Đẩy mạnh hoạt động khuyến nông tạo sinh kế cho người dân
(PNTĐ) - Hơn 30 năm xây dựng và phát triển, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình nổi bật, giữ vai trò chủ lực chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới đến với người nông dân; kết nối nhiều doanh nghiệp, nhà sản xuất, hợp tác xã, trang trại ký kết hợp tác, thu mua, phân phối sản phẩm nông nghiệp an toàn và chất lượng… Từ đó, góp phần quan trọng vào phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người nông dân Thủ đô.
Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình, dự án về các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản,… mang lại nhiều kết quả, từng bước giúp hàng nghìn hộ dân được hưởng lợi, nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, góp phần đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp và mở ra hướng sản xuất mới, tạo sinh kế cho người dân vùng nông thôn. Để làm được những điều đó, Trung tâm khuyến nông Hà Nội luôn nhạy bén, tư duy đổi mới, bắt kịp xu thế phát triển.
Từ khi thành lập đến nay, Trung tâm đã thực hiện được khoảng 400 mô hình khuyến nông trồng trọt, hơn 360 mô hình khuyến nông chăn nuôi, phát triển các giống thủy sản góp phần vào việc thay đổi kinh tế của người nông dân, nhất là chuyển đổi ở các vùng trũng, từ sản xuất lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản đạt doanh thu gấp 3 – 4 lần so với trước.
Theo bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, năm 2023, Trung tâm sẽ thực hiện 20 mô hình, tính đến 9 tháng đầu năm đã triển khai được 15 mô hình tại 66 điểm với 453 hộ tham gia, còn 5 mô hình chưa triển khai do chưa đến thời vụ. Các mô hình khuyến nông không chỉ chuyên về chuyển giao kỹ thuật mà còn chú trọng đến viện phát triển thị trường, liên kết bốn nhà, liên kết chuỗi, bảo vệ môi trường... Trung tâm đã trở thành cầu nối chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, góp phần quan trọng vào sự thành công của đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp Thủ đô.
Một số kết quả hoạt động tiêu biểu của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội có thể kể đến như: Triển khai mô hình sản xuất mạ khay để mở rộng diện tích cấy lúa bằng máy có quy mô 50ha tiển khai tại xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên với 46 hộ tham gia, thực hiện trên giống lúa Thiên ưu 8 (giống xác nhận 1). Bước đầu cho thấy sản xuất mạ khay, cấy máy lúa nhanh bén rễ, cấy hàng sông thưa giúp ruộng lúa thông thoáng, đẻ nhánh khỏe, ít sâu bệnh. Mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ gắn với tiêu thụ sản phẩm có quy mô 30ha, triển khai tại điểm xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất với 192 hộ tham gia.
Về khuyến nông thuỷ sản, có 3 mô hình triển khai tại 15 điểm với 36 hộ tham gia thực hiện trên tổng quy mô 39ha nuôi trồng thủy sản. Cán bộ kỹ thuật Trung tâm đã bám sát các mô hình, thường xuyên kiểm tra; ngoài việc hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, hướng dẫn các hộ các biện pháp kỹ thuật xử lý... Kết quả, đàn cá mô hình không bị ảnh hưởng do thời tiết, cá khỏe mạnh, không xảy ra dịch bệnh, sinh trưởng phát triển tốt.
Mô hình nuôi thuỷ sản theo hướng VietGAP, quy mô 20ha, triển khai tại 9 điểm xã với 19 hộ tham gia. Trung tâm đã phối hợp với đơn vị tư vấn VietGAP tổ chức khảo sát và tư vấn kỹ thuật theo thực tế cho các hộ tham gia mô hình, lấy các mẫu nước, mẫu thức ăn đi kiểm nghiệm, xác định chỉ tiêu phân tích theo quy định tại VietGAP.
Hơn 30 năm hoạt động, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội không ngừng phát triển, gắn bó mật thiết với nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Các trạm khuyến nông cũng phát huy tốt vai trò, tính chủ động trong công tác tham mưu UBND huyện; phối hợp với đơn vị liên quan trong hoạt động khuyến nông của đơn vị tại cơ sở; tận dụng được sự ủng hộ, hỗ trợ về chủ trương, kinh phí phát triển nông nghiệp của huyện về hoạt động khuyến nông.
Trại sản xuất giống thuỷ sản và dịch vụ Thanh Trì đã thực hiện mô hình công nghệ cao sử dụng năng lượng mặt trời, với hệ thống máy quạt nước chạy bằng tấm pin năng lượng mặt trời diện tích 15m2 hoạt động tốt. Đàn cá tại 3 ao sinh trưởng phát triển tốt; hiện cá chép đạt trọng lượng 600g/con, cá rô phi 400g/con. Trạm Thực nghiệm và Chuyển giao kỹ thuật Chương Mỹ đã thực nghiệm ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, trồng dưa chuột baby trong nhà lưới, áp dụng công nghệ trồng bằng giá thể và tưới nước tự động, dinh dưỡng được cung cấp qua hệ thống tưới…
Về xúc tiến thương mại, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã tham gia gian hàng trưng bày giới thiệu hơn 100 sản phẩm OCOP đặc trưng của Hà Nội tại Hội chợ triển lãm Thương mại sản phẩm OCOP và làng nghề Bình Định năm 2023. Trung tâm cũng tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm thông qua các Diễn đàn Khuyến nông @ Liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại huyện Phú Xuyên, Mỹ Đức và thị xã Sơn Tây. Qua đó, đã kết nối nhiều doanh nghiệp, nhà sản xuất, Hợp tác xã, trang trại ký kết 15 biên bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác, thu mua, phân phối sản phẩm nông nghiệp an toàn và chất lượng.
Thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác khuyến nông, bám sát chiến lược phát triển của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn của Thủ đô đến năm 2030. Từ đó, góp phần phát triển nông nghiệp hàng hóa, tích cực chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, nhất là phát triển ngành nông nghiệp Thủ đô theo hướng hiệu quả, hiện đại, bền vững.
“Trang thông tin có sự phối hợp của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội”