Góp ý dự án Luật Thủ đô (sửa đổi):
Đề nghị Hà Nội có Quỹ hỗ trợ kinh phí sáng tạo
(PNTĐ) - Góp ý và làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến khoa học công nghệ của Thủ đô, đại biểu Nguyễn Thị Lan (đoàn Hà Nội) đề nghị bổ sung quy định thành phố có Quỹ hỗ trợ kinh phí sáng tạo, có chế độ lương, thưởng đặc biệt cho chuyên gia các lĩnh vực khoa học công nghệ quan trọng của thành phố, giao các trường đại học trên địa bàn Hà Nội tuyển dụng, lựa chọn, đào tạo, nuôi dưỡng đội ngũ chuyên gia cho Thành phố.
Xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo
Đại biểu Nguyễn Thị Lan (đoàn Hà Nội) bày tỏ đồng tình với nhiều nội dung trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) và đánh giá dự thảo luật đã được chuẩn bị khá công phu, nghiêm túc trên cơ sở đánh giá các kết quả thực hiện Luật Thủ đô năm 2012 trong thời gian vừa qua và đã xác định rõ bối cảnh, vị trí, vai trò yêu cầu phát triển của Thủ đô trong tình hình mới.
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã bổ sung, cập nhật, xem xét tính đồng bộ, tính phù hợp với các dự thảo luật sửa đổi về Luật Đất đai, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, thu hút nhân tài, phù hợp với bối cảnh toàn cầu hóa.
Dự thảo luật sửa đổi có tính kế thừa cao, bám sát các chủ trương, chính sách của Trung ương đối với sự phát triển của đất nước nói chung và Thủ đô trong thời gian tới nói riêng.
Dự thảo Luật đã cụ thể hóa được khá đầy đủ tinh thần Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn 2045 với rất nhiều điểm mới, như thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ gắn với thực tiễn sản xuất, xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước và khu vực; phát triển mạnh thị trường khoa học công nghệ, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hoạt động đổi mới công nghệ, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.
Góp ý và làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến khoa học công nghệ của Thủ đô, chủ yếu tập trung vào Điều 25 của dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Thị Lan cho rằng: Điều 25 về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số đã làm rõ và đánh giá cao việc phát huy tiềm năng, trí tuệ của các nhà khoa học, xác định rõ các lĩnh vực trọng điểm về khoa học công nghệ Thủ đô.
Cũng tại khoản 2 Điều 25, các chuyên gia, nhà khoa học chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ trọng điểm của Thủ đô được thụ hưởng các ưu đãi, trong đó thu nhập từ việc thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ đã được xác nhận là thu nhập không phải chịu thuế thu nhập cá nhân.
Bổ sung quy định thành phố có Quỹ hỗ trợ kinh phí sáng tạo
Đại biểu Nguyễn Thị Lan chỉ ra, một điểm mới quan trọng trong dự thảo luật sửa đổi đó là quyết định hoặc ủy quyền cho đơn vị chủ trì nhiệm vụ khoa học công nghệ, chủ nhiệm dự án khởi nghiệp sáng tạo có sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản công được chuyển giao không cần bồi hoàn đối với tài sản kết quả sản phẩm hình thành từ nhiệm vụ khoa học công nghệ, dự án khởi nghiệp sáng tạo.
“Quy định này có ý nghĩa như một động lực để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và giải quyết được nhiều vướng mắc trong vấn đề chuyển giao tài sản công và sở hữu trí tuệ”- đại biểu Nguyễn Thị Lan nhận định.
Các cơ chế, chính sách khuyến khích thúc đẩy nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo quy định trong dự thảo luật mang tính thử nghiệm, đột phá, được kỳ vọng là động lực quan trọng để phát triển toàn diện, bền vững Thủ đô trong thời gian tới. Để góp phần hoàn thiện thêm dự thảo, đại biểu đề nghị xem xét thêm một số nội dung:
Trong mục a khoản 1 Điều 25 dự thảo luật đã đề xuất khoán chi theo kết quả sản phẩm của nhiệm vụ, đây là một sự thay đổi để tạo thuận lợi cho các nhà khoa học.
“Đề nghị để khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà khoa học thì cần sửa đổi, bổ sung là khoán theo cả các gói sản phẩm trung gian của đề tài- đại biểu nhấn mạnh.
Sửa đổi khoản 4 Điều 25 theo hướng giao Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội xây dựng một chương trình khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trọng điểm của Thủ đô theo hướng trọng tâm, trọng điểm có tính liên ngành, liên tục, giải quyết triệt để một số vấn đề hay lĩnh vực quan trọng nào đó mà Thành phố cần, gắn với sản phẩm cuối cùng mang thương hiệu của Thành phố.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan cho rằng: “Trong Điều 25 cũng nên bổ sung quy định Thành phố có Quỹ hỗ trợ kinh phí sáng tạo, có chế độ lương, thưởng đặc biệt cho chuyên gia các lĩnh vực khoa học công nghệ quan trọng của thành phố, giao các trường đại học trên địa bàn Hà Nội tuyển dụng, lựa chọn, đào tạo, nuôi dưỡng đội ngũ chuyên gia cho thành phố”.
Về Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng nên ban hành điều khoản hoặc chế tài để xử lý vi phạm bản quyền công nghệ, vi phạm giá trị thương hiệu sản phẩm, sự không minh bạch, không trung thực trong hoạt động khoa học công nghệ, chuyển giao trên địa bàn Hà Nội và nhận chuyển giao từ thành phố Hà Nội để làm mô hình mẫu cho cả nước.
Về nội dung liên quan đến tổ chức mô hình chính quyền đô thị của Thủ đô Hà Nội, đại biểu bày tỏ đồng tình với nhiều đại biểu Quốc hội đã phát biểu về việc nâng số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố lên 125 đại biểu, số lượng đại biểu chuyên trách không quá 40%.
Về mô hình tổ chức chính quyền đô thị như dự thảo luật đề xuất đã được Quốc hội xem xét, cho thực hiện thí điểm tại Nghị quyết số 97/2019/QH14 và qua báo cáo sơ kết tháng 10/2023 của Chính phủ đã khẳng định mô hình này có hiệu quả. Đây cũng là cơ sở thực tiễn rất quan trọng để chúng ta đưa vào Luật Thủ đô (sửa đổi) trong lần này.
“Đề nghị Quốc hội sớm thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) để tạo khung khổ pháp lý cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô trong bối cảnh mới và thách thức mới”- đại biểu Nguyễn Thị Lan nói.