Giám sát liên ngành tại quận Đống Đa về thực hiện 2 Đề án của Chính phủ:
Giảm nhiều vụ việc phức tạp, phụ nữ được tạo điều kiện phát triển kinh tế
(PNTĐ) -Ngày 28/9/2023, tiếp tục chương trình giám sát năm 2023, Đoàn Giám sát liên ngành của Thành phố do đồng chí Nguyễn Thị Thu Thủy, Ủy viên BCH Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội đã giám sát việc thực hiện 2 Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết 1 số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2018- 2027” (Đề án 938) và Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2018 – 2025” (Đề án 939) tại quận Đống Đa.
Trân trọng đón đoàn có đồng chí Nguyễn Thanh Tùng, UV BTV Quận ủy, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa.
Hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu của Đề án
Báo cáo kết quả thực hiện 2 Đề án của UBND quận Đống Đa cho thấy, trong thực hiện Đề án 938, UBND Quận đã chỉ đạo UBND 21 Phường, các phòng ngành chức năng phối hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, chủ động tham gia giải quyết hiệu quả một số vấn đề liên quan đến phụ nữ. UBND quận giao mỗi phường lựa chọn xây dựng ít nhất 01 mô hình vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết các vấn đề xã hội; quan tâm nghiên cứu xây dựng mô hình tư vấn, trợ giúp, hỗ trợ phù hợp từng nhóm đối tượng.

Bên cạnh đó, quận cũng quan tâm nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ phụ nữ giải quyết các vấn đề xã hội có liên quan; xây dựng, hoàn thiện và thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết hiệu quả các vấn đề xã hội; nghiên cứu, đề xuất chính sách; giám sát việc thực thi pháp luật về các chủ đề của Đề án.
Kết quả thực hiện các chỉ tiêu của Đề án giai đoạn 2017 – 2025: Trên 15.000 phụ nữ, cha mẹ có con dưới 16 tuổi (100%) được cung cấp thông tin, kiến thức về giữ gìn, rèn luyện phẩm chất đạo đức và ý thức chấp hành pháp luật; 85% cán bộ chuyên trách của các cơ quan, đơn vị tham gia triển khai Đề án được bồi dưỡng nâng cao năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng; Trên 3.000 phụ nữ được cung cấp kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực giới, bạo lực gia đình sẵn sàng lên tiếng trước các hành vi bạo lực; Hàng năm giảm các vụ việc xâm hại, bạo lực nghiêm trọng đối với phụ nữ và trẻ em.


Trong thực hiện Đề án 939, các cấp Hội đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho phụ nữ về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, Thành phố về khởi nghiệp, phát triển kinh tế; Các cấp Hội tổ chức tuyên truyền sâu rộng nội dung Đề án đến cán bộ, hội viên phụ nữ và Nhân dân với nhiều hình thức đa dạng, phong phú.
Thực hiện hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, hàng năm, Hội Phụ nữ quận đã xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án; Rà soát, hướng dẫn mỗi năm từ 10 - 13 phụ nữ có ý tưởng để khởi sự kinh doanh bằng hình thức cho vay vốn, cung cấp nguồn hàng, giới thiệu quảng bá sản phẩm; Hội LHPN Quận tổ chức Chương trình kết nối sản phẩm sáng tạo - khởi nghiệp thu hút mỗi năm hàng trăm phụ nữ tham gia; Vận động, hướng dẫn phụ nữ thành lập các nhóm, tổ hợp tác theo ngành, nghề sản xuất kinh doanh, nhóm các doanh nghiệp do nữ làm chủ.

