Hà Nội: Gỡ tồn đọng, khẩn trương đưa công trình giao thông trọng điểm “về đích”

Chia sẻ

Dự kiến trong năm 2022, TP Hà Nội sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác nhiều công trình giao thông trọng điểm góp phần tăng năng lực hạ tầng giao thông, giảm ùn tắc, ô nhiễm môi trường và tạo cảnh quan đô thị.

Theo kế hoạch năm 2022, dự kiến các công trình như cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, hầm chui Lê Văn Lương - đường vành đai 3, đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội (đoạn trên cao Nhổn - Cầu Giấy); dự án đường vành đai 2 trên cao sẽ… được hoàn thành. Cụ thể, đối với dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 đã hoàn thành 43% khối lượng công việc; trong đó, 90% số cột trụ đã hoàn thành và đường dẫn vượt bãi sông đang dần hoàn thiện. Dự án hoàn thành sẽ giải quyết bớt áp lực cho tuyến giao thông trọng điểm của Thủ đô, nhất là giảm tải lưu lượng xe trên cầu Thanh Trì và đường vành đai 3.

Với dự án xây dựng đường vành đai 2 trên cao trục cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở, hiện tại đoạn cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng được chủ đầu tư huy động phương tiện máy móc, nhân lực thi công tăng ca, ứng dụng khoa học kỹ thuật cao để đẩy nhanh tiến độ thi công theo đúng cam kết. Trong đó, đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến chợ Mơ đã hoàn thành trên 90% khối lượng, phần dưới từ chợ Mơ đến Ngã Tư Vọng dự kiến cuối tháng 12/2022 sẽ thông xe kỹ thuật toàn tuyến.

Hàng chục công nhân của nhà thầu đang khẩn trương thi công dự án cầu vòm sắt hồ Linh Đàm (nằm dưới đường Vành đai 3 trên cao) để bảo đảm tiến độ đề ra.	Ảnh: PVHàng chục công nhân của nhà thầu đang khẩn trương thi công dự án cầu vòm sắt hồ Linh Đàm (nằm dưới đường Vành đai 3 trên cao) để bảo đảm tiến độ đề ra.  Ảnh: PV

Còn dự án hầm chui Lê Văn Lương - vành đai 3, theo ông Hồ Đức Phúc - Giám đốc điều hành, dự án đã hoàn thành những hạng mục khó khăn nhất như đào đất, khung chống, di dời các công trình hầm nổi… để bàn giao mặt bằng cho các nhà thầu. Đơn vị thi công huy động 3 mũi thi công riêng biệt với khoảng 120 công nhân, hàng trăm máy móc thiết bị chia ca thi công liên tục 24 giờ/ngày. Dự kiến tháng 10/2022, sẽ hoàn thành thông xe kỹ thuật toàn bộ hầm chui Lê Văn Lương.

Tuy nhiên, hiện nay, có một số công trình giao thông trọng điểm thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước, công trình xây dựng của doanh nghiệp đang chậm tiến độ.

Điển hình như dự án cầu cạn vành đai 3 đi thấp bắc qua hồ Linh Đàm đã được hoàn thành và đi vào sử dụng từ cuối năm 2020. Tuy nhiên, hạng mục bổ sung cầu vòm thép (dự kiến đi vào hoạt động từ cuối tháng 12/2021) vẫn đang trong quá trình thi công, chậm tiến độ gần 4 tháng. Trao đổi về vấn đề này, Giám đốc điều hành dự án Hoàng Đình Hiếu chia sẻ, do quý I/2022 ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến cho việc huy động nhân sự thi công gặp rất nhiều khó khăn, vật liệu xây dựng tăng giá...

Theo ông Hoàng Đình Hiếu, sau khi kiểm tra, nghiên cứu, được Sở Giao thông Vận tải TP Hà Nội phê duyệt phương án điều chỉnh, đơn vị thi công đã huy động nhân lực, máy móc triển khai thi công theo thiết kế mới. Dự kiến công trình sẽ được hoàn thành trong quý II/2022.

Dự án mở rộng đường đê Âu Cơ - Nghi Tàm cũng là công trình chậm tiến độ. Ông Phạm Đức Hưng - đại diện đơn vị thi công chia sẻ: Công trình nằm trên bề mặt đê hữu Hồng, từ 15/6 đến hết tháng 10 là mùa mưa lũ nên công trình phải dừng hoạt động để đảm bảo hệ thống đê điều.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc huy động máy móc, nhân lực gặp nhiều khó khăn. Về công trình này, ông Nguyễn Huy Sĩ - Phòng Giám sát 1 Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hà Nội cho biết thêm: Dự án được chia làm 4 đoạn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cấp phép cho TP Hà Nội xây dựng đoạn 1, 2 và 4. Còn đoạn 3, sau khi được TP Hà Nội chấp thuận, đơn vị đã tích cực phối hợp với các sở, ngành nghiên cứu và thiết kế bản vẽ thi công để trình Bộ NN&PTNT xin cấp phép thi công.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải, thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã tiếp tục tháo gỡ về thủ tục cho các nhà đầu tư, đẩy nhanh tiến độ cấp phép, thực hiện quyết liệt các giải pháp giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai dự án, nhất là các dự án trọng điểm, công trình lớn, quan trọng, thiết yếu, có sức lan tỏa, các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các làng nghề, làng nghề truyền thống.

Để đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án giao thông trọng điểm, TP. Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương kiểm tra, rà soát kỹ, tập trung hoàn thành nhanh, gọn từng dự án; hoàn thành các công việc còn tồn đọng, thực hiện nghiệm thu, bàn giao, hoàn thành hồ sơ, thủ tục thanh, quyết toán dự án theo quy định; đồng thời khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đầu tư để khởi công các dự án mới.

Thành phố cũng yêu cầu từng chủ đầu tư phải xây dựng kế hoạch giải ngân và cam kết tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của từng dự án; thực hiện nghiêm chế độ báo cáo định kỳ hàng tháng, hàng quý và đột xuất về công tác giải ngân kế hoạch đầu tư công.

HÀ LINH

Tin cùng chuyên mục

Xã Kim Sơn (Sơn Tây) đón nhận Bằng công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu

Xã Kim Sơn (Sơn Tây) đón nhận Bằng công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu

(PNTĐ) - Ngày 20/4, Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Kim Sơn (thị xã Sơn Tây) đã tổ chức Lễ đón Bằng công nhận xã Kim Sơn đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu. Đây là những ghi nhận cho sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Kim Sơn trong việc xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023 (đạt chuẩn với 5 lĩnh vực: An ninh trật tự, Văn hóa, Y tế, Du lịch, Chuyển đổi số).
Liên tục nợ thuế, Kim Oanh Group có đủ sức làm dự án 15.000 tỷ đồng?

Kim Oanh Group nợ thuế triền miên vẫn được Bình Dương chấp thuận làm dự án 15.000 tỷ đồng

Nhiều công ty nằm trong hệ sinh thái của Kim Oanh Group liên tục nằm trong danh sách nợ thuế, báo lỗ nhưng gần đây vẫn được UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận cho làm dự án Đầu tư xây dựng Một Thế Giới – The One World (dự án Hoà Lân) với tổng vốn đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng.