Gia Lâm: Tích cực tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo các mô hình sinh hoạt chi bộ
(PNTĐ) - Chiều 14/6, Huyện ủy Gia Lâm tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Đề án số 11-ĐA/TU ngày 6/12/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về "Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ thuộc Đảng bộ thành phố Hà Nội trong tình hình mới" tại Đảng bộ huyện Gia Lâm.
Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Gia Lâm Nguyễn Tuấn Khanh cho biết: Đảng bộ huyện hiện có 74 tổ chức cơ sở Đảng, trong đó 32 Đảng bộ cơ sở; 397 chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở, 11.732 đảng viên, trong đó có 11.472 đảng viên chính thức, 260 đảng viên dự bị, 2160 đồng chí được miễn công tác và sinh hoạt Đảng.
Thời gian qua, Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy Gia Lâm luôn chú trọng việc xây dựng và củng cố chi bộ, trong đó tập trung vào việc đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Huyện ủy thường xuyên chú trọng công tác triển khai, cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết, kết luận, hướng dẫn của Trung ương, Thành ủy về chi bộ và sinh hoạt chi bộ gắn với thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Từ năm 2022 đến nay, Ban Thường vụ Huyện uỷ đã tổ chức 3 hội nghị chuyên đề về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ tại các loại hình chi bộ tại xã, thị trấn; chi bộ trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước; tổ chức 2 lớp bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ công tác Đảng cho 984 lượt bí thư, phó bí thư chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở. Thường trực, Ban Thường vụ Huyện uỷ, Uỷ viên BCH Đảng bộ huyện đã dự sinh hoạt tại 144 lượt chi bộ.
Sau 3 năm triển khai thực hiện Đề án 11-ĐA/TU của Thành ủy, các chi bộ trên địa bàn huyện đã thực hiện nghiêm chế độ sinh hoạt chi bộ thường kỳ và chuyên đề; thực hiện đầy đủ nội dung, đúng quy trình các bước tổ chức sinh hoạt chi bộ; 100% chi bộ có đầy đủ tài liệu phục vụ sinh hoạt chi bộ; tỷ lệ đảng viên tham gia sinh hoạt chi bộ định kỳ hằng tháng đạt từ 90% trở lên. Các chi bộ thực hiện nghiêm túc việc phân công nhiệm vụ cho đảng viên, tỷ lệ chi bộ và đảng viên được xếp loại hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ luôn đạt hơn 94%, không có chi bộ không hoàn thành nhiệm vụ.
Những kết quả trên đã góp phần quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đến nay huyện đã hoàn thành 20/20 xã đạt nông thôn mới nâng cao, trong đó có 5 xã nông thôn mới kiểu mẫu, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra. Huyện đang tập trung hoàn thiện hồ sơ trình Trung ương công nhận huyện đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao; hoàn thiện hồ sơ, Đề án sắp xếp đơn vị hành chính các xã, thị trấn trên địa bàn huyện giai đoạn 2023-2025, trình UBND thành phố Hà Nội...
Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo cũng đánh giá tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng Đảng, chỉ rõ sinh hoạt chi bộ ở một số đơn vị còn mang tính hình thức, nặng về sinh hoạt chuyên môn, hiệu quả thấp..
Nguyên nhân từ nhận thức và ý thức trách nhiệm của Đảng ủy, Ban thường vụ Đảng ủy và một số chi ủy chi bộ chưa cao, còn chủ quan, giản đơn, ngại khó; chưa tích cực tìm tòi, đổi mới, tìm ra các giải pháp hay, sáng tạo, phù hợp; công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc chưa thường xuyên.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Gia Lâm Nguyễn Tiến Việt cho biết: Để tiếp tục thực hiện tốt Đề án “Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ trong tình hình mới” trong toàn Đảng bộ, các cấp ủy, chi bộ trong toàn huyện cần quán triệt kịp thời, sâu sắc các chủ trương, nghị quyết, kế hoạch và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy, Huyện ủy về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; xây dựng chương trình, kế hoạch sát với tình hình thực tiễn của địa phương và cơ sở để triển khai tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.
Các chi bộ cần tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng; không ngừng bồi dưỡng nâng cao trình độ năng lực, phẩm chất chính trị, đạo đức cho mỗi đảng viên, trước hết là đồng chí bí thư chi bộ; tích cực đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt chi bộ; tăng cường cải cách hành chính trong Đảng; nâng cao hiệu quả ứng dụng các phần mềm trong sinh hoạt chi bộ.
Đối với Đảng ủy cơ sở, cần duy trì thường xuyên công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành nội dung sinh hoạt định kỳ, sinh hoạt chuyên đề của chi bộ cơ sở; giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ; tăng cường phát hiện, quy hoạch, bồi dưỡng và lựa chọn, sử dụng đội ngũ cán bộ chi ủy, nhất là vị trí bí thư chi bộ để xây dựng đội ngũ cán bộ cấp ủy có phẩm chất, năng lực, tâm huyết, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
"Đảng ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy, các cấp ủy chi bộ cần tích cực tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo các mô hình, đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt chi bộ làm cho sinh hoạt chi bộ thực sự phong phú, hấp dẫn, lôi cuốn đảng viên tham gia, mong muốn được tham gia sinh hoạt chi bộ, khắc phục sự nhàm chán, khắc phục bệnh hình thức trong sinh hoạt"- Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Gia Lâm Nguyễn Tiến Việt nhấn mạnh.