Dự thảo Luật Đường bộ: Thanh tra giao thông có được kiểm tra, xử lý vi phạm trên đường không?

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Quy định này nhằm bảo đảm thống nhất, tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa lực lượng Cảnh sát giao thông và lực lượng Thanh tra đường bộ, tránh phiền hà cho người tham gia giao thông khi có nhiều lực lượng có thẩm quyền xử lý vi phạm trên đường bộ.

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ. Sau khi Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đường bộ, cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Dự thảo Luật Đường bộ: Thanh tra giao thông có được kiểm tra, xử lý vi phạm trên đường không? - ảnh 1
Quang cảnh kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV ngày làm việc thứ 2.

Dự thảo Luật Đường bộ trình Quốc hội thảo luận có 86 điều, giảm 6 điều so với dự thảo Luật Chính phủ trình; đã chỉnh sửa nội dung 82 Điều, bỏ 7 Điều, gom nội dung một số điều để xây dựng thành điều mới, sắp xếp lại vị trí 3 Điều.

Không thực hiện kiểm tra, xử lý vi phạm trên đường

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới, đa số đại biểu quốc hội (ĐBQH) cơ bản nhất trí với phạm vi điều chỉnh và các quy định tại Chương I của dự thảo Luật; một số ĐBQH đề nghị tiếp tục rà soát để phân định rõ, tránh trùng dẫm với phạm vi điều chỉnh của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; đề nghị rà soát quy định về quy hoạch mạng lưới đường bộ, quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ, hệ thống đường địa phương, đường đô thị; cơ sở dữ liệu đường bộ; hệ thống giao thông thông minh để bảo đảm tính thống nhất, tính khả thi và tiết kiệm, hiệu quả...

Dự thảo Luật Đường bộ: Thanh tra giao thông có được kiểm tra, xử lý vi phạm trên đường không? - ảnh 2
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới trình bày báo cáo tại kỳ họp thứ 7

Căn cứ ý kiến ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tiếp thu, chỉnh lý các quy định của dự thảo Luật. Về hệ thống giao thông thông minh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng đây là nội dung mới và có sự thay đổi, phát triển nhanh chóng, nếu quy định cụ thể trong dự thảo Luật sẽ không sát thực tiễn, vì vậy Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chỉ quy định những nguyên tắc chung và giao Chính phủ quy định chi tiết, đồng thời đề nghị Quốc hội cho chuyển nội dung này sang Điều 40 của dự thảo Luật.

Về kết cấu hạ tầng đường bộ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tiếp thu, chỉnh lý tối đa theo ý kiến ĐBQH, tập trung vào các quy định tại Điều 8 (phân loại đường bộ theo cấp quản lý), Điều 12 (quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ), Điều 15 (hành lang an toàn đường bộ), Điều 16 (sử dụng đất hành lang an toàn đường bộ), Điều 28 (đầu tư, xây dựng công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường bộ), Điều 31 (bàn giao, đưa công trình đường bộ vào khai thác)...

Đối với các quy định về đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo bổ sung, chỉnh lý Điều 8 để xác định trách nhiệm của các chủ thể trong quản lý đường bộ, trên cơ sở đó chỉnh lý Điều 28, Điều 37 dự thảo Luật để xác định trách nhiệm đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ theo hướng viện dẫn quy định tại Điều 8.

Về nguồn tài chính để đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ và nguồn thu từ kết cấu hạ tầng đường bộ, tiếp thu ý kiến ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh sửa khoản 2 Điều 42 để thống nhất với quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Liên quan đến ý kiến đề nghị bổ sung một số quy định cụ thể về yêu cầu kỹ thuật đối với đường cao tốc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giao Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải quy định trong quy chuẩn kỹ thuật về đường cao tốc để bảo đảm phù hợp với thực tiễn và phù hợp thẩm quyền.

Đối với quy định về mở rộng, nâng cấp đường cao tốc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý để thống nhất với quy định của pháp luật về xây dựng, pháp luật về đầu tư công, pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư… và phù hợp với thực tiễn nhằm tạo cơ sở pháp lý thu hút nguồn lực tài chính cho hoạt động đầu tư mở rộng, nâng cấp các tuyến đường bộ hiện hành thành đường cao tốc hoặc các tuyến đường cao tốc được đầu tư theo quy mô phân kỳ.

Về hoạt động vận tải, ông Lê Tấn Tới cho biết, tiếp thu ý kiến ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho chỉnh lý các quy định tại Chương IV theo hướng rà soát, bảo đảm thống nhất với quy định của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, chỉ tập trung quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vận tải, trách nhiệm của các chủ thể trong hoạt động kinh doanh vận tải và các dịch vụ hỗ trợ hoạt động vận tải đường bộ.

Về quản lý nhà nước về hoạt động đường bộ, tiếp thu ý kiến ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho bổ sung tại khoản 2 Điều 83 của dự thảo Luật để bảo đảm thống nhất với dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, vì việc thanh tra hoạt động đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và kiểm định phương tiện trong lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực hiện.

Đối với ý kiến đề nghị quy định Thanh tra đường bộ được dừng phương tiện để xử lý, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh nêu, để bảo đảm thống nhất, tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa lực lượng Cảnh sát giao thông và lực lượng Thanh tra đường bộ, tránh phiền hà cho người tham gia giao thông khi có nhiều lực lượng có thẩm quyền xử lý vi phạm trên đường bộ, dự thảo Luật quy định theo hướng Thanh tra đường bộ thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, không thực hiện kiểm tra, xử lý vi phạm trên đường, chỉ xử lý trách nhiệm thông qua các điểm giao thông “tĩnh”, qua cơ sở dữ liệu; việc tuần tra, xử lý trên đường do lực lượng Cảnh sát giao thông thực hiện.

Về hiệu lực thi hành, căn cứ đề nghị của cơ quan soạn thảo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tiếp thu, chỉnh lý và đề nghị Quốc hội cho bổ sung khoản 2 Điều 85 dự thảo Luật, theo đó các quy định liên quan đến việc thu phí sử dụng đường cao tốc sẽ có hiệu lực từ ngày 1/10/2024 để kịp thời tổ chức triển khai hoạt động thu phí sử dụng đường bộ cao tốc theo quy định của Luật này.

Cần quy định chặt chẽ hơn đối với loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng

Góp ý về dự thảo luật, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) cho rằng: Cần quy định chặt chẽ hơn đối với loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng.

Dự thảo Luật Đường bộ: Thanh tra giao thông có được kiểm tra, xử lý vi phạm trên đường không? - ảnh 3
Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) phát biểu

Đại biểu cho biết, theo Điều 56 của dự thảo Luật, trong thực tế hiện nay, phát sinh việc kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, nhưng thực tế, về bản chất lại kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định (chở khách di chuyển thường xuyên hàng ngày cùng một điểm đi và điểm đến), việc này đã tác động tiêu cực đến việc thực thi pháp luật, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị kinh doanh vận tải và tiềm ẩn nguy cơ gây mất trật tự an toàn giao thông. Do đó, đại biểu đề nghị cần quy định chặt chẽ hơn đối với loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng.

Dự thảo Luật Đường bộ: Thanh tra giao thông có được kiểm tra, xử lý vi phạm trên đường không? - ảnh 4
Đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) phát biểu

Cũng liên quan đến nội dung vận tải hành khách theo hợp đồng tại khoản 10, Điều 56 của dự thảo Luật, đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) đề nghị cần tạo điều kiện cho dịch vụ chia sẻ chuyến xe dưới 10 chỗ được hoạt động.

Dự thảo Luật quy định đối với loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, đơn vị kinh doanh vận tải chỉ được ký hợp đồng vận tải hành khách với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe, nghĩa là mỗi chuyến xe hợp đồng chỉ được chở một hành khách hoặc một nhóm khách duy nhất.

