Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội:
Đáp ứng nguyện vọng của cử tri và nhân dân Thủ đô
(PNTĐ) -Năm 2022, Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố (TP) Hà Nội đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm theo tinh thần chủ đề năm 2022 của TP là “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển” để thể chế hóa, ban hành các cơ chế, chính sách và thực hiện tốt các nhiệm vụ theo chức năng, thẩm quyền, đảm bảo đúng quy định, sát với thực tiễn và yêu cầu phát triển của Thủ đô.

Các kỳ họp được đổi mới theo hướng thực chất, hiệu quả
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà cho biết, ngay từ đầu năm, Thường trực HĐND TP đã ban hành Chương trình công tác số 01/CTr-HĐND, ngày 3/1/2022 của Thường trực, các Ban và Văn phòng Đoàn ĐB Quốc hội và HĐND TP năm 2022 gồm 138 nội dung trọng tâm. Kết quả, cơ bản toàn bộ các nội dung theo chương trình đề ra và hơn 60 nội dung công việc phát sinh theo chỉ đạo của Trung ương và yêu cầu thực tiễn của TP đã được triển khai đảm bảo chất lượng, tiến độ...
Trong năm 2022, HĐND TP đã tổ chức 6 kỳ họp, trong đó có 1 kỳ họp thường lệ và 5 kỳ họp chuyên đề để xem xét các vấn đề quan trọng, cấp thiết của TP; ban hành 48 nghị quyết, trong đó có nhiều nghị quyết rất quan trọng, có tác động sâu rộng đến hiệu lực, hiệu quả của các cấp chính quyền, các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội của TP.
Các nghị quyết như: Kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế, tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo của TP Hà Nội; biện pháp tập trung xử lý đối với các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn TP; bố trí, cân đối vốn cho Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội theo chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thường trực Thành ủy; mức hỗ trợ trong lĩnh vực y tế và hỗ trợ mức thu học phí năm học 2022-2023...
hiệu quả và có sản phẩm cụ thể, đáp ứng nguyện vọng của cử tri, nhân dân Thủ đô”.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND Thành phố Phùng Thị Hồng Hà khẳng định: “Các kỳ họp được tiếp tục đổi mới theo hướng thực chất, hiệu quả. Các nội dung được chuẩn bị, thẩm tra kỹ lưỡng; chương trình kỳ họp được sắp xếp khoa học, dành nhiều thời gian để các đại biểu thảo luận, nhằm phát huy tối đa kinh nghiệm, trí tuệ của các đại biểu, lan tỏa không khí mới, thực chất và hiệu quả hơn trong hoạt động nghị trường”.
Đổi mới trong hoạt động giám sát những vấn đề dân sinh bức xúc
Trong năm 2022 HĐND cùng các Ban HĐND TP đã tổ chức khoảng 20 cuộc giám sát, khảo sát về các chuyên đề đang nhận được sự quan tâm của dư luận nhân dân, là những vấn đề dân sinh bức xúc. Cụ thể như các chuyên đề: Việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước của TP; kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri; việc thực hiện quản lý khai thác cát sỏi lòng sông và quản lý bến thủy nội địa trên địa bàn; giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật bảo vệ môi trường trong quản lý hoạt động thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn TP; việc thực hiện tổ chức bộ máy và sử dụng biên chế của TP; giám sát việc thực hiện quy định của pháp luật về đặt hàng, đấu thầu cung ứng dịch vụ công thuộc lĩnh vực đô thị trên địa bàn...

