Hà Nội: Người dân “thở phào” vì được sử dụng cả giấy đi đường cũ và cấp mới

Chia sẻ

Trong sáng hôm nay, ngày 8/9, ngưởi dân Thủ đô khi đi đường đã cảm thấy an tâm, bớt áp lực hơn phần nào khi thành phố đã cho phép sử dụng song song hai mẫu giấy đi đường cũ và mới.

Ghi nhận của nhóm phóng viên báo Phụ nữ Thủ đô trong sáng nay tại điểm chốt khu vực cầu Vĩnh Tuy cho thấy, số lượng các phương tiện tham gia lưu thông trên đường ngày hôm nay tương đối đông vào đầu buổi sáng. Tuy nhiên, người dân chỉ cần xuất trình đầy đủ giấy tờ đi đường sẽ được đi qua một cách nhanh chóng, tránh việc xảy ra ùn tắc dẫn đến nguy cơ mất an toàn.

Trao đổi với đồng chí Hoàng Tiến Phi, thuộc Đội CSGT số 4 - CA TP Hà Nội cho biết: “Do thành phố cho phép sử dụng mẫu giấy đi đường cũ để đi nên trong sáng nay chúng tôi chưa ghi nhận, xử lý bất kỳ một trường hợp nào vi phạm cả. Trong những ngày vừa qua, ý thức của người dân đã được nâng cao hơn rất nhiều, mọi người ai cũng tuân thủ đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch khi ra ngoài nên anh em chúng tôi làm việc cũng cảm thấy rất thoải mái, vui vẻ”.

Lực lượng chức năng đang kiểm tra giấy đi đường của người dânLực lượng chức năng đang kiểm tra giấy đi đường của người dân (Ảnh: nhóm PV)

Chị Nguyễn Minh Thu hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, đi từ trung tâm Hà Nội (vùng 1) sang quận Long Biên (vùng 2) để tới cơ quan làm việc. Khi đến chốt chỉ cần sử dụng mẫu giấy đi đường đã được đơn vị cấp từ trước đó là có thể qua chốt.

“Giấy đi đường cũ tôi thấy thuận lợi hơn, giờ xin giấy mới sẽ gặp rất nhiều khó khăn nên công ty chưa kịp làm để đưa cho cán bộ nhân viên. Do đó, khi có thông báo được sử dụng mẫu giấy cũ để đến cơ quan làm việc, cá nhân tôi rất vui mừng và cảm thấy nhẹ nhõm hơn rất nhiều” – chị Thu chia sẻ.

Ngoài ra, theo ghi nhận của chúng tôi vào lúc 8h00 sáng tại chốt kiểm soát Cầu Diễn (thuộc Quốc lộ 32 hướng vào trung tâm thành phố), hầu hết mọi người khi qua chốt đều chuẩn bị sẵn đầy đủ các giấy tờ cần thiết. Có vài người còn sử dụng mẫu giấy mới có mã QR.

Người dân ai cũng nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về phòng, chống dịch của Thành phốNgười dân ai cũng nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về phòng, chống dịch của Thành phố (Ảnh: nhóm PV)

Được biết trước đó, lưu lượng người qua lại tại chốt rất đông, đặc biệt là vào các khung giờ cao điểm. Rút kinh nghiệm, sáng nay các phương án để giảm ùn tắc đã được tổ công tác đưa ra và triển khai một cách hiệu quả.  

Thiếu tá Phạm Văn Chiến, Đội trưởng Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT- CA TP. Hà Nội) cho biết: “Sáng nay, để tránh tình trạng tắc nghẽn giao thông như mấy ngày vừa qua, chúng tôi đã triển khai tăng cường lực lượng lên 21 người. Ngoài ra còn bố trí thêm các điểm từ xa để phân làn, phân luồng, nhằm giảm áp lực về lượng người lưu thông lên chốt kiểm soát”.

Đồng thời, đơn vị còn dùng loa phát thanh tuyên truyền ở các xe giao thông tuần tra kiểm soát nhằm nhắc nhở người dân cầm sẵn giấy đi đường khi qua chốt để việc kiểm tra nhanh chóng, thuận lợi.

Anh Nguyễn Bảo Long – nhân viên nhà thuốc trên phố Hoàng Ngọc Phách cho biết: “Việc cấp giấy có mã QR của công ty chúng tôi đã thực hiện được 2 hôm nay. Nay tôi dùng giấy mới để đi làm. Cá nhân tôi thấy giấy có mã QR rất tiện lợi, dễ dàng trích xuất thông tin người đi đường, đặc biệt trong điều kiện dịch bệnh thì việc kiểm tra giấy tờ này cần phải được tiến hành nhanh chóng, tránh tập trung đông người”.

Chiều tối ngày 7/9, trong cuộc họp Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết việc thực hiện phương án phân 3 vùng từ ngày 6/9 nhằm đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thủ đô trong tình hình mới, để kiểm soát, tầm soát y tế: Vừa bảo đảm tiếp tục thực hiện triệt để biện pháp giãn cách xã hội ở "vùng đỏ", vừa tạo điều kiện phục hồi sản xuất, kinh doanh, chăm lo sinh kế, bảo đảm an sinh xã hội ở "vùng cam" và "vùng xanh".

Để cấp và kiểm tra giấy đi đường góp phần tích cực thực hiện giãn cách ở vùng đỏ, Ban Thường vụ Thành ủy giao Ban Cán sự đảng UBND TP chỉ đạo tiếp thu nghiêm túc, cầu thị các ý kiến để điều chỉnh phù hợp với thực tiễn, bảo đảm hiệu quả phòng, chống dịch và an toàn của người dân.

"Trước mắt, tiếp tục sử dụng giấy đi đường đã cấp và cấp giấy mới kết hợp nhập vào dữ liệu dân cư, điều chỉnh đến hiệu quả thực tiễn thì mới nhập hai loại giấy thành một; chỉ phạt người ra đường không thuộc các trường hợp theo quy định của Chỉ thị 16", ông Dũng nói.

CÔNG NGỌC - HỮU PHÚ

Tin cùng chuyên mục

Người lao động được lương bao nhiêu khi đi làm dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5?

Người lao động được lương bao nhiêu khi đi làm dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5?

(PNTĐ) - Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, người lao động đi làm thêm thì được tính tiền lương làm thêm giờ. Theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động làm thêm dịp nghỉ lễ, Tết hoặc ngày nghỉ có hưởng lương, được trả lương ít nhất bằng 300% so với lương ngày làm việc bình thường. Người lao động làm thêm ban đêm, được trả ít nhất 390% lương, so với lương ngày làm việc bình thường.