Kết quả thực hiện Đề án: 100% cán bộ Hội Quận, Phường và ít nhất 300 cán bộ Hội tham gia triển khai Đề án được nâng cao nhận thức về chủ trương, chính sách khởi nghiệp, phát triển kinh tế và phương pháp hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế; Hàng năm,70% hội viên phụ nữ được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về khởi nghiệp, phát triển kinh tế; Trong 6 năm đã hỗ trợ 73 phụ nữ mới khởi nghiệp, doanh nghiệp do nữ làm chủ được tư vấn, hỗ trợ kiến thức khởi nghiệp, quản lý phát triển doanh nghiệp.
Đánh giá cho thấy, nhìn chung, việc triển khai thực hiện 2 Đề án đã thiết thực góp phần giảm bớt các vụ việc phức tạp như bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ và trẻ em; tạo điều kiện cho nhiều chị em có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng, phát triển kinh tế kinh tế góp phần thực hiện và đảm bảo tốt an sinh xã hội toàn quận.
Để có thêm dữ liệu từ cơ sở, Đoàn cũng đã nghe báo cáo việc thực hiện 2 Đề án của phường Láng Thượng và Kim Liên. Trong đó, với phường Kim Liên, Đoàn ghi nhận mô hình bán “Cơm cháy chà bông” do Hội LHPN phường triển khai, vừa góp phần quảng bá sản phẩm cho doanh nghiệp, vừa gây quỹ tặng trẻ em mồ côi, vừa tạo việc làm cho 5 phụ nữ trên địa bàn thông qua việc làm đại lý bán sản phẩm.
Tiếp tục triển khai 2 Đề án đạt kết quả bền vững hơn
Theo đồng chí Nguyễn Thanh Tùng, UV BTV Quận ủy, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa: Hàng năm, Quận đều sơ kết 2 Đề án trong đó ghi nhận có nhiều chỉ tiêu đạt vượt mức, qua đó về cơ bản phụ nữ trên địa bàn đến nay đã được trang bị kiến thức pháp luật, kỹ năng, chăm sóc sức khỏe, chủ động tham gia giải quyết các vấn đề xã hội. Đồng chí ghi nhận vai trò của Hội LHPN quận Đống Đa trong việc triển khai hiệu quả 2 Đề án. Khẳng định mặc dù nhiều chỉ tiêu của Đề án đến nay đã được Quận hoàn thành, hoàn thành vượt mức nhưng đồng chí lãnh đạo UBND quận cho rằng, việc hoàn thành này vẫn chưa thực sự bền vững. Vì vậy, trong giai đoạn, Quận sẽ tiếp tục chỉ đạo để triển khai Đề án hiệu quả hơn, bền vững hơn nữa.

Phát biểu kết luận Hội nghị giám sát, đồng chí Nguyễn Thị Thu Thủy, Trưởng đoàn giám sát cho biết: Năm 2023, Hội LHPN Hà Nội lựa chọn giám sát và tham gia Đoàn giám sát nhiều nội dung liên quan đến phụ nữ trẻ em như Giám sát việc thực hiện Kết luận số 55-KL/TW, ngày 8/1/2013 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) “về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 20/1/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII) “về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới”; Giám sát việc thực hiện quy định pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động. Hoạt động giám sát việc thực hiện 2 Đề án liên quan của Chính phủ tại quận Đống Đa nhằm đánh giá hiệu quả vai trò, trách nhiệm của UBND các cấp; ghi nhận những kết quả đạt được, tồn tại, vướng mắc và đề xuất của các địa phương; Trên cơ sở đó, Đoàn sẽ tổng hợp thông tin, nghiên cứu phục vụ cho việc triển khai 2 Đề án hiệu quả trong giai đoạn tiếp theo.

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Thủy ghi nhận kết quả thực hiện 2 Đề án của quận Đống Đa thể hiện qua các nội dung như Quận đã ban hành văn bản triển khai kịp thời; phân công cụ thể trách nhiệm cho các ban ngành cụ thể. Trong đó, Hội LHPN chủ trì, các phòng ban triển khai, phối hợp thực hiện thể hiện ở một số nội dung: Bố trí ngân sách triển khai; Tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về bình đẳng giới, phòng ngừa ứng phó bạo lực trên cơ sở giới; đảm bảo an toàn thực phẩm; thực hiện mục tiêu bình đẳng giới liên quan đến phụ nữ;tập huấn nâng cao năng lực cán bộ, hội viên, phụ nữ;
Đề cập đến nội dung Đề án 938, đồng chí đề nghị quận Đống Đa xác định các vấn đề xã hội mới đặt ra từ thực tiễn của địa bàn giai đoạn hiện nay như vấn đề phát sinh trong giải phóng mặt bằng để có thể xác định các nội dung cần tập trung triển khai trong Đề án; làm rõ hơn các biện pháp hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp; hàng năm theo định kỳ có tổng hợp báo cáo việc triển khai Đề án để kịp thời có sự đánh giá.