Đề xuất rút ngắn thời gian đóng bảo hiểm xã hội

Chia sẻ

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội vừa trình Chính phủ Dự thảo tờ trình đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân đến ngày 16/6/2021. Trong đó có nội dung rút ngắn thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động (NLĐ) để đảm bảo an sinh tuổi già bằng lương hưu.

Đề xuất rút ngắn thời gian đóng bảo hiểm xã hội - ảnh 1 (Ảnh: minh họa)

Theo dự kiến Dự thảo sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua trong các kỳ họp năm 2022 và 2023. Thời gian Luật có hiệu lực dự kiến từ ngày 1/1/2024.

Đóng bảo hiểm xã hội đủ năm để có lương hưu là cách đảm bảo an sinh tuổi già cho NLĐ khi về hưu. Thế nhưng, chính sách BHXH hiện nay có nhiều bất cập, chưa phù hợp với tốc độ già hóa dân số, không thu hút được NLĐ tham gia BHXH. Minh chứng là trong thời gian qua, tình trạng NLĐ rời khỏi hệ thống BHXH bằng việc rút BHXH một lần đang tăng đột biến. Thống kê của BHXH cho thấy, mỗi năm có khoảng 600.000 người lao động (NLĐ) đã làm thủ tục hưởng BHXH một lần. Đây là con số đáng lo ngại, bởi nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chính sách an sinh của người dân ở độ tuổi nghỉ hưu, khiến họ mất đi chỗ dựa khi về già.

BHXH là một chính sách xã hội quan trọng của Nhà nước nhằm đảm bảo thay thế và chia sẻ rủi ro từ các nguồn quỹ để bảo vệ NLĐ khi họ không còn khả năng làm việc, hoặc nghỉ thai sản, bị tai nạn… Do đó, BHXH được xem là "của để dành" của NLĐ. Khi rút khỏi hệ thống này, họ không chỉ mất nhiều quyền lợi của mình mà còn tạo gánh nặng cho hệ thống an sinh xã hội của Nhà nước.

Nguyên nhân của việc NLĐ rời khỏi hệ thống BHXH là do quy định hiện hành phải đóng đủ 20 năm BHXH quá dài, khiến NLĐ không thể tích lũy đủ số năm đóng để được hưởng lương hưu. Do đó, nhiều NLĐ hiện đang đóng BHXH muốn rời bỏ hệ thống trước tuổi nghỉ hưu bằng cách nhận BHXH một lần.

Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH của Ban Chấp hành Trung ương đề ra mục tiêu phấn đấu năm 2021 đạt khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, và 60% (năm 2023) số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí. Tuy nhiên, đến nay, chúng ta vẫn còn khoảng 9,2 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu (chiếm 65%) chưa thuộc diện bao phủ của hệ thống BHXH. Do đó, mục tiêu mà Nghị quyết 28 NQ/TW đề ra đang đối diện với nguy cơ không thể thực hiện được khi tình trạng NLĐ ồ ạt nhận BHXH một lần liên tục diễn ra.

Do đó, trong Dự thảo sửa đổi Luật BHXH lần này, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB & XH) đã kiến nghị rút ngắn thời gian đóng BHXH của NLĐ từ 20 năm xuống 15 năm và tiến tới xuống còn 10 năm.

Việc cải cách phương thức đóng, thời gian đóng BHXH để thu hút và giữ chân NLĐ tham gia BHXH là rất cần thiết. Tuy nhiên, với mức đóng BHXH 10 năm, 15 năm theo đề xuất của Bộ LĐTB&XH đề xuất, nhiều người cho rằng khó khả thi để đảm bảo mức an sinh tuổi già cho NLĐ. Bởi nếu tham gia số năm đóng BHXH ít thì đồng nghĩa mức lương hưu của NLĐ cũng sẽ rất thấp. Không ít NLĐ sẽ nhận mức lương hưu ở mức "chuẩn nghèo", thậm chí là dưới mức "chuẩn nghèo". Như vậy, an sinh tuổi già của NLĐ cũng khó được đảm bảo.

Vì vậy, để BHXH là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, cần khắc phục những hạn chế trong việc tổ chức và thực hiện chính sách BHXH. Hiện nay, hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH của chúng ta vẫn chưa theo kịp tình hình phát triển kinh tế - xã hội, chưa thích ứng với quá trình già hóa dân số và sự xuất hiện các quan hệ lao động mới. Việc mở rộng và phát triển đối tượng tham gia BHXH còn dưới mức tiềm năng; độ bao phủ BHXH tăng chậm trong khi số người hưởng BHXH một lần tăng nhanh. Bên cạnh đó là tình trạng trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi BHXH chậm được khắc phục. Hiệu lực, hiệu quả thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong thực hiện chính sách BHXH còn bất cập. Trong khi nhận thức của một bộ phận NLĐ, người sử dụng lao động về vai trò, mục đích, ý nghĩa của BHXH chưa đầy đủ, thì công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH hiện nay chưa thật sự tạo được sự tin cậy để thu hút NLĐ tham gia.

Do đó, Bộ LĐTB&XH cần có thêm những tính toán phù hợp hơn trong dự thảo sửa đổi Luật BHXH năm 2014. Cần có sự kết hợp hài hòa giữa nguyên tắc đóng và hưởng, hoàn thiện hơn cách tính mức lương đóng BHXH và mức lương hưu được nhận, để đảm bảo công bằng giữa lao động nam và lao động nữ, giữa khu vực Nhà nước và khu vực ngoài Nhà nước. Có như vậy, NLĐ mới yên tâm với hệ thống an sinh tuổi già mà không rời bỏ hệ thống BHXH như hiện nay.

HẠ THI

Tin cùng chuyên mục

Bản hùng ca bất diệt của các chiến sĩ Điện Biên năm xưa

Bản hùng ca bất diệt của các chiến sĩ Điện Biên năm xưa

(PNTĐ) - Hà Nội hiện nay có khoảng 2.200 người là chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến và 159 gia đình thân nhân liệt sĩ trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ đang sinh sống trên địa bàn Thành phố. Các chiến sĩ năm xưa tuy giờ tuổi đã cao, sức yếu, nhưng ý chí và truyền thống yêu nước, lòng nhiệt huyết xây dựng quê hương đã truyền lửa cho các thế hệ trẻ của Thủ đô hôm nay.
Hà Nội: Đảm bảo an toàn cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh lớp 10 trên địa bàn Thành phố

Hà Nội: Đảm bảo an toàn cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh lớp 10 trên địa bàn Thành phố

(PNTĐ) - Chiều 7/5, Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT thành phố Hà Nội năm 2024 và Ban Chỉ đạo  thi, tuyển sinh thành phố Hà Nội năm học 2024 - 2025 đã họp phiên thứ nhất, phân công nhiệm vụ cho các thành viên. Đồng chí Vũ Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND Thành phố - Trưởng 02 Ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp.