Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954:

Đồng bào các dân tộc Điện Biên với tinh thần “cả nước cùng chống giặc”

Đồng chí MÙA A SƠN - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Điện Biên
Chia sẻ

(PNTĐ) - Phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đã chung sức, đồng lòng, cùng với cả nước, tích cực chủ động tham gia phục vụ chiến trường với tất cả tinh thần, sức lực, trí tuệ và của cải, tất cả cho chiến thắng.

Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc, có vị trí chiến lược quan trọng, nằm giữa các tỉnh Tây Bắc của nước ta, có đường biên tiếp giáp tỉnh Bắc Lào và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).

Nhân dân các dân tộc Điện Biên vốn có truyền thống yêu nước nồng nàn, đoàn kết, kiên cường, dũng cảm trong chiến đấu, cần cù, sáng tạo trong lao động. Truyền thống quý báu đó được hun đúc và phát huy cao độ trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trên mảnh đất Điện Biên (lúc đó thuộc Lai Châu), cách đây hơn 70 năm, trong 2 ngày 20 – 21/11/1953, thực dân Pháp đã cho 6 tiểu đoàn Âu Phi tinh nhuệ nhảy dù xuống chiếm cánh đồng Mường Thanh, xây dựng nơi đây thành tập đoàn cứ điểm quân sự mạnh nhất ở Đông Dương. Địch cho không quân đánh phá và thả biệt kích, thám báo xuống các huyện Quỳnh Nhai, Tuần Giáo, Thuận Châu, dùng lực lượng phản động, thổ phỉ phá hoại, quấy rối hậu phương của ta.

Đồng bào các dân tộc Điện Biên với tinh thần “cả nước cùng chống giặc” - ảnh 1
Thung lũng Mường Thanh, Điện Biên Phủ trước khi quân Pháp đổ bộ.

Về phía ta, trong kế hoạch Đông Xuân 1953 - 1954, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng chủ trương đưa bộ đội chủ lực lên Tây Bắc để buộc địch phải phân tán lực lượng, tạo điều kiện để quân ta tiêu diệt sinh lực của chúng, phối hợp với các chiến trường. Khi được tin địch nhảy dù đánh chiếm Điện Biên Phủ, Bộ Chính trị nhận định: Địch đang bị động đối phó, buộc phải phân tán một bộ phận cơ động lên Điện Biên Phủ và tăng viện để xây dựng thành một tập đoàn cứ điểm, hoặc rút lui. Tuy nhiên, cho dù tình hình địch có thay đổi thế nào, việc chúng nhảy dù xuống Điện Biên Phủ là có lợi cho ta, đề nghị toàn quân, toàn dân chuẩn bị kỹ cho chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954.

Vào thời gian Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung ương Đảng và Khu ủy Tây Bắc giao nhiệm vụ cho tỉnh Đảng bộ, quân và dân Lai Châu động viên nhân dân huy động sức người, sức của phục vụ tiền tuyến, đóng vai trò hậu phương tại chỗ của mặt trận theo phương châm: “Huy động tại chỗ và tích cực vận chuyển từ hậu phương ra tuyền tuyến”, với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

Trong toàn Tỉnh, từ vùng thấp đến vùng cao, đồng bào các dân tộc Điện Biên nghe theo tiếng gọi của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã tích cực đóng góp lương thực, thực phẩm phẩm và lên đường phục vụ chiến dịch, tham gia chiến đấu, đóng góp công sức, xương máu góp phần tạo nên Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử.

Trong thời gian Đại tướng Võ Nguyên Giáp chuyển Sở Chỉ huy Chiến dịch từ bản Huổi He, xã Nà Tấu về Mường Phăng (từ 31/1 – 15/5/1954), nhân dân thuộc cộng đồng các dân tộc ở Mường Phăng chung tay đóng góp sức người, sức của, cùng lực lượng công binh khảo sát địa hình để xây dựng Sở Chỉ huy Chiến dịch; giữ bí mật cho các lực lượng xây dựng căn cứ, góp phần bảo đảm Chiến dịch toàn thắng.

Trước yêu cầu cấp bách của chiến trường, Ban cán sự Đảng tỉnh đã đề ra chương trình, kế hoạch công tác của tỉnh, củng cố xây dựng vùng mới giải phóng, trong đó nhiệm vụ trọng tâm là phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ; phân công các đồng chí ủy viên xuống các huyện, xã trọng điểm chỉ đạo phong trào, điều động một số cán bộ các ngành chuyên môn xuống giúp cán bộ cơ sở tổ chức huy động nhân lực, vật lực phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Đồng bào các dân tộc Điện Biên với tinh thần “cả nước cùng chống giặc” - ảnh 2
Dân công hỏa tuyến thồ gạo cung cấp cho mặt trận.

Các ngành của tỉnh tuy mới thành lập, còn nhiều khó khăn nhưng đã cố gắng để phục vụ tốt chiến dịch như: Ngành Công an, Ngành Lương thực, Ngành Y tế... Với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, khắp các địa phương trong tỉnh, từ vùng tự do đến vùng mới giải phóng, từ đồng bào các dân tộc Thái, Mông, Kinh đến Hà Nhì, Mảng, Khơ Mú... người người, nhà nhà thi đua tiếp lương, tải đạn phục vụ Chiến dịch.

Tại địa bàn huyện Điện Biên, huyện Tuần Giáo, nơi tiếp giáp với mặt trận đều ra sức chuẩn bị mọi cơ sở vật chất và tạo điều kiện tốt nhất cho Chiến dịch, củng cố, bảo vệ cơ sở, chuẩn bị sức người, sức của, kho tàng, phương tiện và sẵn sàng huy động lương thực, thực phẩm khi Chiến dịch yêu cầu.

