Tự hào tôi là người Việt Nam
Kỳ cuối: Sức triệu người hơn sóng biển Đông
(PNTĐ) -Những năm qua, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã triển khai nhiều chính sách thu hút, tạo mọi điều kiện thuận lợi, gắn kết kiều bào với quê hương. Trong bối cảnh đó, mang theo niềm tự hào được là người Việt Nam, lớp lớp kiều bào đã trở về xây dựng quê hương đất nước, đúng như lời Bác Hồ đã viết trong Thơ gửi kiều bào năm 1962: “Sức triệu người hơn sóng Biển Đông!”.
Những viên gạch hồng xây quê hương
Nhắc đến TS Đặng Trung Phước, Việt kiều Canada, Chủ tịch Hội Bảo tồn sinh vật đa dạng thế giới không thể không nhắc đến một công trình mang nhiều dấu ấn của ông và cũng đại diện cho chất xám của người Việt. Đó là công trình phục dựng lại đồi cát Pinhey tại Ottawa, Thủ đô của Canada.
Vào những năm 1950-1960, Canada bắt đầu trồng cây và cho phép xây nhà trên hệ thống đồi cát. Đến năm 2010, trên 99% hệ thống đồi cát hoàn toàn bị che phủ bởi rừng trồng và các khu nhà. TS Đặng Trung Phước đã có một đề xuất táo bạo với chính quyền Canada để triển khai dự án khôi phục lại môi trường, hệ sinh thái nguyên thủy của hệ thống đồi cát như đã có từ 7.000 - 8.000 năm trước. Nhờ đó, khu đồi cát Pinhey và các sinh vật đặc trưng đồi cát giữa lòng Thủ đô Canada đã được phục dựng, bảo vệ, mỗi năm thu hút hàng nghìn lượt người đến tham quan và học tập.
Hơn 40 năm sống và làm việc tại nước ngoài, nhưng TS Đặng Trung Phước chưa bao giờ quên mình là người Việt Nam. Dù đã nhập quốc tịch Canada nhưng ông đồng thời vẫn xin giữ quốc tịch Việt Nam. Ông luôn trăn trở với câu hỏi: Liệu mình có thể làm gì cho quê hương, khi Việt Nam là một trong những quốc gia đang phải hứng chịu ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu trầm trọng nhất.
TS Đặng Trung Phước đã chọn Huế là điểm đầu tiên để thực hiện ý tưởng của mình. Theo TS Phước, đến với Huế hiện nay, người ta có thể nhìn thấy những khu vực rừng keo rộng lớn trải dài. Keo không phải là giống cây bản địa của Việt Nam nên trồng keo ngoại lai đơn loài với tầng độ như hiện tại sẽ làm cạn kiệt và thất thoát sự đa dạng phong phú của hệ động thực vật của Việt Nam. TS Phước đã đề xuất với Viện Nghiên cứu phát triển Thừa Thiên Huế và thành Phố Huế dự án thay thế cây keo bằng cây bản địa đa dạng, trong đó có cây tre. Công trình sẽ vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, vừa phục dựng lại rừng đa dạng bản địa, vừa giúp Huế củng cố bản sắc văn hóa và cảnh quan sinh thái, phát triển du lịch.
Sau Huế, TS Phước mong muốn có cơ hội triển khai các dự án với mục đích tương tự tại Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra, ông còn muốn cải tạo, bảo tồn các đồi cát trải dài theo duyên hải từ Thanh Hóa đến Bình Thuận như ông đã từng làm thành công ở Canada.
Năm nay đã bước vào tuổi 80, nhưng TS Đặng Trung Phước vẫn luôn tràn đầy sinh lực cống hiến cho quê hương. Trân trọng từng phút giây được làm việc ở Việt Nam, ông tâm sự: “Tôi luôn ngưỡng mộ và biết ơn Bác Hồ. Nhờ có Bác mà chúng ta mới có một quê hương trọn vẹn, độc lập và thanh bình. Bây giờ, đến lượt chúng ta phải góp sức để phát triển đất nước thịnh vượng tươi đẹp hơn”.
Bà Trần Thị Chang cũng là một Việt kiều có nhiều đóng góp cho quê hương. Hơn 30 năm qua, tại Malaysia, bà đã trở thành trung tâm gắn kết cộng đồng người Việt. Chỉ cần nghe tin có người Việt Nam tại Malaysia gặp nạn, dù xa xôi đến đâu, bà và các Việt kiều yêu nước khác cũng sẽ nỗ lực hết sức để trợ giúp. Trong thời điểm dịch Covid-19, bà Chang đã đứng ra tổ chức hoạt động hỗ trợ nhu yếu phẩm, vật dụng phòng, chống dịch, vận động vắc xin ngừa Covid-19 để tiêm cho khoảng 2.000 người Việt Nam tại Malaysia. Là y sĩ tại Viện Tim quốc gia Malaysia, bà luôn mong muốn đóng góp cho sự phát triển của ngành tim mạch Việt Nam. Đó là lý do bà đã tích cực triển khai các hoạt động kết nối ngành tim mạch hai nước, đưa các bác sĩ người Việt tại nhiều bệnh viện lớn ở trong nước sang giao lưu, học hỏi kinh nghiệm và ngược lại, tham gia cùng đoàn y, bác sĩ Viện Tim quốc gia Malaysia sang Việt Nam tham gia các ca mổ tim từ thiện.
