Dự án Vành đai 4: Hà Nội đã phê duyệt và thu hồi đất được gần 40%
(PNTĐ) -Chiều 14/3, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy chủ trì làm việc với Ban Chỉ đạo triển khai dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội trên địa bàn thành phố về tình hình triển khai dự án.
Báo cáo tình hình thực hiện dự án tại Hà Nội, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội Nguyễn Chí Cường cho biết, đến nay, tổng số mộ trên địa bàn thành phố đã di chuyển là 5.448/10.912 ngôi (đạt 49,93%). Thành phố cũng đã phê duyệt và thu hồi đất được 314,32/796,766ha (đạt 39,45%). Tổng số tiền đã phê duyệt trên địa bàn thành phố là hơn 2.713 tỷ đồng.
Kết quả cụ thể theo địa bàn như sau: Đối với việc di dời mộ, huyện Sóc Sơn di dời được 893/897 ngôi; huyện Mê Linh 370/370 ngôi; huyện Đan Phượng 440/1.678 ngôi; huyện Hoài Đức 1.405/3.370 ngôi; quận Hà Đông 211/2.255 ngôi; huyện Thanh Oai 476/496 ngôi và huyện Thường Tín 1.653/1.846 ngôi.
Đối với diện tích thu hồi, huyện Sóc Sơn đã thu hồi được 38,96/48,23ha; huyện Mê Linh 48,20/145,66ha; huyện Đan Phượng 33,15/74,80ha; huyện Hoài Đức 85,70/239,63ha; quận Hà Đông 19,71/66,97ha; huyện Thanh Oai 37,70/86,94ha; huyện Thường Tín 50,90/134,54ha.
Trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo sẽ tập trung đôn đốc triển khai công tác giải phóng mặt bằng bảo đảm tiến độ hoàn thành 70% khối lượng trong tháng 6-2023. Đồng thời, Ban Chỉ đạo sẽ phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường các dự án thành phần 1.1, 2.1 và dự án thành phần 3, phấn đấu xong trước ngày 20-3-2023; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải về việc thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần 3.
Ban Chỉ đạo cũng sẽ phối hợp với các bộ, các tỉnh lân cận, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương xử lý các vướng mắc liên quan đến việc triển khai đối với các hạng mục sử dụng vốn đầu tư công trong dự án thành phần 3 (tiểu dự án đầu tư công trong dự án PPP); lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án thành phần 3; giải quyết các khó khăn, vướng mắc về vật liệu và đổ thải; rà soát các mỏ vật liệu xây dựng để bảo đảm nguồn cung cấp cho dự án...
Buổi làm việc đã tập trung nghe các ý kiến, kiến nghị của các cơ quan, đơn vị và 7 quận, huyện có dự án đi qua; thảo luận, giải đáp những vấn đề còn có cách hiểu khác nhau; thống nhất các giải pháp, hướng dẫn cách giải quyết các trường hợp cụ thể trong giải phóng mặt bằng ở các địa phương và các hạn chế tồn tại liên quan...
Phát biểu chỉ đạo và kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng ghi nhận, đánh giá cao sự vào cuộc trách nhiệm, kết quả triển khai dự án, nhất là kết quả công tác giải phóng mặt bằng của Ban Chỉ đạo thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trên địa bàn thành phố Hà Nội và ở các quận, huyện.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nêu rõ, đây là dự án trọng điểm quốc gia. Trong quá trình thực hiện, thành phố đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Khi thực hiện phải vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm cao, tăng cường hợp tác, phối hợp, không “quyền anh, quyền tôi”; không được để xảy ra sai sót, đặc biệt là không được để thất thoát, lãng phí, tham nhũng. Nếu để xảy ra sai sót đến mức phải xử lý mà không tự phát hiện được thì bí thư, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra quận ủy, huyện ủy cũng phải chịu trách nhiệm.
Về việc triển khai phương án tái định cư, đồng chí Bí thư Thành ủy một lần nữa lưu ý các quận, huyện tiếp tục xác định rõ mục tiêu là bố trí nơi ở mới cho các hộ thuộc diện tái định cư ở địa điểm đất đấu giá. Khi thực hiện các chính sách đền bù, hỗ trợ, phải bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng và vận dụng tối đa theo quy định cho người dân; bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch, công bằng.
Trong quá trình thực hiện, lãnh đạo các quận, huyện sát sao với công việc tại cơ sở, tăng cường kiểm tra, giám sát, chú ý bảo đảm đúng quy định pháp luật trong xác định nguồn gốc và diện tích đất ở.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cũng biểu dương các địa phương có những cách làm chủ động, sáng tạo, hiệu quả. Đơn cử như huyện Đan Phượng, sau khi giải phóng mặt bằng, cùng với việc lập hồ sơ, còn tổ chức quay phim bằng flycam ghi nhận hiện trạng làm căn cứ để quản lý, xử lý vi phạm.
“Đây là biện pháp tốt, đề nghị các quận, huyện học hỏi, áp dụng để quản lý mặt bằng, không để tái lấn chiếm”- đồng chí Đinh Tiến Dũng chỉ đạo.
Bí thư Thành ủy nhấn mạnh các nguyên tắc về bố trí vốn giải phóng mặt bằng, bảo đảm đúng nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết của Chính phủ và quy định pháp luật; trong đó, riêng về vốn giải phóng mặt bằng thì chỉ diện tích thuộc chỉ giới dự án đường Vành đai 4 mới được sử dụng vốn của dự án này.
Đối với việc lựa chọn nhà thầu cho dự án thành phần, quá trình thực hiện phải đúng các quy định và trên tinh thần “chọn mặt gửi vàng”, lựa chọn nhà thầu có năng lực thực sự.
Nhấn mạnh vấn đề mỏ vật liệu để bảo đảm nguồn phục vụ dự án rất quan trọng, Bí thư Thành ủy lưu ý Ban Chỉ đạo khi thực hiện phải vừa bảo đảm trữ lượng các mỏ, vừa bảo đảm năng lực khai thác. Nhiệm vụ này phải được đẩy nhanh tiến độ toàn diện. Đồng chí Đinh Tiến Dũng cũng yêu cầu, Ban Chỉ đạo rà soát kỹ về các nguồn để bảo đảm đủ vốn, đáp ứng nhu cầu của dự án trên địa bàn thành phố theo tiến độ.
Đồng chí Đinh Tiến Dũng yêu cầu từng đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo triển khai dự án trên địa bàn thành phố Hà Nội, lãnh đạo các cấp, các ngành tiếp tục vào cuộc với ý chí quyết tâm và tinh thần trách nhiệm cao nhất; xác định tất cả vì việc chung; coi kết quả thực hiện dự án là danh dự, là trách nhiệm của bản thân. Khi thực hiện, các cấp, các ngành và từng cá nhân phải sâu sát cơ sở, bảo đảm liên thông trên tinh thần “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”; bảo đảm tiến độ đề ra, có vướng mắc vượt thẩm quyền phải báo cáo ngay.