Hà Nội đặt mục tiêu từ năm 2024-2030 hoàn thành thi công xây dựng 96,8km đường sắt đô thị

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Ngày 1/7, tại Kỳ họp thứ 17 HĐND TP Hà Nội khóa XVI, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường đã trình bày Tờ trình của UBND TP Hà Nội về Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị (ĐSĐT) Thủ đô.

Đường sắt đô thị là trục "xương sống" của hệ thống hạ tầng giao thông vận tải

Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, Đề án được lập trên quan điểm thống nhất nhận thức về vai trò của đường sắt đô thị (ĐSĐT), là trục "xương sống" của hệ thống hạ tầng giao thông vận tải của thành phố.

Phát triển hệ thống ĐSĐT là tất yếu khách quan, là một động lực quan trọng cho chiến lược phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững của TP trong thời gian tới. Phát triển ĐSĐT gắn kết với phát triển đô thị, bảo vệ môi trường, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa tạo động lực phát triển liên kết vùng Thủ đô.

Hà Nội đặt mục tiêu từ năm 2024-2030 hoàn thành thi công xây dựng 96,8km đường sắt đô thị - ảnh 1
Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường trình bày tờ trình

Mục tiêu đặt ra là phát triển hệ thống ĐSĐT đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu vận tải giao thông công cộng của TP, góp phần tái cơ cấu các phương thức vận tải của TP theo hướng bền vững, hài hòa, hợp lý; phấn đấu tỷ lệ vận tải hành khách công cộng năm 2035 đạt 50-55%, sau năm 2035 đạt 65-70%.

Để hoàn thành mục tiêu đó, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Nguyễn Phi Thường cho hay, Hà Nội đề xuất "1 kế hoạch, 3 phân kỳ đầu tư". Lộ trình cụ thể như sau: phân kỳ 2024-2030 hoàn thành thi công xây dựng 96,8km (gồm các tuyến số 2, số 3, số 5), khoảng 24% tổng chiều dài các tuyến đường sắt đô thị theo Quy hoạch Giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đã được phê duyệt tại Quyết định 519/QĐ-TTg).

Thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư 301km (gồm các tuyến số 1, 2A kéo dài đến Xuân Mai, 4,6,7,8; tuyến kết nối các đô thị vệ tinh). Sơ bộ nhu cầu vốn khoảng 14,602 tỷ USD. Phân kỳ 2031-2035 hoàn thành đầu tư xây dựng 301 km. Sơ bộ nhu cầu vốn khoảng 22,572 tỷ USD.

Phân kỳ 2036-2045 hoàn thành đầu tư 200,7km đường sắt đô thị các tuyến/đoạn tuyến điều chỉnh, bổ sung theo Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung Thủ đô điều chỉnh được phê duyệt. Nhu cầu vốn khoảng 18,252 tỷ USD.

Dựa trên thực hiện rà soát các nguồn vốn đầu tư công bao gồm vốn ngân sách, vốn vay trái phiếu, vốn vay ODA và các nguồn vốn huy động khác theo quy định hiện hành, Hà Nội dự kiến đến năm 2035 TP cân đối được khoảng 28,560 tỷ USD.

Đến năm 2045 có thể cân đối được khoảng 29,210 tỷ USD, đủ đáp ứng nhu cầu giai đoạn này. Như vậy, giai đoạn từ nay đến năm 2035, Hà Nội cần Trung ương hỗ trợ khoảng 8,614 tỷ USD. Cùng với việc bố trí vốn, UBND TP Hà Nội cũng đề xuất được áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội mang tính đột phá.

Tờ trình của UBND TP cũng đề xuất 23 nhóm cơ chế, chính sách cần thiết để thực hiện, trong đó, về quy hoạch, UBND TP Hà Nội đề xuất được điều chỉnh chức năng sử dụng cho các khu đất trong khu vực TOD để khai thác quỹ đất và khai thác giá trị tăng thêm từ đất trong các khu vực TOD, phát triển các tuyến đường sắt đô thị, phát triển đô thị trong khu vực TOD...

Về thu hồi đất, đền bù, hỗ trợ, tái định cư, Tờ trình đề nghị cho phép UBND TP Hà Nội quyết định nội dung, trình tự, thủ tục thực hiện dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư độc lập. Trong đó, nội dung báo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cần được quy định phù hợp với tính chất, đặc điểm của dự án. Trình tự thực hiện được phép rút gọn để rút ngắn thời gian thẩm định, phê duyệt dự án.

Đồng thời, cho phép UBND TP tổ chức thực hiện giải phóng mặt bằng theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 căn cứ thiết kế sơ bộ các tuyến ĐSĐT đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, Chủ đầu tư tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt Hồ sơ thiết kế cắm cọc thu hồi đất khu vực đề-pô, tuyến và thân ga ĐSĐT.