Bà Chang chia sẻ, năm 2011, bà được tham gia Hội nghị lãnh đạo các tổ chức người Việt Nam ở nước ngoài do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp tổ chức cùng khoảng 150 kiều bào tại nhiều quốc gia. Qua chuyến đi, bà càng thấm thía Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến kiều bào cũng như được nghe chia sẻ nhiều câu chuyện về người Việt Nam đóng góp xây dựng quê hương. Trở về Malaysia, được sự đồng ý của Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia, bà đã sáng lập Ban liên lạc cộng đồng người Việt tại Malaysia, sau này là Hội Hữu nghị Malaysia - Việt Nam với sự công nhận về mặt pháp lý của Chính phủ Malaysia. Nhờ đó, cộng đồng người Việt càng khẳng định vị thế vững chắc tại nước sở tại và có điều kiện kết nối sức mạnh hướng về Tổ quốc.
Theo nhà báo, Việt kiều Mỹ Etcetera Nguyễn Quang Trường, người Việt Nam đều cùng có một mẫu số chung, đó là cùng do mẹ Việt Nam sinh ra. Vì thế hãy cùng chung tay đóng góp những điều tốt hơn cho dân tộc, nhất là khi Việt Nam đã và đang có một vị thế tuyệt vời.
Năm 2006, nhân sự kiện Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương tổ chức tại Hà Nội, với tư cách là phóng viên của tuần báo Việt Weekly, nhà báo Etcetera Nguyễn Quang Trường đã lần đầu tiên trở về Việt Nam. Đây chính là thời điểm mà ông gọi là bước ngoặt khi ông được “giác ngộ” về lòng yêu nước. Với tất cả sự thôi thúc, ông đã viết trong một bài báo của mình: “Nhớ lại tôi thật sự xấu hổ, vì tôi từng nghĩ sai về chính quyền Việt Nam, về Nhân dân Việt Nam, về họ hàng của tôi ở miền Bắc... Bà con của tôi, người quen của tôi, bạn bè tôi giờ hầu hết không còn nghèo khổ. Họ chịu khó làm ăn, vượt qua khó khăn và họ giàu có... Họ chỉ mong đợi ở tôi điều duy nhất: “Trường ơi (hay con ơi, cháu ơi), hãy làm điều gì đó tốt đẹp cho đất nước”.
Sau lần đó, ông Trường đã trở đi trở lại Việt Nam nhiều lần để kịp thời đưa những thông tin chính xác về Việt Nam tới bạn đọc quốc tế. Ông còn tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện với mong muốn có thể đóng góp một phần nhỏ bé cho đồng bào, Tổ quốc mình.
Kiều bào là bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam
Hiện có hơn 5,3 triệu người Việt sinh sống, làm việc, học tập ở trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Khoảng 500.000 đến 600.000 doanh nhân, trí thức có trình độ cao đang tích cực tham gia “hiến kế” cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước về nhiều vấn đề quan trọng. Việt Nam cũng đã thu hút được 34.700 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 418,8 tỷ USD đến từ 141 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó có 376 dự án FDI của kiều bào đang sinh sống tại 29 quốc gia trên thế giới đầu tư về nước với tổng vốn đăng ký khoảng 1,72 tỷ USD.
Theo Ngân hàng Thế giới, từ năm 2016-2021, tổng kiều hối về nước đạt hơn 89,1 tỷ USD, với mức tăng trưởng trung bình 6% hàng năm. Điều đáng nói, năm 2021, dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, lượng kiều hối gửi về Việt Nam vẫn đạt 18,1 tỉ USD (tăng 10% so với năm 2020), tương đương gần 5% tổng thu nhập quốc gia. Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất thế giới.
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Phạm Quang Hiệu (thời điểm tháng 4/2023, nay ông đã được bổ nhiệm làm Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản kiêm nhiệm Cộng hòa Quần đảo Marshall), kiều bào đã thực sự trở thành nguồn lực quan trọng đóng góp cho quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn xác định “cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam”, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài là “trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị và của toàn dân”. Những quan điểm nhất quán và xuyên suốt này đã được khẳng định ngay từ Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị (năm 1993) và sau đó luôn được thể hiện trong các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị như Nghị quyết 36 (năm 2004), Chỉ thị 45 (năm 2015), và gần đây nhất Kết luận 12 (năm 2021). Trong đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong Kết luận 12 là “phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, khuyến khích và tạo điều kiện để đồng bào Việt Nam ở nước ngoài đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Theo ông Phạm Quang Hiệu, mục tiêu chung của mọi người Việt Nam là xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, làm cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Mọi người Việt Nam, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, nguồn gốc xuất thân, địa vị xã hội, lý do ra nước ngoài, mong muốn góp phần thực hiện mục tiêu trên đều được tập hợp trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.