Để nâng cao hiệu quả, chất lượng của hoạt động giám sát, trước mỗi cuộc giám sát, Thường trực, các ban HĐND đều có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Các thành viên đoàn giám sát nghiên cứu kỹ để nắm chắc nội dung báo cáo do đơn vị gửi. Tại buổi giám sát đoàn tập trung vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm. Với tinh thần làm việc trách nhiệm của từng thành viên đoàn giám sát, những kết quả thực hiện cũng như bất cập, hạn chế đã được chỉ ra; đồng thời, đoàn giám sát đã kịp thời gợi mở, đưa ra kiến nghị để đơn vị tìm ra phương hướng tháo gỡ, xử lý nhằm đẩy nhanh tốc độ, góp phần thực thi hiệu quả các chủ trương, chính sách, nghị quyết của TP.
Đặc biệt, điểm nổi bật trong hoạt động giám sát của HĐND năm 2022 là đã có cải cách về hình thức giám sát. Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, thay vì đến tận nơi nắm bắt, việc giám sát được thực hiện linh hoạt theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến để đảm bảo điều kiện phòng dịch và hoạt động giám sát không bị gián đoạn.
Vào tháng 3 và tháng 4/2022, Ban Pháp chế thực hiện đợt giám sát việc thực hiện tổ chức bộ máy và sử dụng biên chế của TP theo phương thức kết hợp thông qua báo cáo bằng văn bản và làm việc trực tiếp với một số đơn vị; Ban Đô thị cũng thành lập đoàn giám sát việc thực hiện quy định của pháp luật về đặt hàng, đấu thầu cung ứng dịch vụ công thuộc lĩnh vực đô thị trên địa bàn theo hình thức trực tiếp và gián tiếp.
Thường trực HĐND TP cũng đổi mới cách làm trong giám sát, đã kết hợp làm việc trực tiếp tại đơn vị giám sát với mời các đơn vị về làm việc tại trụ sở của HĐND để mở rộng được thành phần, đối tượng tham gia.
Hoạt động chất vấn “trúng và đúng” các vấn đề dân sinh
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà cho rằng, năm 2022, hoạt động chất vấn tại các kỳ họp thường lệ của HĐND TP được triển khai rất nghiêm túc, tiếp tục tăng cường về chất lượng và hiệu quả. Các phiên chất vấn của HĐND TP diễn ra sôi nổi, thẳng thắn, nghiêm túc, thực chất, trách nhiệm và hiệu quả. Kết quả phiên chất vấn đã cho thấy các vấn đề được HĐND TP lựa chọn chất vấn “trúng và đúng”, quan trọng, thiết thực, tác động lớn và phù hợp với thực tiễn đặt ra cho TP, đáp ứng nguyện vọng, sự mong mỏi của cử tri và nhân dân.
Đánh giá về kỳ họp thứ 10 cuối năm 2022, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp tiếp tục được đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả. Trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của cử tri và các đại biểu HĐND TP, tại Kỳ họp thứ 10, HĐND TP thực hiện chất vấn, tái chất vấn đối với 3 nhóm vấn đề. Tiến độ thực hiện một số dự án, công trình được UBND TP và các cơ quan cam kết tại kỳ họp thứ 3 và kỳ họp thứ 7 HĐND TP; chất vấn về công tác bảo vệ môi trường trong xử lý nước thải và thoát nước trên địa bàn TP.
Theo Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn, phiên chất vấn đã diễn ra sôi nổi, thẳng thắn, nghiêm túc, trách nhiệm. Người hỏi ngắn, gọn, rõ ràng, người trả lời đi thẳng vào đúng vấn đề được chất vấn. Đã có tổng số 31 lượt đại biểu phát biểu chất vấn, tranh luận. Có 3 Phó Chủ tịch UBND TP, 9 Giám đốc sở, ban, ngành; 3 Chủ tịch UBND các quận, huyện đã tham gia trả lời chất vấn. Chủ tịch UBND TP đã phát biểu báo cáo, tiếp thu, giải trình làm rõ hơn một số vấn đề đại biểu HĐND TP quan tâm và trả lời trực tiếp chất vấn đối với những nội dung thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của UBND TP, của Chủ tịch UBND TP.
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh: “Kết quả phiên chất vấn đã cho thấy hoạt động giám sát, giải trình và nhất là chất vấn của HĐND TP ngày càng được đổi mới, đảm bảo quy định của Luật. Kết quả bước đầu đạt được theo hướng thực chất, hiệu quả và có sản phẩm cụ thể, đáp ứng nguyện vọng của cử tri, nhân dân Thủ đô”.
Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động

Năm 2023, tình hình thế giới biến động nhanh, phức tạp, khó lường, dịch bệnh Covid-19 còn tiềm ẩn nguy cơ, diễn biến phức tạp, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà cho biết, HĐND TP tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của TP, tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm.
Thực hiện hiệu quả Đề án số 15-ĐA/TU, ngày 12/5/2022 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2026 gắn với thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và củng cố chính quyền nông thôn tại TP Hà Nội”.
Tiếp tục cải tiến, đổi mới các hoạt động kỳ họp, chất vấn, giải trình, giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND theo quy định của Luật và Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó tăng cường việc theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực hiện các nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát đảm bảo nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND.
Tổ chức tốt việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do HĐND TP bầu theo hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại kỳ họp thường lệ cuối năm 2023.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà nhấn mạnh: “Năm 2023, HĐND TP sẽ tổ chức tốt các cuộc tiếp xúc cử tri định kỳ, chuyên đề. Triển khai hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tổng hợp, theo dõi, đôn đốc, giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri. Thực hiện có hiệu quả, chất lượng, đúng quy định công tác tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; quan tâm, theo dõi, đôn đốc kết quả giải quyết theo quy định.
Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động của HĐND TP; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về hoạt động của HĐND các cấp; mở rộng các kênh tiếp nhận, đối thoại, trao đổi giữa HĐND với cử tri và các cơ quan, đơn vị”.