Giai đoạn 2 căn cứ thiết kế cơ sở hoặc thiết kế FEED đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, Chủ đầu tư tổ chức lập, thẩm định phê duyệt hồ sơ thiết kế cắm cọc thu hồi đất cho phần diện tích đất cần thực thu hồi đất còn lại. Cho phép UBND TP quyết định chính sách đặc thù về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tạm cư đối với người dân bị ảnh trong trong các dự án ĐSĐT của Thủ đô.

Việc phát triển ĐSĐT tại Hà Nội là nhiệm vụ trọng tâm, là tất yếu 

Báo cáo thẩm tra Đề án, Trưởng Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội Đàm Văn Huân cho biết, trên thế giới đã có hơn 100 thành phố xây dựng hệ thống ĐSĐT. ĐSĐT là phương thức vận tải quan trọng, cung cấp hệ thống giao thông công cộng chất lượng cao, năng lực vận tải lớn, ổn định, tin cậy, an toàn, thân thiện môi trường. Nhiều quốc gia đã, đang ưu tiên phát triển ĐSĐT để giải quyết các vấn đề về ùn tắc giao thông, tai nạn và giảm thiểu lượng phát thải khí CO2 ra môi trường, mở ra không gian phát triển kinh tế - xã hội.

Hà Nội đặt mục tiêu từ năm 2024-2030 hoàn thành thi công xây dựng 96,8km đường sắt đô thị - ảnh 2
Trưởng Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội Đàm Văn Huân báo cáo thẩm tra

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, những năm qua, TP đã tập trung nguồn lực đầu tư, đưa vào sử dụng nhiều công trình giao thông quan trọng, đóng góp rất lớn cho sự phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô.

Tuy nhiên, trước những yêu cầu của sự phát triển, tốc độ đô thị hóa, hệ thống giao thông TP đang phải đối diện với những áp lực rất lớn do sự gia tăng nhanh chóng của phương tiện giao thông cá nhân, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, lãng phí nguồn lực xã hội. Công nghiệp đường sắt chậm phát triển, chưa có định hướng dài hạn; ứng dụng khoa học - công nghệ hạn chế; hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức còn thiếu, mô hình quản lý, hoạt động, vận hành chưa ổn định; quản lý khai thác, kinh doanh vận tải đường sắt chậm đổi mới.

Nhiệm vụ phát triển ĐSĐT đã được đề cập tại nhiều văn kiện của Đảng, nghị quyết của Bộ Chính trị và chỉ đạo của Chính phủ, gần đây nhất là Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị đã yêu cầu "Hoàn chỉnh mạng lưới dường sắt đô thị tại TP Hà Nội (có tính kết nối với vùng Thủ đô) vào năm 2035". Như vậy, việc phát triển ĐSĐT tại Hà Nội là nhiệm vụ trọng tâm, là tất yếu của giai đoạn phát triển mới.

Ban Đô thị HĐND TP cơ bản thống nhất chủ trương thông qua Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống ĐSĐT Thủ đô, đồng thời đề nghị UBND TP chỉ đạo hoàn thiện, bổ sung một số nội dung để đảm bảo tiến độ, chất lượng Đề án trình Bộ Chính trị chấp thuận, trình Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết về chủ trương phát triển hệ thống ĐSĐT và các cơ chế, chính sách đặc thù làm cơ sở đầu tư xây dựng hệ thống ĐSĐT Thủ đô.

Tin cùng chuyên mục

Tăng cường hợp tác giữa Thủ đô Hà Nội và Thủ đô Viêng Chăn

Tăng cường hợp tác giữa Thủ đô Hà Nội và Thủ đô Viêng Chăn

(PNTĐ) - Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào, chiều 17/9, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã gặp và làm việc với Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thủ đô Viêng Chăn Anouphap Tounalom và Ủy viên Trung ương Đảng, Đô trưởng Thủ đô Viêng Chăn Athsaphangthong Siphandone.
Chính phủ ban hành 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm khắc phục hậu quả bão số 3

Chính phủ ban hành 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm khắc phục hậu quả bão số 3

(PNTĐ) - Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình Nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.
Hội LHPN Hà Nội: Động viên, hỗ trợ người dân bị thiệt hại do mưa bão tại huyện Mỹ Đức

Hội LHPN Hà Nội: Động viên, hỗ trợ người dân bị thiệt hại do mưa bão tại huyện Mỹ Đức

(PNTĐ) - Ngày 17/9, Đoàn công tác của Hội LHPN Hà Nội do bà Lê Thị Thiên Hương, Phó Chủ tịch Hội làm trưởng đoàn đã đến thăm hỏi, động viên và trao quà hỗ trợ người dân vùng thiệt hại do mưa lũ sau cơn bão số 3 trên địa bàn 4 xã: Hợp Thanh, Hợp Tiến, An Phú và Phúc Lâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.