Cùng với công tác phục vụ chiến trường, quân và dân Điện Biên còn tham gia công tác tiễu phỉ góp phần làm trong sạch địa bàn cơ sở. Những hoạt động đó có tác dụng to lớn, làm cho nhân dân càng căm thù giặc, tự nguyện giúp đỡ, ủng hộ cán bộ, bộ đội tiễu phỉ. Các lực lượng vũ trang được dân quân, du kích và đồng bào dẫn đường, hành quân xuyên rừng, vượt núi hình thành thế bao vây, chia cắt địa bàn phỉ tập trung lớn.

Kết quả của chiến dịch tiễu phỉ, lực lượng vũ trang Điện Biên đã làm tan rã hầu hết các cụm phỉ, tiêu diệt tại chỗ 88 tên, trong đó có một số tên đầu sỏ và chỉ huy, bắt 120 tên, thu 867 khẩu súng các loại và nhiều đồ dùng quân sự khác. Riêng khu vực Mường Tè, vùng Ba Chà, ta đã tiêu diệt trên 300 tên, có 75 tên cầm đầu, thu 913 khẩu súng các loại, nhiều đạn dược và máy vô tuyến điện.

Ngày 7/5/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Ban cán sự đảng Lai Châu (nay là Điện Biên và Lai Châu) nhân dân các dân tộc Điện Biên đã huy động sức người, sức của, phát huy tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm, tích cực đóng góp lương thực, thực phẩm, trực tiếp tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu.

Đồng bào các dân tộc Điện Biên với tinh thần “cả nước cùng chống giặc” - ảnh 3
Bộ đội công binh và dân công mở đường tiến vào Điện Biên Phủ.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng bào các dân tộc tỉnh Lai Châu (nay là tỉnh Điện Biên và tỉnh Lai Châu) đóng góp cho chiến dịch 2.666 tấn gạo (vượt mức 64 tấn); 226 tấn thịt (vượt mức 43 tấn); 210 tấn rau xanh; huy động được 16.972 dân công với 568.139 ngày công; 438 ngựa thồ, hàng nghìn thuyền mảng, góp 25.070 cây gỗ để chống lầy, làm đường cho xe pháo và bộ đội hành quân. Đồng bào huyện Điện Biên khi bị địch dồn vào các nơi tập trung còn đuổi trâu, bò, lợn, gà của mình vào rừng và báo cho bộ đội ta, quyết không để rơi vào tay giặc.

Trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ diễn ra ở địa hình rừng núi hiểm trở, xa hậu phương, có nhiều đèo cao, vực sâu, mạng lưới giao thông chiến lược hầu như chưa có. Trong khi đó, miền Tây Bắc vừa được giải phóng, kinh tế còn chậm phát triển, đời sống của đồng bào còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Chính vì vậy, để bảo đảm một khối lượng lớn vật chất hậu cần, kỹ thuật cho một chiến dịch lớn chưa từng có và diễn ra dài ngày là điều cực kỳ khó khăn, đòi hỏi phải phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp.

Có thể khẳng định rằng, chỉ có sự tin tưởng tuyệt đối vào Đảng, vào Bác Hồ, vào bộ đội, đồng bào mới sẵn sàng đóng góp cho chiến dịch như vậy. Đó là một nỗ lực phi thường thể hiện bản lĩnh của một dân tộc, một đất nước còn nghèo nàn, lạc hậu, đang phải tiến hành cuộc kháng chiến cứu nước trường kỳ đầy gian khổ, hy sinh.

Trong điều kiện đời sống của đồng bào còn khó khăn, thiếu thốn, có vùng không đủ ăn, không đủ mặc, nhưng khi biết có bộ đội đến đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược và tay sai cướp của, giết người, phá bản thì đồng bào sẵn sàng “đói hơn, vất vả hơn” để nhường lương thực cho bộ đội… đã cho thấy tinh thần “cả nước cùng ra trận” đúng như những lời nhận xét của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Những đóng góp của đồng bào các các dân tộc Điện Biên là nhân tố rất quan trọng góp phần cùng cả nước làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ. Quân và dân tỉnh Lai Châu (nay là tỉnh Điện Biên và tỉnh Lai Châu) phấn khởi và tự hào được Đảng và Chính phủ trao tặng những phần thưởng cao quý. Toàn Tỉnh đã có 700 cá nhân xuất sắc, 09 xã điển hình, 38 bản gương mẫu được Trung ương, Khu ủy Tây Bắc và Tỉnh tặng bằng khen về công tác phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Thời gian đã lùi xa 70 năm, nhưng Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” mãi mãi là mốc son chói lọi trong lịch sử và niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, là sức mạnh tinh thần, nguồn cổ vũ lớn lao cho nhân dân cả nước. Đặc biệt, đối với đồng bào các dân tộc Điện Biên, tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, ý chí quyết chiến, quyết thắng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, đang tiếp thêm động lực, sức mạnh cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Điện Biên vững bước trên con đường xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Tin cùng chuyên mục

Phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của cơ sở

Phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của cơ sở

(PNTĐ) - Chiều 4/5, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã tiếp xúc với cử tri Đơn vị bầu cử số 1 (các quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng). Tham gia tiếp xúc cử tri còn có các đại biểu Quốc hội: Trung tướng Nguyễn Quốc Duyệt, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô; Phạm Thị Thanh Mai, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố.
Khởi tố bị can đối với nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng

Khởi tố bị can đối với nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng

(PNTĐ) - Chiều 4/5, tại họp báo Chính phủ thường kỳ, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công An cho biết: Ngày 30/4 vừa qua, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Mai Tiến Dũng, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