Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

Đề nghị bổ sung các hành vi bạo lực gia đình

HOÀNG LAN
Chia sẻ

(PNTĐ) -Tại phiên thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) chiều 26/10, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cần tiếp tục làm rõ, bổ sung các hành vi bạo lực gia đình, trách nhiệm của đối tượng bị bạo lực gia đình và thành viên trong gia đình trong tố giác hành vi bạo lực gia đình; biện pháp xử lý bạo lực gia đình…

Đại biểu Tô Quang Tám, Đoàn ĐBQH tỉnh Kom Tum cho rằng, UB MTTQ có vai trò lớn trong công tác quần chúng tại cơ sở nhưng trong Dự thảo Luật chưa có quy định đầy đủ để phát huy vai trò của tổ chức này trong tham gia phòng, chống BLGĐ. Đại biểu cũng băn khoăn về việc sử dụng nguồn nguồn tài chính để phòng chống bạo lực gia đình được quy định trong Dự thảo với 3 nguồn tài chính từ ngân sách nhà nước, nguồn tài trợ, tặng cho, hỗ trợ, ủng hộ của các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước và các nguồn tài chính khác. Theo đại biểu, cần làm rõ thêm việc quản lý các nguồn này, nội dung chi, mức chi.

Đề nghị bổ sung các hành vi bạo lực gia đình - ảnh 1
Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

Theo đại biểu 80% nan nhân bạo lực gia đình là phụ nữ, 68,4% trẻ từ 1-14 tuổi từng bị bạo lực gia đình, người cao tuổi, khuyết tật cũng nằm trong nhóm đối tượng dễ bị bạo lực gia đình. Vì vậy, nên chăng thành lập Quỹ phòng, chống bạo lực gia đình để thu hút tốt hơn nguồn lực phục vụ cho công tác PCBLGĐ.

Đại biểu  này cũng cho rằng, việc ngăn chặn, xử lý BLGĐ chỉ hiệu quả khi thông tin phản ánh kịp thời. Tuy nhiên, 80% nạn nhân bị BLGĐ là nữ và 87,1% chọn giải pháp pháp im lặng. Vì vậy, theo đại biểu, cần quy định trách nhiệm của nạn nhân bị BLGĐ và thành viên gia đình  phải báo tin cho cơ qua công an khi bị BLGĐ. Có thể trong thời gian đầu, quy định này chưa thể thực hiện ngay nhưng đây là cơ sở để người dân dần hình thành ý thức thông báo hành vi BLGĐ.

Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang, ĐBQH tỉnh Vĩnh Long cũng đồng tình về việc cần tăng trách nhiệm của người bị BLGĐ và thành viên trong gia đình trong cung cấp thông tin về hành vi BLGĐ để tránh trường hợp vì các mối quan hệ họ hàng, thân thích mà cung cấp sai thông tin, gây khó khăn cho quá trình xử lý.

Bên cạnh đó, ĐB này cũng băn khoăn về quy định trách nhiệm của đối tượng gây ra BLGĐ phải bồi thường thiệt hại cho người bị BLGĐ vì nhiều trường hợp hai đối tượng này là người thân, ở cùng nhà, cùng có tài sản chung nên yêu cầu một bên bồi thường sẽ khó thực hiện.

Đại biểu Lý Anh Thư, Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang cho rằng, Điều 13 dự thảo Luật quy định yêu cầu thông tin truyền thông giáo dục cần đến “phụ nữ có thai, phụ nữ có con dưới 36 tháng tuổi, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người mắc bệnh hiểm nghèo, người sống ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội có nhiều khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, người thường xuyên kỳ thị phân biệt đối xử về giới, định kiến giới, kỳ thị phân biệt đối xử khác có hành vi cổ xúy cho bạo lực” là chưa phù hợp. Lý do là điều khoản này mang tính chất liệt kê, trong khi đó đối tượng cần phải tuyên truyền giáo dục về PCBLGĐ là rất nhiều. Thay vào đó, nên quy định khái quát, bao quát được hết mọi đối tượng và mang tính mở để vận dụng linh hoạt, phù hợp đối với từng đối tượng khác nhau. Bên cạnh đó, Dự thảo đưa đối tượng “người thường xuyên kỳ thị phân biệt đối xử về giới, định kiến giới, kỳ thị phân biệt đối xử khác” trong khi thực tế chưa có điều khoản nào hoặc văn bản quy phạm pháp luật nào định nghĩa chính xác về người kỳ thị, người phân biệt đối xử, định kiến về giới nên có thể vô hình dẫn đến việc quy chụp, đánh giá, xác định người kỳ thị kỳ thị, phân biệt đối xử, định kiến về giới dựa vào cảm giác, cảm quang, nhận định cá nhân.

Đề nghị bổ sung các hành vi bạo lực gia đình - ảnh 2

Đại biểu Lê Thanh Hoàng, ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho rằng, Điều 4 Dự thảo luật lấy nguyên tắc PCBLGĐ là người bị bạo lực là trung tâm. Tuy nhiên, theo đại biểu, phải xác định lấy người có nguy cơ bị bạo lực gia đình và người có xu hướng thực hiện hành vi bạo lực gia đình làm trung tâm. Như vậy mới có thể PCBLGĐ đến mức tối đa. Bên cạnh đó cũng cần xem lại nguyên tắc không hòa giải hành vi bạo lực gia đình tại khoản 2 điều 17. Bởi lẽ hành vi bạo lực gia đình là hành đã và đang diễn ra, nếu kịp thời ngăn chặn hòa giải các bên liên quan đến để chấm dứt ngay hành vi bạo lực gia đình là điều nên làm. Quy định không hòa giải hành vi cũng chưa thực sự rõ tính quy phạm văn bản luật, bởi lẽ hành vi theo từ điển của tiếng Việt là “toàn bộ những phản ứng cách cư xử  biểu hiện ra bên ngoài của một người trong hoàn cảnh cụ thể”, do đó không thể có việc hòa giải hành vi mà phải hướng đến người có hành vi bạo lực gia đình để có hành động tích cực phù hợp.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, ĐBQH tỉnh Hải Dương đề nghị không áp dụng hình thức hòa giải trong trường hợp người bị bạo lực là trẻ em vì thực tế, trẻ em còn non nớt về thể chất,tâm sinh lý nên không thể quyết định việc có hòa giải đối với đối tượng gây ra BLGĐ hay không.

Đại biểu cũng quan tâm tới quy định xử phạt “thực hiện hành vi cộng đồng”tại nơi cư trú đối với đối tượng gây ra hành vi BLGĐ và cho rằng, nhiều trường hợp, nạn nhân bị BLGĐ và đối tượng BLGĐ không ở cùng một địa bàn (ví dụ vợ chồng đã ly hôn, anh em, bố dượng, mẹ kế với con riêng…). Vì vậy nếu hành vi gây ra BLGĐ ở một nơi nhưng áp dụng “thực hiện hành vi cộng đồng” ở một nơi là không hợp lý.

ĐB Đỗ Đức Hồng Hà, Đoàn ĐBQH Hà Nội đề nghị bổ sung thêm 5 nhóm hành vi BLGĐ gồm: hành vi xâm phạm quyền tự do, dân chủ; hành vi xâm phạm quyền sở hữu; hành vi bạo lực kinh tế, tâm lý; hành vi vi phạm quy định chăm sóc nuôi dưỡng, cấp dưỡng; hành vi sử dụng truyền bá hình ảnh, âm thanh nhằm kích động BLGĐ…

Cũng vì vậy, để đảm bảo tính khoa học, tránh trùng lắp, Dự thảo cũng nên phân BLGĐ thành 6 nhóm gồm: Hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe; xâm phạm nhân phẩm, danh dự; xâm phạm quyền sở hữu, kinh tế; xâm phạm quyền tự do của con người, quyền tự do dân chủ của công dân; xâm phạm chế độ HNGĐ; xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Liên tục nợ thuế, Kim Oanh Group có đủ sức làm dự án 15.000 tỷ đồng?

Kim Oanh Group nợ thuế triền miên vẫn được Bình Dương chấp thuận làm dự án 15.000 tỷ đồng

Nhiều công ty nằm trong hệ sinh thái của Kim Oanh Group liên tục nằm trong danh sách nợ thuế, báo lỗ nhưng gần đây vẫn được UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận cho làm dự án Đầu tư xây dựng Một Thế Giới – The One World (dự án Hoà Lân) với tổng vốn đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng.
Tập trung gỡ khó cho Hoài Đức sớm hoàn thiện các tiêu chí lên quận

Tập trung gỡ khó cho Hoài Đức sớm hoàn thiện các tiêu chí lên quận

(PNTĐ) - Sáng 19/4, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền - Phó trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng, phát triển 5 huyện thành quận dẫn đầu đoàn công tác của UBND thành phố Hà Nội đã làm việc với huyện Hoài Đức về: Rà soát tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong công tác xây dựng và phát triển huyện Hoài Đức thành quận theo Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ thành phố; đánh giá tính khả thi phát triển huyện thành quận của Hoài Đức đến năm 2025.