Đấu thầu thế nào để công trình không “suy dinh dưỡng” giữa chừng
(PNTĐ) - Tham gia thảo luận về nội dung của Luật Đấu thầu (sửa đổi) trong sáng 24/5, đại biểu Phạm Văn Hòa – đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp thẳng thắn bày tỏ: Không phải lĩnh vực nào, chúng ta cũng phải đấu thầu và đấu thầu thì không phải mỗi lần đấu thầu đều có mang lại hiệu quả thiết thực cho nhà nước.
Theo đó, đại biểu thống nhất với việc lựa chọn nhà thầu vì chúng ta phải tổ chức đấu thầu. Nhưng thực tế trong thời gian qua có trường hợp ban đầu trị giá gói thầu rất cao nhưng khi bỏ thầu thì giá trị rất thấp, có thể tỷ lệ là 9/1% hoặc không phẩy mấy phần trăm.
Và chủ đầu tư có nhiều chiêu trò, phương pháp rất cụ thể, rành mạch để nhà thầu thân quen với mình trúng thầu. “Theo tôi biết một số đơn vị, địa phương mỗi lần nhà thầu thân quen tham gia đều trúng, mà giá trị gói thầu rất thấp”. Bởi vậy, đại biểu Hòa kiến nghị cần phải xem lại quy trình, thủ tục, việc đăng ký, tổ chức đấu thầu như thế nào cho hiệu quả.
Về chỉ định thầu, đại biểu Phạm Văn Hòa cho biết: Với quy định ràng buộc việc chỉ định thầu hiện nay, một số chủ đầu tư người ta không dám chỉ định thầu, thà là tổ chức đấu thầu mà thuận lợi, dễ dàng hơn. Nếu nhà thầu khi tổ chức chỉ định thầu, lúc chọn hồ sơ rất tốt, nhưng giữa chừng bị “suy dinh dưỡng” thì tất cả công trình không đạt được hiệu quả.
Như vậy, quy trách nhiệm cho chủ đầu tư do doanh nghiệp A, doanh nghiệp B, doanh nghiệp C thân quen với mình cho nên mình mới chỉ định, thực tế là rất khách quan nhưng quy định trách nhiệm. Giải quyết vấn đề này, theo đại biểu, trong việc chỉ định thầu cũng nên mở rộng thêm ngoài những trường hợp như trong quy định, chỉ định thầu nên có giảm giá.
Quan tâm thứ ba của đại biểu Hòa trong Luật Đấu thầu (sửa đổi) là hình thức lựa chọn nhà đầu tư chào giá cạnh tranh. Đại biểu đồng tình quy định này, việc chào giá cạnh trạnh đối với gói thầu không quá 5 tỷ, tuy nhiên đề nghị cần mở rộng thêm không chỉ chào giá cạnh tranh các lĩnh vực như quy định trong dự thảo Luật (gồm gói thầu xây lắp công trình đơn giản; gói thầu dịch vụ tư vấn, thông dụng, đơn giản; gói thầu mua sắm…) mà chào giá cạnh tranh còn có các lĩnh vực khác, chứ không chỉ gồm các lĩnh vực nêu trên.
Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, quy định như dự thảo Luật sẽ ràng buộc và những đối tượng khác sẽ không được chào giá cạnh tranh, do vậy đề nghị mở rộng thêm chào giá cạnh tranh ở nhiều lĩnh vực khác để mang lại hiệu quả thiết thực cho ngân sách nhà nước..