chuyển sang tiêu dùng sản phẩm khác được. Vì vậy, đối với các sản phẩm thiết yếu, đại biểu cho rằng, không nên áp thuế tiêu thụ đặc biệt, điển hình như mặt hàng điều hòa nhiệt độ.

Về mặt hàng thuốc lá và rượu, bia là những sản phẩm có hại cho sức khỏe, đại biểu cho rằng, cần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm này nhưng cần xem xét tăng thế nào để thay đổi hành vi. 

Đại biểu Hoàng Văn Cường không đồng tình với việc tăng thuế nhỏ giọt theo năm vì không thay đổi hành vi, mà nên tăng theo đợt, lần đầu có thể tăng khoảng 10-15%, sau đó 5 năm sau sẽ tăng tiếp đợt 2. Đồng thời cần tăng cường tuyên truyền, vận động người dân, nâng cao ý thức và doanh nghiệp có thời gian để chuyển đổi sản xuất sản phẩm khác, như vậy mới có tác dụng.

Về hàng hoá rượu, bia có hại là do nồng độ cồn, vì vậy, đại biểu cho rằng, các đồ uống có cồn với nồng độ cao thì đánh thuế phải cao, những đồ uống có nồng độ cồn thấp thì đánh thuế thấp hơn. Tuy nhiên, hiện thuế suất với đồ uống có nồng độ cồn thấp lại tương đương với đồ uống có nồng độ cồn cao là bất hợp lý.

Vì vậy, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị xem xét lại phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia, chẳng hạn như tăng cao nhất đối với rượu mạnh, thấp hơn là rượu dưới 20 độ, thấp hơn nữa là tỷ lệ với bia. Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị xem xét việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá.

Lộ trình tăng thuế hợp lý để ngăn chặn hiểm họa thuốc lá

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (Đoàn Tây Ninh) nhấn mạnh: Hiểm họa do thuốc lá gây ra cho sức khỏe, tính mạng, đời sống nhân dân, kinh tế xã hội của đất nước. Trong lần sửa đổi này, đại biểu đánh giá cao Chính phủ đã đề xuất với Quốc hội 2 phương án tính thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá điếu, trong đó áp dụng phương pháp tính thuế hỗn hợp (bao gồm kết hợp cả thuế suất và thuế tuyệt đối), có lộ trình tăng thuế tuyệt đối qua các năm để đến 2030 đạt được mức thuế tuyệt đối là 10.000đ/bao thuốc lá, phấn đấu đạt mục tiêu khuyến cáo của WHO đạt mức tỷ trọng thuế trong giá bán lẻ thuốc lá điếu hiện nay khoảng hơn 36% lên 75% vào 2030, hướng đến mục tiêu giảm tỷ lệ người sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên dưới 36%, của chiến lược phòng chống tác hại thuốc lá năm 2030.

Đại biểu Quốc hội đề nghị đánh thuế cao với đồ uống có cồn nồng độ cao - ảnh 2
Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (Đoàn Tây Ninh) phát biểu

Theo đại biểu, số liệu của WHO, thuốc lá gây ra 8 triệu ca tử vong mỗi năm trên thế giới và 1 triệu ca tử vong do hút thuốc thụ động. Nhóm nghèo có tỷ lệ hút thuốc cao hơn nhóm giàu. Xu hướng này cũng phù hợp với con số hơn 80% người hút thuốc trên thế giới tập trung ở các nước thu nhập trung bình và thấp. Ở Việt Nam, mỗi năm trung bình có 70.000 người tử vong vì các bệnh do thuốc lá, cứ 10 người nam trưởng thành thì có 4 người hút thuốc, tiêu thụ trong nước chiếm 57% so với tổng sản lượng của ngành sản xuất thuốc lá trong nước. 

Trên lĩnh vực này, so với thế giới, Việt Nam nằm trong top các quốc gia có "giá thuốc lá rẻ nhất, thuế thấp nhất, tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc nhiều nhất", dẫn đến thiệt hại về kinh tế, chi phí y tế mỗi năm 1,14% GDP.

Theo WHO và kinh nghiệm của các quốc gia thì biện pháp tăng thuế đối với mặt hàng này là công cụ chính sách hiệu quả, tuy nhiên, vấn đề là tăng như thế nào mới hợp lý. Đại biểu cho rằng, có nhiều ý kiến băn khoăn khi cho rằng nếu tăng thuế ngay, mạnh thì sẽ nảy sinh những khó khăn: tăng thuốc lá nhập lậu; gây thiệt hại cho ngành công nghiệp thuốc lá và người lao động trong ngành; thiệt hại cho người nông dân trồng thuốc lá. Tuy nhiên, theo đại biểu những lo lắng trên so với những đe dọa khôn lường từ thuốc lá điếu gây ra là không đáng kể. 

Với quan điểm bảo vệ các thế hệ hiện nay và tương lai khỏi các hậu quả tàn phá của thuốc lá đối với sức khỏe, kinh tế, xã hội, môi trường, đại biểu đề nghị Chính phủ, Quốc hội xem xét thêm phương án 3: cụ thể, mốc năm 2026 là thuế suất 75% và thuế tuyệt đối là 5.000 đồng, tịnh tiến đến thuế suất 75% và thuế tuyệt đối 15.000 đồng/bao thuốc lá vào năm 2030.

Đồng thời, cần có định hướng sau năm 2023 sẽ tăng mỗi năm lên tỷ lệ nhất định để tiến đến đạt các mục tiêu của công ước khung về kiểm soát thuốc lá của Liên hợp quốc và mục tiêu phát triển bền vững của nước ta.

Tin cùng chuyên mục

Thấu hiểu người tiêu dùng: Khi người Việt hiểu người Việt

Thấu hiểu người tiêu dùng: Khi người Việt hiểu người Việt

(PNTĐ) - Công nghệ và sự tiện lợi ngày càng trở thành mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng. Đón đầu xu hướng này, cam kết đổi mới sáng tạo và làm những điều khác biệt được thể hiện xuyên suốt trong từng sản phẩm, dịch vụ của Masan và các đơn vị thành viên trên hành trình phụng sự người tiêu dùng.
Phó Thủ tướng Chính phủ đề xuất giảm 10% đối với báo in và các loại báo khác

Phó Thủ tướng Chính phủ đề xuất giảm 10% đối với báo in và các loại báo khác

(PNTĐ) - Sáng 28/11, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đề xuất giảm 10% đối với báo in và các loại báo khác, giúp cho các cơ quan báo chí thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Đề xuất phạt bằng 2 lần mức tiền phạt một số hành vi vi phạm an toàn thực phẩm

Đề xuất phạt bằng 2 lần mức tiền phạt một số hành vi vi phạm an toàn thực phẩm

(PNTĐ) - Sáng 28/11, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết của HĐND thành phố quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội.