Liên đoàn Lao động Quận Cầu Giấy:
Đối thoại, giải đáp chính sách mới về tiền lương, bảo hiểm xã hội và sức khoẻ cho lao động nữ
(PNTĐ) - Chào mừng thành công Đại hội Công đoàn thành phố Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2023-2028, sáng 19/10, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) quận Cầu Giấy phối hợp với Báo Lao động Thủ đô tổ chức buổi đối thoại trực tiếp và giao lưu trực tuyến với sự tham dự của gần 300 cán bộ, đoàn viên công đoàn, người lao động với chủ đề “Chính sách mới về tiền lương, bảo hiểm xã hội và sức khỏe cho lao động nữ”.

Chương trình là hoạt động thiết thực của các cấp công đoàn Quận Cầu Giấy chào mừng thành công Đại hội Công đoàn Thành phố lần thứ XVII và kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam và Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10. Qua đây, các chuyên gia sẽ giải đáp thắc mắc của cán bộ Công đoàn, người sử dụng lao động và người lao động trên địa bàn quận về các chế độ, chính sách mới liên quan đến tiền lương, bảo hiểm xã hội và sức khỏe của lao động nữ.

Giải đáp câu hỏi của đoàn viên, người lao động có các chuyên gia: Dương Thị Minh Châu - Trưởng phòng Truyền thông, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội; Vũ Minh Huyền - Phó Trưởng phòng Xây dựng chính quyền, Sở Nội vụ thành phố Hà Nội; bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng - Phụ trách Trung tâm Ôxy cao áp Việt Nga.

Tham dự buổi đối thoại còn có: Ông Kiều Thanh Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo TP Hà Nội; ông Nguyễn Văn Chiến - Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Cầu Giấy; bà Nguyễn Thu Hà - Chủ tịch LĐLĐ quận Cầu Giấy.

Phát biểu khai mạc chương trình, ông Nguyễn Văn Bình - Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô cho biết: Tiền lương, bảo hiểm xã hội là những quyền lợi thiết thân, được người lao động đặc biệt quan tâm trong quá trình đi làm, tham gia quan hệ lao động. Đây cũng là mối quan tâm của người sử dụng lao động. Cùng với chế độ, chính sách, sức khỏe cũng là mối quan tâm hàng đầu của mọi người lao động. Từ những lý do nêu trên, Báo Lao động Thủ đô và LĐLĐ quận Cầu Giấy đã lựa chọn chủ đề của buổi đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến hôm nay là: “Chính sách mới về tiền lương, bảo hiểm xã hội và sức khỏe cho lao động nữ”.
“Chúng tôi mong muốn đoàn viên, người lao động mạnh dạn đặt những câu hỏi trực tiếp, nếu ở xa có thể gửi câu hỏi trực tuyến cho các chuyên gia để có thêm kiến thức bảo vệ quyền lợi, chăm sóc sức khỏe bản thân hoặc người thân”, Phó Tổng biên tập báo Lao động Thủ đô nhấn mạnh.

Trả lời câu hỏi của chị Bùi Thị Nhật Anh (phường Nghĩa Tân) về những trường hợp khen thưởng nào được xét nâng lương trước thời hạn, chuyên gia Vũ Minh Huyền cho hay: Hiện Hà Nội đang thực hiện theo Quyết định số 21/2017/QĐ-UBND của UBND thành phố về việc ban hành Quy định nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố Hà Nội.
Chị Nguyễn Hải Trà hỏi: Chị gái tôi sinh năm 1975, tính đến nay chị tôi đã đóng BHXH bắt buộc 15 năm 3 tháng và hiện đang đóng tiếp BHXH tự nguyện. Xin chuyên gia cho biết, chị tôi phải tiếp tục đóng cho đủ 20 năm rồi đợi tới tuổi hưu 55 tuổi mới được lĩnh hay phải đóng cho tới tuổi 55? Trường tôi có một giáo viên sinh năm 1973, do sức khỏe yếu nên chị không tham gia đứng lớp. Hiện nay với 30 năm đóng bảo hiểm xã hội nếu xin nghỉ hưu trước thì lương hưởng bảo hiểm của chị có được giữ như nghỉ hưu đúng tuổi không?
Giải đáp vấn đề trên, chuyên gia Dương Thị Minh Châu cho rằng, với trường hợp sinh năm 1975, hiện nay đang tham gia BHXH tự nguyện thì có quy định đóng tối thiểu là 20 năm và tối đa đối với nữ để đạt 75% là 30 năm đóng và khi chị tham gia BHXH tự nguyện thì chị có thể lựa chọn ít nhất 20 năm đóng BHXH trở lên. Đây là quyền lựa chọn của người lao động chứ không bắt buộc, do vậy việc tham gia tiếp BHXH để hưởng cao hơn cũng được hoặc dừng lại nếu không muốn tiếp tục cũng được.
Với trường hợp về hưu trước tuổi thì cần tính tuổi nghỉ hưu của năm đó. Năm nay với nam sẽ về hưu ở 60 tuổi 9 tháng và nữ là 56 tuổi. Muốn về sớm chỉ có thể về trước 5 năm và cần xét nghiệm y khoa để chứng minh bị suy giảm sức khỏe. Bạn muốn về hưu sớm cũng cần phải biết, mỗi năm về hưu trước tuổi sẽ bị trừ 2% tiền BHXH.

Tại buổi đối thoại, chuyên gia bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng - Phụ trách Trung tâm Ôxy cao áp Việt Nga đã giải đáp nhiều vấn đề về sức khoẻ. Chị Đoàn Thị Ngọc (Chủ tịch Công đoàn trường Tiểu học Nghĩa Đô) hỏi: Em trai tôi đi kiểm tra sức khỏe và được kết luận là bị xẹp phổi nhu mô 2 bên do hậu quả sau khi mắc Covid-19? Bệnh này có chữa được không và chữa như thế nào? Hiện nay tôi 50 tuổi và đang ăn chay trường, vận động tốt. Tuy nhiên nhiều người nói tuổi này ăn chay trường sẽ bị thiếu chất. Xin bác sĩ tư vấn ăn chay trường có tốt không và tôi cần bổ sung thêm chất gì?

Giải đáp vấn đề trên, chuyên gia Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng cho biết, hậu Covid-19 có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, như trường hợp em trai chị là bị xẹp phổi. Để khắc phục, trước hết em trai chị cần tập thở với tư thế và kỹ thuật phù hợp. Theo tôi, bài tập thở là quan trọng nhất. Cần tập thở thường xuyên với quyết tâm và ý chí cao. Thứ hai là cần nuôi dưỡng mạch máu với các thuốc hoạt huyết. Thứ ba là cần nuôi dưỡng tinh thần sao cho vui vẻ để tâm hồn được khỏe mạnh. Thứ tư có thể sử dụng các thuốc bổ chức năng liên quan đến phổi… dần dần sẽ hồi phục. Tôi đã thấy nhiều trường hợp cải thiện rõ rệt nhờ áp dụng 4 phương pháp này.
Với vấn đề ăn chay trường, quan điểm của tôi về vấn đề này là cần tôn trọng, tôn trọng suy nghĩ cá nhân, tôn giáo. Cần phải nói rõ là, cơ thể hay cụ thể hơn là hệ tiêu hóa sẽ thay đổi theo chế độ ăn. Bởi vậy, sẽ không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe.
"Tôi xin khẳng định ăn chay tốt và giảm tỉ lệ tim mạch và ung thư. Tuy nhiên ăn chay cũng sẽ dẫn đến thiếu một số chất thì cần bổ sung, cần phải thăm khám bác sĩ để có hướng dẫn cụ thể hơn. Khi có các xét nghiệm cụ thể thì sẽ có sự tư vấn cho bạn cụ thể. Qua đó có thể bổ sung bằng các thuốc hoặc thực phẩm hỗ trợ" - bác sĩ Hoàng nói.

Phát biểu bế mạc buổi giao lưu trực tuyến, bà Nguyễn Thị Thu Hà - Chủ tịch LĐLĐ quận Cầu Giấy nhấn mạnh: “Buổi đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tiếp hôm nay đã thành công tốt đẹp, thông qua đây, các cán bộ Công đoàn cơ sở và các đoàn viên, công nhân viên chức lao động đã được trang bị những kiến thức về chế độ chính sách từ đó bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người lao động, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, đồng thời, cũng được trang bị những kiến thức để có thể tự chăm sóc và nâng cao sức khỏe bản thân”.