Đề án 1968 xây dựng và hình thành hệ sinh thái xúc tiến thương mại

Chia sẻ

(PNTĐ) - Hệ sinh thái xúc tiến thương mại (XTTM) số được thiết kế theo kiến trúc tổng thể, thống nhất, phù hợp với Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam; đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn công nghệ, kỹ thuật theo quy định; đảm bảo khả năng vận hành thông suốt, nâng cấp, mở rộng, kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu.

Chiều 14/12, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị triển khai Quyết định 1968/QĐ-TTg ngày 22 tháng 11 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021-2030” (gọi tắt là Đề án 1968) và định hướng, tham gia xây dựng và vận hành Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số với các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục XTTM, Bộ Công ThươngÔng Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục XTTM, Bộ Công Thương

Lộ trình triển khai Đề án 1968 

Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục XTTM, Bộ Công Thương cho biết, Đề án xây dựng với mục tiêu tổng quát nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu quả trong hoạt động của các cơ quan xúc tiến thương mại thuộc Chính phủ, tổ chức hỗ trợ xúc tiến thương mại và doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên cơ sở hình thành, phát triển Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số; nâng cao nhận thức và năng lực về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy phát triển ngoại thương và thương mại trong nước, góp phần tái cơ cấu ngành Công Thương.

Cụ thể, phấn đấu đến năm 2025 xây dựng, hình thành Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số với 100% các tổ chức xúc tiến thương mại và trên 200.000 doanh nghiệp được cấp tài khoản trên Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số và 50% trong số này có phát sinh giao dịch và chia sẻ thông tin. Cơ sở dữ liệu chuyên ngành xúc tiến thương mại và 10 ngành hàng xuất khẩu chủ lực được hình thành, kết nối, liên thông với cơ sở dữ liệu của 10 thị trường xuất khẩu trọng điểm. 25% các dịch vụ kết nối thị trường được tổ chức trên nền tảng kết nối, hỗ trợ 100.000 lượt doanh nghiệp và 25% số lượng hội chợ, triển lãm được tổ chức trên môi trường số. 100% các tổ chức xúc tiến thương mại và trên 100.000 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ các nội dung về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại và bảo đảm an toàn thông tin.

Đồng thời, 100% các tổ chức xúc tiến thương mại và trên 100.000 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh sử dụng, khai thác, vận hành các nền tảng dùng chung và chia sẻ dữ liệu với Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số. 100% thủ tục hành chính lĩnh vực xúc tiến thương mại đủ điều kiện được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia với 90% doanh nghiệp hài lòng về kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

Phấn đấu đến năm 2030, hoàn thiện, phát triển Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số; 75% các tổ chức xúc tiến thương mại và doanh nghiệp được cấp tài khoản thường xuyên hoạt động, tìm kiếm, cung cấp, chia sẻ thông tin trên Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số; 50% các dịch vụ kết nối thị trường của doanh nghiệp được thực hiện trên Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số, hỗ trợ 1.000.000 lượt doanh nghiệp. Cơ sở dữ liệu chuyên ngành xúc tiến thương mại và 20 ngành hàng xuất khẩu chủ lực được hoàn thiện, mở rộng kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu của 20 thị trường xuất khẩu trọng điểm; 60% số lượng hội chợ, triển lãm được tổ chức trên môi trường số; 100% các tổ chức xúc tiến thương mại và trên 1.000.000 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ các nội dung về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, công nghệ, nền tảng số và bảo đảm an toàn thông tin; 100% các tổ chức xúc tiến thương mại và trên 500.000 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh sử dụng, khai thác, vận hành các nền tảng dùng chung và chia sẻ dữ liệu với Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, Đề án đưa ra 3 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu, gồm: xây dựng và phát triển Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số; Hoàn thiện cơ chế chính sách; Nâng cao nhận thức, năng lực. Trong đó, xây dựng, phát triển và tích hợp các nền tảng dùng chung, phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại hiệu quả.

Thiết kế, xây dựng, vận hành các trụ cột trong Hệ sinh thái XTTM số

Đề án 1968 xây dựng và hình thành hệ sinh thái xúc tiến thương mại - ảnh 2

Điểm nhấn và cũng là trọng tâm của Đề án đó là thiết kế, xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số (Decobiz-Digital Ecosystem for Businesses).

Hệ sinh thái Xúc tiến thương mại số là kết cấu hạ tầng mềm, do Chính phủ đầu tư, phát triển gồm các nền tảng cơ bản dùng chung cho nền kinh tế như Hội chợ, triển lãm số; kết nối giao thương thông minh; cơ sở dữ liệu chuyên ngành XTTM; tư vấn-huấn luyện trực tuyến; thông tin khuyến mại; định danh điện tử, vv… đáp ứng nhu cầu hỗ trợ XTTM của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và nâng cao chất lượng và hiệu quả trong hoạt động của các cơ quan XTTM thuộc Chính phủ, tổ chức hỗ trợ XTTM.

Hệ sinh thái XTTM số được thiết kế theo kiến trúc tổng thể, thống nhất, phù hợp với Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam; đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn công nghệ, kỹ thuật theo quy định; Đảm bảo khả năng vận hành thông suốt, nâng cấp, mở rộng, kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu.

Các thành viên của Hệ sinh thái Xúc tiến thương mại số gồm các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh (làm trung tâm); các cơ quan hoạch định chính sách, quản lý nhà nước về tiêu chuẩn kỹ thuật, môi trường, phát triển bền vững, thương mại, xuất-nhập khẩu, xúc tiến thương mại; các tổ chức xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế; hiệp hội ngành hàng; các đơn vị cung cấp dịch vụ có liên quan. Các dịch vụ XTTM gồm những chức năng hỗ trợ tương tác giữa các thành viên, đặc biệt là doanh nghiệp để khai thác và phát triển các thị trường trong nước và quốc tế.

Đề án 1968 xây dựng và hình thành hệ sinh thái xúc tiến thương mại - ảnh 3

Giải pháp trọng tâm chính là xây dựng, phát triển các ứng dụng, nền tảng số một cách tổng thể, đồng bộ, đáp ứng nhu cầu hỗ trợ XTTM của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và nâng cao chất lượng và hiệu quả trong hoạt động của các cơ quan XTTM thuộc Chính phủ, tổ chức hỗ trợ XTTM.

Các kết cấu hạ tầng XTTM được thiết kế, xây dựng, vận hành gồm: Hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành XTTM bao gồm thông tin về mạng lưới các tổ chức, doanh nghiệp XTTM trong nước và quốc tế, thông tin ngành hàng, thị trường và các cơ sở dữ liệu khác phục vụ công tác XTTM.

Nền tảng kết nối giao thương trên môi trường số áp dụng công nghệ mới hỗ trợ việc tìm kiếm thông tin, cơ hội kinh doanh trong nước và quốc tế.

Nền tảng hội chợ, triển lãm trên môi trường số nhằm cung cấp tiện ích tổ chức, quản lý hộ chợ, triển lãm nâng cao hiệu quả, tạo điều kiện cho các thành phần trong nền kinh tế gồm doanh nghiệp, hiệp hội, các địa phương tổ chức hội chợ, triển lãm; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trưng bày hàng hoá, tìm hiểu thông tin thị trường, tìm hiểu thông tin đối tác trên môi trường số.

Nền tảng tư vấn-huấn luyện nghiệp vụ xúc tiến thương mại tích hợp các kho học liệu, tư vấn, hỗ trợ đào tạo, tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng nhằm nâng cao năng lực XTTM.

Nền tảng định danh điện tử cho doanh nghiệp xúc tiến thương mại phục vụ các tổ chức khẳng định uy tín, sự tồn tại hợp pháp của mình trên thị trường. Nền tảng có tích hợp hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm hỗ trợ các doanh nghiệp minh bạch thông tin và xây dựng hình ảnh sản phẩm và doanh nghiệp.