Theo đại biểu Tạ Thị Yên việc Ban soạn thảo đưa ra quy định này nhằm ngăn chặn tình trạng núp dưới bóng xe hợp đồng để kinh doanh vận tải hành khách liên tỉnh theo tuyến cố định. Tuy nhiên, điều này lại đang vô tình làm hạn chế một loại hình vận tải hành khách phổ biến ở nhiều quốc gia khác, đó là mô hình chia sẻ chuyến xe hợp đồng dưới 10 chỗ thông qua các nền tảng gọi xe trực tuyến.

Mô hình này mang lại nhiều lợi ích cho xã hội, vì có thể tối đa hóa số lượng người di chuyển trong một chuyến đi, do đó, sẽ giúp giảm đáng kể lưu lượng xe lưu thông trên đường và giải quyết phần nào tình trạng tắc nghẽn giao thông. Đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo và Cơ quan chủ trì thẩm tra rà soát và điều chỉnh khoản 10 Điều 56 theo hướng vừa kiểm soát tình trạng “xe dù, bến cóc”, nhưng vẫn tạo điều kiện cho dịch vụ chia sẻ chuyến xe dưới 10 chỗ được hoạt động.

Theo đại biểu, đây cũng là cách thiết thực để thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc dần tiến tới hạn chế phương tiện cá nhân, phát triển vận tải hành khách công cộng, giảm thiểu khí thải nhà kính, sử dụng hợp lý, có hiệu quả các nguồn lực của xã hội để phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Tin cùng chuyên mục

Báo chí đối ngoại: Đưa Việt Nam ra thế giới và đưa thế giới về Việt Nam

Báo chí đối ngoại: Đưa Việt Nam ra thế giới và đưa thế giới về Việt Nam

(PNTĐ) - Công tác thông tin đối ngoại, bao gồm báo chí đối ngoại đã được khẳng định là nhiệm vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng và phát triển đất nước. Điều này đã được nhấn mạnh trong các Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII cũng như các nghị quyết của Chính phủ. Báo chí đối ngoại đã và đang đóng góp không nhỏ vào việc nâng cao hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế, tạo dựng mối quan hệ thân thiện và hợp tác với các quốc gia.
Tây Hồ chủ động, sẵn sàng vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp

Tây Hồ chủ động, sẵn sàng vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp

(PNTĐ) - Từ ngày 1/7/2025, Hà Nội chính thức triển khai mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp: Cấp thành phố và cấp xã. Đây là bước chuyển đổi lớn trong bộ máy quản lý nhà nước, phù hợp với đặc thù đô thị của Thủ đô. Trong đó, các quận như Tây Hồ với quyết tâm chính trị cao đã chủ động, nghiêm túc chuẩn bị từ sớm và kỹ lưỡng mọi mặt để vận hành mô hình mới một cách đồng bộ và thực chất.
100 năm đồng hành cùng lịch sử vẻ vang của dân tộc

100 năm đồng hành cùng lịch sử vẻ vang của dân tộc

(PNTĐ) - “Năm 2025, nền báo chí cách mạng Việt Nam tròn 100 năm tuổi - một cột mốc quan trọng, đánh dấu chặng đường lịch sử vẻ vang của nền báo chí cách mạng đồng hành cùng sự ra đời, trưởng thành và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong suốt quá trình đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng mà đầu tiên và trực tiếp là Chủ tịch Hồ Chí Minh, báo chí cách mạng Việt Nam luôn là lực lượng nòng cốt, giữ vai trò tiên phong trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và đất nước” - Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh tại Lễ trao giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng "Búa liềm vàng" lần thứ IX - năm 2024.
Nhìn lại thành công của Diễn đàn Báo chí toàn quốc năm 2025

Nhìn lại thành công của Diễn đàn Báo chí toàn quốc năm 2025

(PNTĐ) - Diễn đàn Báo chí toàn quốc năm 2025 chính thức bế mạc với nhiều thành công. Theo nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam,  các phiên thảo luận chuyên tại Diễn đàn đã được tổ chức bài bản, khoa học, với chủ đề mang tính thời sự rất cao, nội dung phong phú.