Đảm bảo quy định đủ nghiêm khắc, đủ nhân văn với người chưa thành niên phạm tội
(PNTĐ) - Ngày 21/6, tạiKỳ họp thứ 7, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên.
Theo Tờ trình của Chính phủ, dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên gồm 173 điều được bố cục thành 5 phần, 11 chương quy định về xử lý chuyển hướng, hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội; thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên là người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị buộc tội, bị hại, người làm chứng; thi hành án; tái hòa nhập cộng đồng; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên.

Thảo luận tại hội trường, các đại biểu cơ bản nhất trí cao với việc xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên để thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng liên quan đến chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; xây dựng các quy định phù hợp với đặc thù lứa tuổi, tâm lý của người chưa thành niên, khắc phục những hạn chế của hệ thống pháp luật hiện hành; phù hợp với xu hướng chung và thông lệ của nhiều quốc gia trên thế giới.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) đồng tình với quan điểm cho rằng việc xây dựng một hệ thống quy định pháp luật về tư pháp với người chưa thành nhiên là phù hợp với xu hướng chung của thế giới, thể hiện tính nhân văn, tiến bộ của hệ thống pháp luật Việt Nam, tuy nhiên, trước xu hướng tội phạm trẻ hoá như hiện nay. Đại biểu lưu ý, cần rất cẩn trọng trong việc xây dựng từng quy định của dự thảo Luật này để khi luật được ban hành vừa đảm bảo được tính nhân văn, tạo điều kiện để người chưa thành niên phạm tội nhận thức, khắc phục, sửa chữa sai lầm nhưng vẫn phải có tính giáo dục, răn đe nghiêm khắc.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng: Rất nhiều vụ án được gây ra bởi người chưa thành niên phạm tội mà thủ đoạn và hậu quả để lại vô cùng to lớn, có những vụ gây rúng động xã hội. Trước thực tế như vậy mà pháp luật không có những biện pháp, hình phạt phù hợp, nghiêm khắc, đảm bảo tính công bằng thì sẽ khiến nhân dân bức xúc, mất niềm tin, thậm chí dẫn tới tình trạng nhiều đối tượng thanh niên lợi dụng chính sách nhân đạo đối với người chưa thành niên để lôi kéo, xúi giục, thuê mướn họ thực hiện những hành vi phạm tội. Điều này rất đáng lo ngại.

Đại biểu quan tâm về các biện pháp xử lý chuyển hướng quy định tại Điều 36, dự thảo Luật hiện đang quy định về các biện pháp xử lý chuyển hướng. Trong đó có 03 biện pháp theo đại biểu cần cân nhắc rất kỹ về tính khả thi đó là các biện pháp “cấm tiếp xúc với người có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới”, “hạn chế khung giờ đi lại” và “cấm đến địa điểm có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới”.
Theo đại biểu, những biện pháp này nghe thì hợp lý nhưng thực tế để đi vào thực hiện hiệu quả thì vô cùng khó khăn. Bởi chúng ta không thể có nhân lực để hàng ngày, hàng giờ giám sát việc gặp ai, đi tới đâu, đi vào những khung giờ nào của những người chưa thành niên, trong khi các biện pháp này, theo quy định của dự thảo Luật có thời gian áp dụng ít nhất là 3 tháng cho tới 1 năm.
Để những biện pháp này có tính khả thi và hiệu quả, đại biểu đề nghị, cần phải quy định rất rõ, đặc biệt là việc chuẩn bị nguồn nhân lực và trang thiết bị để phục vụ nhiệm vụ giám sát việc thực hiện các biện pháp xử lý chuyển hướng của người chưa thành niên phạm tội.

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Đoàn Long An) cho rằng, cần có đánh giá, làm sáng tỏ hơn tính khả thi, nguồn lực (nhân lực, kinh phí trang bị..) để thực hiện các biện pháp “cấm tiếp xúc, hạn chế khung giờ đi lại”, “quản thúc tại gia đình”, “cấm đến địa điểm có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội”.
Theo đại biểu, chắc chắn chúng ta không thể cử người giám sát thi hành hoặc trong trường hợp gia đình không phối hợp hoặc không có khả năng phối hợp, mà phải lắp đặt các thiết bị giám sát để theo dõi trong suốt thời gian thực hiện áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng.
Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị Cơ quan soạn thảo phải quy định rõ những trường hợp áp dụng xử lý chuyển hướng là “thực hiện công việc phục vụ cộng đồng”, bởi người chưa thành niên tâm lý còn chưa vững vàng, “cộng đồng” có thể là nơi đông người, sẽ có sự dòm ngó, tò mò, kỳ thị, thâm chí bị quay clip, chụp ảnh tung lên mạng xã hội, trong khi chúng ta không thể kiểm soát, ngăn cấm việc này. Khi đó sẽ gây ảnh hưởng nặng nề cho tâm lý của các em (xấu hổ, tủi hờn, bức xúc..). Như vậy, thậm chí không có hiệu quả răn đe, không làm cho các em hối cải, mà còn có thể gây nên những hệ quả ngược lại.