Các nền tảng và dịch chuyên ngành XTTM khác từng bước được xây dựng nhằm phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại hiệu quả như tiếp cận với nguồn tài chính, logistics, kiểm định hàng hóa, pháp lý, truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn tự nguyện…

Vai trò của Cục XTTM, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan

Quang cảnh hội nghịQuang cảnh hội nghị

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì tổ chức, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát thực hiện Đề án; định kỳ trước ngày 25/12 hằng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện Đề án; đề xuất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung Đề án trong trường hợp cần thiết; ban hành kế hoạch thực hiện Đề án cho từng giai đoạn và hằng năm; hướng dẫn các cơ quan, tổ chức xúc tiến thương mại xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án.

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án hằng năm theo hướng dẫn và kế hoạch tổng thể của Bộ Công Thương. Ban hành chính sách, cơ chế thu hút nguồn lực và công nghệ để góp phần triển khai có hiệu quả Đề án. Định kỳ hằng năm tổ chức đánh giá kết quả thực hiện Đề án, gửi báo cáo về Bộ Công Thương trước ngày 15/12 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.

Là đơn vị được Bộ Công Thương giao nhiệm vụ xây dựng và triển khai Đề án 1968, Cục XTTM đang từng bước phối hợp với các đối tác và các nhà tư vấn xây dựng hướng dẫn cho các tổ chức, đơn vị triển khai Đề án hiệu quả.

Để triển khai hiệu quả Hệ sinh thái XTTM số, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục XTTM đề xuất: Thứ nhất, các Bộ, ngành và địa phương cùng tập trung xây dựng kế hoạch triển khai Đề án theo từng năm và theo giai đoạn của Đề án. Thứ hai, các hoạt động trong khuôn khổ Đề án cần triển khai đồng bộ trên cả nước để đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm chi phí đầu tư. Thứ ba, các địa phương có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp SX-KD-XK tham gia; khuyến thích, hỗ trợ cho các tổ chức cung cấp dịch vụ liên quan trên địa bàn tham gia Hệ sinh thái XTTM số. Thứ tư, doanh nghiệp chủ động lên kế hoạch, chuẩn bị nguồn nhân lực để tham gia Hệ sinh thái XTTM số hiệu quả. Thứ năm, các công ty CNTT và chuyển đổi số hưởng ứng và tham gia tích cực, có trách nhiệm, đóng góp cùng xây dựng Hệ sinh thái XTTM số từng bước vận hành hiệu quả”.

Hệ sinh thái Xúc tiến thương mại số là kết cấu hạ tầng mềm, do Chính phủ đầu tư, phát triển gồm các nền tảng cơ bản dùng chung cho nền kinh tế như Hội chợ, triển lãm số; kết nối giao thương thông minh; cơ sở dữ liệu chuyên ngành XTTM; tư vấn-huấn luyện trực tuyến; thông tin khuyến mại; định danh điện tử, vv… đáp ứng nhu cầu hỗ trợ XTTM của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và nâng cao chất lượng và hiệu quả trong hoạt động của các cơ quan XTTM thuộc Chính phủ, tổ chức hỗ trợ XTTM.

VÂN NGA

Tin cùng chuyên mục

Liên tục nợ thuế, Kim Oanh Group có đủ sức làm dự án 15.000 tỷ đồng?

Kim Oanh Group nợ thuế triền miên vẫn được Bình Dương chấp thuận làm dự án 15.000 tỷ đồng

Nhiều công ty nằm trong hệ sinh thái của Kim Oanh Group liên tục nằm trong danh sách nợ thuế, báo lỗ nhưng gần đây vẫn được UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận cho làm dự án Đầu tư xây dựng Một Thế Giới – The One World (dự án Hoà Lân) với tổng vốn đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng.
Tập trung gỡ khó cho Hoài Đức sớm hoàn thiện các tiêu chí lên quận

Tập trung gỡ khó cho Hoài Đức sớm hoàn thiện các tiêu chí lên quận

(PNTĐ) - Sáng 19/4, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền - Phó trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng, phát triển 5 huyện thành quận dẫn đầu đoàn công tác của UBND thành phố Hà Nội đã làm việc với huyện Hoài Đức về: Rà soát tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong công tác xây dựng và phát triển huyện Hoài Đức thành quận theo Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ thành phố; đánh giá tính khả thi phát triển huyện thành quận của Hoài Đức đến năm 2025.